Giáo sư Hoàng Tuỵ
(7.12.1927-14.7.2019)
Chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin Giáo sư Hoàng Tuỵ, nhà toán học lỗi lạc, người đặt nền móng cho toán học Việt Nam (cùng với GS Lê Văn Thiêm), đã từ trần vào lúc 15g30 ngày 14/7/2019 tại Hà Nội, một năm rưỡi sau người bạn đời của ông (Bà Dương thị Ngọc Anh).
Tang lễ sẽ được tổ chức vào hồi 7h30 ngày 19/7/2019 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu đưa tang vào hồi 9h. Lễ hỏa táng cùng ngày tại nghĩa trang công viên Thiên Đức, huyện Phù Ninh, Phú Thọ.
Diễn Đàn xin thành kính chia buồn với toàn thể gia đình và đông đảo đồng nghiệp, bạn bè thân hữu của ông,
Thế là, chỉ trong vòng hơn một năm trời, khoa học Việt Nam đã chịu hai tổn thất lớn, hai nhà toán học đồng thời là những trí thức luôn nặng lòng với đất nước, "kiên định và khảng khái" nói lên "các vấn nạn khó khăn và trọng yếu nhất của đất nước" (1) dù là đứng trước những nhà lãnh đạo đầy quyền uy của một chế độ toàn trị hay sau này, trực tiếp với nhân dân qua các phương tiện truyền thông hiện đại : Giáo sư Phan Đình Diệu từ giã chúng ta vào tháng 5/2018 và nay là Giáo sư Hoàng Tuỵ (2). Cả hai, ngoài sự nghiệp khoa học riêng của mình, đều là những người xây dựng (les batisseurs, nói theo tiếng Pháp) của nền khoa học Việt Nam, Phan Đình Diệu với ngành toán tin và Hoàng Tuỵ với toán học Việt Nam nói chung.
Dưới đây, chúng tôi xin liệt kê sơ lược vài bài viết liên quan tới người vừa khuất núi.
Trong ô tìm kiếm trên trang chủ mặt báo này, nếu bạn gõ "Hoàng Tuỵ", sẽ thấy hơn 150 bài viết về và của ông, hoặc trực tiếp trên báo, hoặc nói kết trong mục "Thấy trên mạng" với các nguồn khác. Sinh thời, ông vốn là một người bạn, người anh lớn của nhiều người trong ban chủ biên và biên tập viên của bổn báo.
Về tiểu sử và sự nghiệp khoa học của GS Hoàng Tuỵ :
- hai bài mới nhất, của GS Phùng Hồ Hải trên Thanh niên và GS Hà Huy Khoái trên trang Facebook của ông. Sự nghiệp khoa học của ông đã được nhiều nguồn nói tới, nhưng con số các bài báo khoa học của ông thì các nguồn ghi khác nhau, chúng tôi chỉ xin chép lại mấy câu này từ bài của Phùng Hồ Hải, cho thấy tầm vóc của sự nghiệp đó, cũng như sức sáng tạo phi thường của ông ("công trình công bố cuối cùng năm 2018", lúc ông đã 91 tuổi).
"Theo tạp chí MathReview, tạp chí bình luận toán học của Hội Toán học Hoa Kỳ, Hoàng Tụy công bố công trình khoa học đầu tiên năm 1959 và công bố công trình cuối cùng năm 2018. Trọn 60 năm cuộc đời, 168 công bố của ông đã có hơn 900 tác giả trích dẫn, nhiều nhất trong số các tác giả Việt Nam".
- "Những hồi ức về toán học của một đất nước thời bị cấm vận", bài phỏng vấn GS Hoàng Tuỵ của Neal Koblitz trên The Mathematical Intelligencer (số 3, tập 12, 1990), bản dịch của Ngô Việt Trung.
- "GS Hoàng Tuy, một nhà toán học và giáo dục lớn" bài dẫn nhập cho tập Kỷ yếu mừng sinh nhật 80 năm GS Hoàng Tuỵ, của Nguyễn Xuân Xanh, đồng chủ biên của Kỷ yếu.
- "Sĩ phu thời nay", tên Kỷ yếu và cũng là tên bài giới thiệu của Hà Dương Tường trên mặt báo này.
Nhiều bài của các đồng nghiệp, thân hữu chia sẻ các mối quan tâm của GS Hoàng Tuỵ về Giáo dục, đăng trong Kỷ yếu, được tóm lược trong bài viết trên.
- đặc biệt là bài "Chuyện kể từ ngoài nước về nhà toán học Hoàng Tuỵ" của cố GS Bùi Trọng Liễu, có thể nói là đã tóm tắt một cách khá bao quát, thông qua những kỉ niệm giữa hai người, các hoạt động vì giáo dục nói chung, toán học nói riêng của người bạn thân thiết của ông (trước năm 2008, khi Kỷ yếu được xuất bản).
- Bản Kiến nghị "Chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục" do GS Hoàng Tuỵ đề xướng năm 2004 và 23 trí thức trong và ngoài nước đồng ký tên, đăng trên một blog riêng nay đã đóng cửa, nhưng được mạng chungta.com đăng lại, mà thiết nghĩ, các nhà hữu trách của ĐCS và chính phủ Việt Nam vẫn rất cần đọc (và đọc lại nếu đã đọc nhưng chưa đủ thấm - bằng chứng là sự xuống cấp tiếp tục của giáo dục VN trong 15 năm qua).
- Toàn văn bài Giáo dục : xin cho tôi nói thẳng, mà ông đã chuyển cho Diễn Đàn sau khi Tia Sáng, dù chỉ đăng một phần và đã cắt bỏ một số đoạn "quá thẳng", bị "thu hồi tên miền" (tháng 10.2009).
Từ mối quan tâm (có thể nói là lo âu nữa) tới sự xuống cấp của giáo dục, dĩ nhiên Hoàng Tuỵ không thể không đi đến các vấn đề chung hơn, "các vấn nạn khó khăn và trọng yếu nhất của đất nước" như nhà văn Nguyên Ngọc viết trong Lời nói đầu của Kỷ yếu. Ông quan tâm tới chủ quyền của đất nước trước sự bành trướng của Trung Quốc (xem Thư gửi lãnh đạo Việt Nam về Biển Đông), tới thể chế chính trị đang làm kìm hãm đất nước (xem Để chuyển đổi thể chế một cách ôn hoà, bài viết chung với ông Trần Đức Nguyên, cựu Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải và Thư Ngỏ gửi Quốc hội, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và Bộ Chính trị ĐCSVN), tới các thử thách hội nhập đối với khoa học và giáo dục, tới Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013, mà ông và 71 trí thức, nhà hoạt động xã hội khác đã khởi xướng một Kiến nghị nêu ra những bất cập (gọi tắt là "Kiến nghị 72") thu thập được hơn 14.400 chữ ký...
Tấm lòng đối với đất nước của người sĩ phu Hoàng Tuỵ còn thể hiện rất rõ trong "Những lời trăng trối" mà nhà báo Ngân Hà vừa đưa lên FB của cô, chép lại lời của chính ông nói chuyện với ba người bạn thân thiết, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Phạm Duy Hiển và GS Chu Hảo trong lần họ đến thăm ông ở bệnh viện ngày 7/6 vừa qua (mà nhà văn Nguyên Ngọc đã thu băng).
Sau cùng, nhưng không phải kém quan trọng nhất (last but not least), năm 2007 ông đã cùng một nhóm trí thức thành lập Viện nghiên cứu phát triển IDS, viện nghiên cứu chính sách tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, và nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng Viện (Viện trưởng là ông Nguyễn Quang A). Tuy Viện chỉ hoạt động được ngót hai năm (cuối 2007 tới tháng 9.2009) do chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra "Quyết định 97" hạn chế và đòi kiềm soát chặt chẽ hoạt động của các viện nghiên cứu, ép Viện phải "tự giải thể", nhưng IDS đã kịp thời để lại một dấu ấn đáng kể trong xã hội Việt Nam với một số bài nghiên cứu về "giáo dục và y tế dưới khía cạnh kinh tế học", "nông thôn và nông dân", "chất lượng tăng trưởng kinh tế"... Truy tìm "Viện nghiên cứu phát triển IDS" trên Google hôm nay (15/7/2019) cho ra hơn 326.000 kết quả. Nhưng ảnh hưởng của Viện còn thể hiện rõ hơn qua nỗi sợ hãi của chính quyền và truyền thông chính thống: các bài báo hai hôm nay về sự ra đi của GS Hoàng Tuỵ hoặc lờ đi không đả động gì tới IDS (và các hoạt động của ông với tư cách là người trí thức - không chỉ là nhà toán học), hoặc chỉ dám lướt qua trong một câu ngắn ! Ngày 14 tháng 12/2017, nhân một Hội thảo quốc tế về "Các thuật toán tối ưu" do Viện Toán học Việt Nam tổ chức nhằm chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 GS Hoàng Tuỵ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, tặng hoa và tỏ ý "mong có nhiều nhân tài toán học như GS Hoàng Tuỵ", nhưng ông Phúc lại cũng lờ đi vai trò của người trí thức ưu thời mẫn thế này, và tất nhiên không có một lời nào về các ý kiến đóng góp của ông cho Giáo dục Việt Nam, về IDS, dù như ta thấy, các khía cạnh nhà khoa học và nhà trí thức của ông luôn hoà quyện với nhau.
Văn hào Pháp La Rochefoucauld có câu "L'hypocrisie est un hommage que rend le vice à la vertu" (Đạo đức giả là một sự vinh danh của thói xấu dành cho đức hạnh). Để kết thúc bài viết ngắn này, nhân mùa thi và nhân câu chuyện truyền thông nói trên, xin mời bạn đọc đọc lại bài viết nhan đề "Gian, dỏm - chẳng phải chuyện nhỏ ! " mà GS Hoàng Tuỵ đã gửi đăng trên Tia Sáng cách đây 9 năm, nhưng vẫn thời sự !
Diễn Đàn
(1) Câu chữ của nhà văn Nguyên Ngọc trong Kỷ yếu Hoàng Tuỵ.
(2) Nhân đây, cũng xin giới thiệu một bài viết lịch sử của hai ông, bài viết về cái "Hộp đen" khi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh được đám tuỳ tùng nịnh hót xui dại sử dụng tràn lan khái niệm này nhưng chẳng hiểu gì cả. Bài viết được Hoàng Tuỵ và Phan Đình Diệu gửi trước tiên cho Nhân Dân nhưng dĩ nhiên tờ báo của đảng này lờ đi không trả lời, các báo khác cũng vậy. Duy nhất có tờ Văn Nghệ lúc đó dưới quyền điều hành của tổng biên tập Nguyên Ngọc dám đăng (và ít lâu sau thì hai từ "hộp đen" này biến mất trên các báo khác!). Đây là bản chụp lại bài báo do Phan Dương Hiệu đưa lên trang web dành cho thân phụ anh.