Làng báo Sài Gòn 1916-1930 (*)
Hà Dương Tường
Đây là bản dịch cuốn sách The Birth of Vietnamese Political Journalism - Saigon 1916-1930 của Philippe Peycam, Columbia University Press, New York 2012. Cuốn sách này xuất phát từ luận án tiến sĩ ở đại học London năm 1999, được tác giả viết lại 7 năm sau, khi đang sống và làm việc ở Phnompenh rồi ở Singapore.
Phải nói ngay, đây là một cuốn sách học thuật xuất sắc trong lĩnh vực chính trị, xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 tới nay, tuy tác giả chỉ tập trung phân tích một khoảng thời gian ngắn ngủi (1916-1930), một lĩnh vực và một không gian giới hạn ("Làng báo" Sài Gòn - Sài Gòn, tất nhiên không phải chỉ là một thành phố, mà là thủ phủ của Nam Kỳ, với chế độ thuộc địa của Pháp, phân biệt với Bắc Kỳ, Trung Kỳ với quy chế bảo hộ).
Ảnh hưởng của lĩnh vực và không gian ấy tới lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm sau, chắc mọi người dễ thấy, nhưng còn thời gian? Đọc lịch sử hiện đại Việt Nam, hình như ít thấy khoảng thời gian 15 năm ấy được đề cập rộng rãi như các thập niên 1930-40 và sau đó.
Đã đành, 1930 là thất bại của khởi nghĩa Yên Báy, đánh dấu sự cáo chung gần như hoàn toàn của Việt Nam Quốc dân đảng, đồng thời với sự ra đời (chính thức) của Đảng Cộng sản, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bước ngoặt của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, dẫn đến Cách mạng tháng Tám, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, rồi chín năm kháng chiến, Điện Biên Phủ v.v. Thập niên 1930 cũng là sự xuất hiện của Tư Lực văn đoàn, phong trào Thơ mới..., thổi một luồng gió mới vào xã hội Việt Nam.
Nhưng trước đó ? Với sự chuẩn bị nào mà công chúng Việt Nam đã dần dần thoát ra được cái mặc cảm là định mệnh đã buộc chúng ta mãi mãi làm thần dân của một nước thuộc địa, không chi thoát nổi ? Mặc cảm dễ hiểu, khi nhìn vào thực tế từ cuối thế kỷ 19 khi Pháp đã thiết lập được trên toàn cõi Đông Dương một chính quyền thuộc địa vững chắc, với lực lượng kinh tế, khoa học kỹ thuật một trời một vực so với trước đó ?
Đầu thế kỷ 20, phong trào Cần Vương đã bị dập tắt, cuộc kháng chiến vũ trang cuối cùng chỉ còn hoạt động thoi thóp ở Yên Thế (cho tới khi Đề Thám bị hạ sát năm 1913), phong trào Đông Du tan rã (Phan Bội Châu bị Nhật trục xuất năm 1909), phong trào Duy Tân, chống thuế, Đông Kinh Nghĩa Thục bị đàn áp tan rã (1908), các lãnh tụ chủ chốt người bị xử tử (Trần Quí Cáp), người bị đầy ra Côn Đảo (Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Ngô Đức Kế...).
Chính phủ Pháp đã đủ tự tin để thiết lập chính quyền thuộc địa với các cấu trúc hành chính, kinh tế ít nhiều nếu không nói là hoàn toàn mới đối với người Việt. Các nha Tài chính, nha Thuế quan, nha Công chánh, nha Nông Lâm và Thương mại Đông Dương, nha Bưu điện... được thành lập chỉ trong vòng 5 năm (1897-1902). Hệ thống giáo dục Pháp được tổ chức ở Nam Kỳ trong những năm 1870, và được lan ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ đầu thế kỷ 20, bắt đầu bằng các trường tiểu học Pháp - Nam (1904), và dần dần thay thế hệ thống giáo dục cổ truyền. Năm 1918, kỳ thi Hương cuối cùng được diễn ra, năm sau là kỳ thi Hội cuối cùng. Chữ Hán được thay thế bằng chữ Quốc ngữ trong tất cả các văn kiện chính thức ở Nam Kỳ từ năm 1869 (từ 1882, tất cả các viên chức hành chính bắt buộc phải viết thạo chữ Quốc ngữ), và các trường học ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ cũng bắt đầu dạy bằng chữ Quốc ngữ từ năm 1910. Về kinh tế, một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông lớn lao, đầy tham vọng (đường sắt, đường bộ, đường sông) được tiến hành. Những đoạn đường xe lửa đầu tiên (Lạng Sơn - Vinh) của hệ thống đường sắt Đông Dương được khánh thành năm 1905. Trước đó, năm 1902, lần đầu tiên một cây cầu được bắc qua sông Hồng: cầu Doumer, sau này được đổi tên là cầu Long Biên. Những đô thị mới mọc lên trên nền những thị trấn cũ. Chỉ trong vài chục năm, một nước Việt già nua, cũ kỹ, tuy không biến mất nhưng đã bị đảo lộn hoàn toàn.
Nhưng, như nhiều người đã nhận xét, trong những đảo lộn mà người Pháp mang tới đó lại có những mầm móng của những phương thức phản kháng mới của người dân bản xứ. Không còn những cuộc khởi nghĩa "Cần Vương" vô vọng, không nhất thiết phải "Đông Du" tìm phương thức cứu trợ nơi xứ Phù Tang xa xôi. Người Pháp áp đặt chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán trong các giao dịch chính thức, và tuyển những người biết chữ Quốc ngữ, chữ Pháp làm cộng sự thay cho các quan lại của triều đình ? Một cơ hội lớn cho con đường thăng tiến của người Việt, lúc đầu là những người Công giáo có học, và dần dần mở rộng ra cho lớp trẻ toàn xã hội. Trước hết là ở Nam Kỳ do tính chất của hệ thống chính trị (thuộc địa trực tiếp, với những ưu thế của những người được coi là công dân Pháp ít ra là trên mặt chính thức). Không đợi tới các sĩ phu yêu nước của Đông Kinh nghĩa thục kêu gọi, những người Công giáo được đào tạo qua các trường dòng đã thúc đẩy việc dùng chữ Quốc ngữ, giúp nó chiếm lĩnh không gian tri thức ngay từ cuối thế kỷ 19. Người Việt Nam đầu tiên soạn từ điển Pháp - Việt là Petrus Trương Vĩnh Ký (Dictionnaire Français-Annamite, 1887). Gần 10 năm sau ra đời cuốn từ điển Việt - Việt đầu tiên, của Paulus Huình Tịnh Của (Việt Nam Quấc âm Tự vị, 1895-1896). Tác giả cũng không quên nhắc lại việc phiên âm sang chữ Quốc ngữ những tác phẩm văn học kinh điển của dân tộc như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Đại Nam Quốc sử diễn ca..., được thực hiện trong hai thập niên cuối của thế kỷ 20. Và những sáng tác đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ...
Một lĩnh vực hoạt động không có tiền lệ trong xã hội phong kiến cũng được mở ra khá sớm: truyền thông, báo chí. Trương Vĩnh Ký cũng là người Việt đầu tiên được nhà cầm quyền Pháp cho phép ra báo (tờ Gia Định báo, tháng 4.1865), tuy phải đợi 4 năm sau ông mới chính thức được đứng tên làm giám đốc. Nhiều tờ báo ra đời sau đó, cả bằng tiếng Pháp - do kiều dân Pháp hoặc người Việt đứng đầu -, nổi tiếng nhất trong hai thập niên đầu của thế kỷ 20 là các tờ Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh Tân văn (1905), góp phần quan trọng vào việc truyền bá chữ Quốc ngữ.
Nhưng những tờ báo ban đầu ấy thường chỉ là đưa những thông tin chính thức, sau được mở rộng sang lĩnh vực văn chương, lịch sử, và theo tác giả, phải đợi đến giữa thập niên 1910 (1), vai trò chính trị của các tờ báo mới thật nổi trội. Nhan đề của nguyên tác ("Sự phát sinh của báo chí chính trị Việt Nam - Sài Gòn, 1916-1930") cho thấy trọng tâm phân tích của cuốn sách, kể cả thời gian thai nghén của cái "Làng báo" mà tên bản dịch có vẻ như xem nhẹ.
Mô tả và phân tích thời kỳ thai nghén đó được thực hiện trong phần I, Nguồn gốc môi trường công khai ở Sài Gòn, gồm hai chương, hơn 80 trang, tức khoảng một phần tư cuốn sách. Trong chương 1, tác giả phác hoạ tiến trình lịch sử của thành phố, cuộc sống văn hoá và kinh tế trong mấy thập niên đầu dưới thời Pháp thuộc, và sự xuất hiện của tầng lớp thanh niên Tây học trong những năm 1920 với danh xưng "nhà trí thức" (intellectuel) được cả người Pháp và người Việt sử dụng rộng rãi.
Mở đầu chương 2 là một đoạn văn mà hẳn các nhà truyền giáo của ĐCS phải cảm thấy bị chạm nọc. Xin trích hai câu đầu:
"Mối quan tâm gần đây về những cách tiếp cận khác đối với lịch sử Việt Nam hiện đại, "nằm ngoài lý thuyết cứu cánh", đã khích lệ chúng tôi xem xét lại điều mà những pho sử truyền thống xem như một thất bại. Đó là cuộc thí nghiệm văn hoá chính trị của người Việt vốn phát sinh từ sự đa nguyên, nhiều ảnh hưởng văn hoá phức tạp, và việc truy vấn mang tính tranh luận bất bạo động." (tr.60)
Mang nhan đề "Chủ nghĩa cộng hoà Pháp và sự xuất hiện của môi trường công khai ở Sài Gòn", chương này mổ xẻ chủ nghĩa thực dân Pháp về mặt lý thuyết với những sự thiếu nhất quán của nó ("Từ 1886 đến 1926 đã có 52 lần thay đổi toàn quyền Đông Dương và 38 lần thay đổi thống đốc Nam Kỳ"), những tranh cãi ở chính quốc cũng như trong giới kiều dân Pháp trong việc đề ra các chính sách thuộc địa cũng như đối với những phản ứng mạnh mẽ của người bản xứ (như phong trào chống thuế năm 1908 ở Trung Kỳ, vụ "Hà thành đầu độc"...). Chính sách Pháp-Việt đề huề của Albert Sarraut, sự tham gia chính trị (trong mô hình Pháp) của "giới đặc quyền chính trị" (với những nhân vật tiêu biểu như Gilbert Trần Chánh Chiếu (1905-1908), Phan Xích Long (1913-1917)), và những tờ báo mà họ chủ trương hoặc là những cây viết chủ chốt tuy không được đứng tên làm giám đốc : Nông cổ Mín đàm, Lục tỉnh Tân Văn, La Tribune Indigène, Nữ giới chung... và những quan hệ của họ đối với chế độ thực dân. Trần Chánh Chiếu vừa là một địa chủ Công giáo, dân Tây, vừa là người "chủ trương nhiều mục tiêu hiện đại hoá dài hạn, bao gồm việc tiếp thu các quan điểm xã hội mới về giáo dục, thương mại và thể thao, cũng như đề cao trách nhiệm của người giàu đối với đồng bào" (tr.95, tác giả dẫn nhận định này của Pierre Brocheux). Ông cũng là người cổ xuý nhiều quan điểm mới về kinh tế, tư doanh..., và "Về phương diện này, mối quan tâm của Gilbert Trần Chánh Chiếu trong mục đích chuyển hoá xã hội Việt Nam lại khác biệt với việc đơn thuần chấm dứt ách thống trị ngoại bang. Điều đó đã khiến ông đứng ngang hàng với phong trào cách tân văn hoá của Phan Châu Trinh" .
Phần II, "Làng báo" như một lực lượng chính trị, với ba chương, 220 trang, là phần chính của cuốn sách. dựng lại một không khí hoạt động báo chí sôi động, với nhiều tên tuổi các nhà báo mà ngày nay không được chính sử nhắc đến, hoặc chỉ được nhắc đến một cách dè bỉu, thậm chí phỉ báng (2), nhưng lại rất xứng đáng được hậu thế ghi nhớ - một khi lịch sử được trả lại tính chính danh của nó !
Chương 3 được dành cho thời kỳ mò mẫm (1916-1923), khi báo chí "Đi tìm vai trò chính trị" của mình. "Là một hiện tượng mà chế độ này không lường trước, sự xuất hiện báo chí của người Việt lại khởi đầu một tiến trình dài lâu để tự tách rời khỏi mô hình Pháp, và rốt cuộc trở thành phương tiện cho phe đối lập chống thực dân của người bản xứ ở đô thị truyền bá quan điểm và kêu gọi hành động" (tr.115). "Bất kể những hạn chế về pháp luật, tiếp vận(3)và kinh tế, Sài Gòn vẫn chứng kiến điển hình đầu tiên của Việt Nam về truyền thông chính trị đại chúng phát triển ngay giữa thành phố này, và cùng với nó là nền văn hoá phản biện công khai đầu tiên của cả nước" (tr.124). Những nhận định trên được tác giả lý giải qua phân tích chi tiết hai tờ báo tiếng Pháp (không bị kiểm duyệt) : tờ La Tribune Indigène, tờ báo đầu tiên do người Việt làm chủ. với nhân vật chủ chốt là Bùi Quang Chiêu, một kỹ sư canh nông ở Pháp về, và tờ L'Echo Annamite của Nguyễn Phan Long, và bốn báo tiếng Việt (không được hưởng quy chế "tự do báo chí" của báo tiếng Pháp, do người có quốc tịch Pháp đứng đầu) : Nông cổ Mín Đàm, Công luận báo, Nam Kỳ Kinh tế báo và Đông Pháp Thời báo.
Được thành lập vào tháng 8.1917, và được điều hành như "đại diện cho quyền lợi của người Việt để đối thoại với chính quyền thực dân" theo ý đồ của Albert Sarraut, La Tribune Indigène đã "bộc lộ quan điểm chính trị tự do hơn" sau khi chiến tranh chấm dứt ở châu Âu. và những năm sau đó "tiếp tục khẳng định vị thế chính trị đối lập với chính quyền thực dân và báo chí kiều dân" (4). Dù báo chí thực dân la ó, từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1919, tờ này đã đăng lại "Yêu sách của nhân dân An Nam" của Nguyễn Ái Quốc. Tờ báo cũng đăng bài của nhiều cộng tác viên "có xu hướng khuynh tả cực đoan, những người công khai cổ vũ lòng thù địch đối với giới địa chủ vùng nông thôn".
Sự xem xét bốn tờ báo quốc ngữ nói trên, tác giả khẳng định, cho thấy "nhiều ký giả có tư duy độc lập và sự hình thành của các mạng lưới liên kết cá nhân khi số dân chúng có học tăng vọt ở Sài Gòn". Đó là những tên tuổi như Gilbert Chiếu (chủ bút đầu tiên của tờ Nông cổ Mín Đàm, Lâm Hiệp Châu (được giao việc điều hành nội dung Nông cổ Mín Đàm khi mới 17 tuổi), Cao Văn Chánh (được một mình chịu trách nhiệm chiến lược nội dung cho tờ Nam kỳ Kinh tế báo, và đã lèo lái tờ này theo hướng công khai đảm nhiệm vai trò chính trị, vượt qua khuôn khổ một tạp chí chuyên ngành), Nguyễn Háo Vĩnh ở Nam Kỳ Kinh tế báo, một "cựu Đông Du" theo chương trình của Phan Bội Châu, "một trong những người Việt đầu tiên kết hợp tầm nhìn quốc tế vào cách phản biện chống thực dân". Hoặc nữa, Nguyễn Kim Đính, người dân bản xứ đầu tiên được chính thức cho phép làm chủ một tờ báo quốc ngữ. Một nhân vật khác, Hồ Văn Trung, sẽ được biết đến nhiều hơn qua tiểu thuyết với bút danh Hồ Biểu Chánh, nhưng là một cây bút với "tài nghệ viết báo luôn thoát được kiểm duyệt" khiến cơ quan an ninh phải chú ý ! Tờ Đông Pháp Thời báo(thành lập vào tháng 5.1923), chỉ được đề cập ngắn trong chương này, sẽ được phân tích riêng trong một mục của Chương 4.
Đây là chương ngắn nhất của phần II, nhưng cũng là chương dành cho giai đoạn "Phẫn nộ và vận động (1923-1926)", khi báo chí Sài Gòn khẳng định vai trò chính trị của mình qua những cuộc vận động chính trị "có tầm quan trọng lớn cho tương lai của đất nước".
Cùng với tờ Đông Pháp Thời báo, một tờ báo tiếng Pháp, La Cloche Fêlée, sẽ được tác giả phân tích cho giai đoạn này, cũng là một giai đoạn kinh tế Sài Gòn "thịnh vượng chưa từng thấy", khiến lượng độc giả báo chí tăng vọt.
Mở đầu những biến cố chính trị đánh dấu giai đoạn này là sự bổ nhiệm Maurice Cognacq, một quan chức thực dân nổi tiếng thô bạo và nhũng lạm làm thống đốc Nam Kỳ (tháng 3.1922), mà quyết định trao cho một tập đoàn tư nhân được độc quyền thương mại trên cảng Sài Gòn đã gây ra một cuộc đấu tranh chính trị với "sự quả quyết chưa từng có" của quần chúng Việt Nam, kéo dài gần một năm và lôi kéo hầu hết các tờ báo có tiếng tăm vào cuộc, kể cả những tờ vốn thận trọng như tờ La Tribune Indigène. Giữa cuộc đấu tranh chống độc quyền đó là sự trở về (tháng 9.1923) của Nguyễn An Ninh sau khi tốt nghiệp cử nhân luật ở đại học Paris, và những bài diễn văn quyết liệt chống đối thực dân, trực tiếp đối đầu với Cognacq. Ba tháng sau, cùng với một thanh niên người Pháp lai, Eugène Dejean de la Bâtie - con ngoại hôn của một nhà ngoại giao Pháp ở Hà Nội-, Ninh mở ra tờ báo tiếng Pháp La Cloche Fêlée ("Tiếng chuông rè") nổi tiếng cả về văn phong và lập trường chính trị của mình. Peycam dành một mục dài (16 tr.) để phân tích và đưa nhiều thông tin về La Cloche Fêlée và vị chủ nhiệm trẻ tuổi của nó. "Trong mọi tờ báo, La Cloche Fêlée có lẽ là tờ mà người của Cognacq muốn im tiếng nhất", kể cả những phương cách bất hợp pháp hay hạ tiện như muốn thẩm tra quyền công dân Pháp của Dejean (mưu toan này thất bại khi người cha của Dejean chính thức công nhận quan hệ cha con). Nguyễn An Ninh và Dejean de la Bâtie bị bắt ngày 24.3.1926 (bản tiếng Việt in nhầm thành 23.4). Biến cố chính trị quan trong thứ ba trong giai đoạn này, mọi người đọc sử VN đều nhớ, đó là cái chết của nhà cách mạng Phan Châu Trinh ngay hôm trước vụ bắt bớ trên (5). Đám tang Phan Châu Trinh được tổ chức khắp nước, với nhiều hình thức biểu tình, bãi khoá của học sinh, thanh niên, đặc biệt là ở Sài Gòn ngày đưa tang với 70.000 người tham dự. Trước đó vài ngày, một chiến dịch báo chí cũng đã được phát động để tiếp đón Bùi Quang Chiêu, lãnh đạo của phe Lập Hiến, với sự tham dự của cả những người thuộc nhóm thanh niên cấp tiến như Dejean de la Bâtie. Sự hợp tác giữa hai nhóm này không kéo dài, nhưng như tác giả nhận định: "Nhiều cuộc nổi dậy vào mùa xuân 1926 đã mở ra nhiều con đường mới cho các nhà hoạt động trí thức Sài Gòn. (...) Tuy có lúc rối loạn, các diễn biến của thời kỳ này có tầm quan trọng lớn cho tương lai của toàn đất nước. Nhiều cá nhân chớp lấy thời cơ, thách thức chế độ thực dân và buộc nó phải phòng thủ." (tr. 217).
Song song với La Cloche Fêlée, một tờ báo "đã duy trì được uy thế và tính độc lập của mình từ khi thành lập", tờ Đông Pháp Thời báo. Nhưng phải đợi đến khi Trần Huy Liệu, một ký giả trẻ từ miền Bắc vào được bổ nhiệm làm chủ bút (tháng 1.1925-tháng 7.1926), tờ báo này mới được nâng lên "một tầm cao cất lượng chưa hề có (...), cho thấy rằng một tờ báo tiếng Việt ít nhất cũng hữu hiệu như các tờ báo tiếng Pháp". Sau khi đánh giá "nhờ Trần Huy Liệu mà Đông Pháp Thời báo có được danh tiếng là tờ báo đối lập chủ lực vào thời đó, và là tờ báo được kính trọng vì bảo vệ các phong trào vận động", tác giả nhận định Đông Pháp Thời báotrong giai đoạn mà Trần Huy Liệu làm chủ bút "có tác động sâu xa đến sự tiến hoá lâu dài trong các thể hiện chính kiến của người Việt". Và "Dù báo chí tiếng Việt vẫn tiếp tục bị kiểm duyệt và chịu nhiều hạn chế khác, giới ký giả không còn thấy đó là những trở ngại không thể vượt qua để thể hiện chính kiến độc lập". (tr. 230).
Chương 5, chương cuối cùng và dài nhất của cuốn sách, được dành cho sự phân tích "những hạn chế của báo chí đối lập (1926-1930)".
Có thể kể, những biến chuyển mới ở nông thôn Nam Kỳ, mà sự xuất hiện của đạo Cao Đài là một ví dụ, sự chia rẽ trong nội bộ người Việt đối lập, sự trấn áp gia tăng của chính quyền, mà tác giả phân tích qua "Làng báo sau năm 1926". Trước hết là những chuyển biến đáng kể nhất của vài tờ báo đã được phân tích trong các chương trước: L'Echo Annamite với thể loại phóng sự điều tra và những bài viết ngày càng chống thực dân dữ dội, kể cả sử dụng "ngôn ngữ marxist", Đông Pháp Thời báo với các bài phỏng vấn, rồi sự tham dự của các nhà văn nổi tiếng (Ngô Tất Tố, Tản Đà, Đông Hồ Lâm Tấc Phác) sau khi Diệp Văn Kỳ, một "retour de France" mua lại vào năm 1927. Và sự ra đời của những tờ tiếp nối: La Tribune Indochinoise thay cho La Tribune Indigène, đã mở ra một thể loại báo chí hoàn toàn mới: các tranh biếm hoạ của Lê Trung Nghĩa, người cũng vẽ cho Đông Pháp Thời báo; Thần Chung tiếp theo Đông Pháp Thời báo (với những cây bút tên tuổi như Phan Khôi, Phan Văn Hùm); Jeune Annam thế chỗ cho La Cloche Fêlée, với chủ bút mới là Phan Văn Trường. Phần cuối được dành cho loại "báo chí vận động", với hai xu hướng song hành: "báo chí có chủ đích tạo ra những hình thức mới để vận động quần chúng trong những nhóm giới xã hội tương đồng" (công nhân, Công giáo) và "báo chí vận động chính trị thông qua cách đối đầu với quyền lực cai trị". Tân Thế Kỷ, Nhựt tân báo, Pháp-Việt Nhất gia, Jeune Annam, Công giáo đồng thinh... là những tên tuổi thuộc loại báo chí vận động này. Thể loại báo chí vận động sẽ được tiếp nối ở thập kỷ sau với tờ báo nổi tiếng La Lutte của những Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch..., qua đó "chủ nghĩa cộng sản và ý thức hệ marxist - dù là đại diện bởi phe ủng hộ Trosky hay phe ủng ủng hộ Stalin - đã nổi bật lên như một lựa chọn thay thế chủ yếu cho tính trạng hiện hành" (tr. 338, phần Kết luận). Một Kết luận gợi mở ra sự thừa kế di sản chung của những nhà tiên phong của báo chí Sài Gòn, trong đó tính đa nguyên và văn hoá tranh luận rõ ràng không được nhà cầm quyền hiện nay chấp nhận - điều được minh chứng qua việc nhà xuất bản đã kiểm duyệt cắt mất ba đoạn có ý nghĩa của Kết luận (xem dưới đây).
Trên đây, tôi đã giới thiệu sơ về nội dung phong phú của cuốn sách, trong khía cạnh mà tác giả muốn nhấn mạnh : chính trị. Nhưng chủ đề "báo chí chính trị" dĩ nhiên không giới hạn trong các hoạt động của những "nhà chính trị" mà báo chí chỉ có nhiệm vụ phản ánh. Khung cảnh kinh tế, xã hội là một yếu tố cấu thành những hoạt động chính trị mà người phân tích buộc phải tìm hiểu thấu đáo. Những trang viết của tác giả về khung cảnh này, không chỉ được tập trung ở Chương 1 mà rải đều trong các phần dẫn nhập của từng chương, là những mô tả ngắn gọn và hữu ích cho người đọc muốn tìm hiểu giai đoạn được đề cập. Nói "báo chí chính trị" cũng là nói tới vai trò chính trị của người viết báo, ý thức của họ đối với tình hình đất nước và những chọn lựa (tham gia, tới mức nào?) của họ trong vai trò người trí thức vừa thực hiện vai trò tìm và chuyển tải thông tin tới người đọc, vừa đấu tranh với những người cầm quyền và với những giới hạn của xã hội trong cảm nhận của họ, vừa đấu tranh với chính mình. Như tác giả nêu ra trong phần Dẫn nhập, báo chí chính là trung tâm của một mô hình văn hoá hoạt động chính trị, mô hình "môi trường công khai" theo ý tưởng của Jürgen Habermas khi tường trình về sự phát triển của môi trường này ở châu Âu thế kỷ 18. Chân dung của nhiều nhân vật được nêu lên trong sách (những Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu...) chính là để mô tả rõ hơn cái môi trường công khai đó. Cái ý tưởng tập trung ý đồ nghiên cứu trong cái mô hình công khai đó cũng mang lại cho cuốn sách tính độc đáo hiếm có, và thuyết phục người đọc về cách tiếp cận "nằm ngoài lý thuyết cứu cánh" như đã nói trên, cũng như về kết luận ông rút ra : "Nghiên cứu của tôi nhấn mạnh rằng : Để hiểu được quá khứ trong tiến trình phát triển của nó, ta phải chống lại sức cám dỗ của lý thuyết cứu cánh" (câu cuối phần Dẫn nhập).
Sau cùng, không thể nói tới tính học thuật đáng nể của cuốn sách mà không nói tới những nguồn tư liệu phải nói là vô cùng phong phú mà tác giả đã sử dụng khi viết sách. Ngoài những tờ báo thuộc đối tượng nghiên cứu, mà ông đã đọc trực tiếp bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt (34 tờ báo và tạp chí), phần "Sách và bài viết" trong Thư tịch gồm hơn 200 đầu sách bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt. Nhưng phần quan trọng nhất là ông đã tham khảo rất nhiều tài liệu gốc trong các cục lưu trữ liên quan (Pháp, Việt, Anh), nhất là những báo cáo của Sở Liêm phóng hay của các cơ quan chính quyền Pháp có nhiệm vụ theo dõi tình hình chính trị, xã hội . Nguồn tài liệu này được phản ánh qua phần Chú dẫn: sau hơn 300 trang viết (từ Dẫn nhập cho tới Kết luận) là 95 trang gồm 751 "chú dẫn" (lẽ ra phải dùng từ "chú thích") được chia theo từng chương (Dẫn nhập: 17 "chú dẫn"; Chương 1: 78 ; Chương 2: 116 ; chương 3: 132 ; chương 4 : 127 ; Chương 5: 277 và Kết luận : 4). Nhiều "chú dẫn" chỉ là một dòng chỉ nguồn tin được nói tới trong bài viết, có những "chú dẫn" khác dài dòng hơn, mươi dòng, nửa trang, phát triển một thông tin, một ý tưởng trong thân bài.
Để chấm dứt bài giới thiệu đã dài nhưng không thể đầy đủ (6) này, xin nói vài lời về bản dịch. Người viết bài này không làm việc so sánh một cách có hệ thống, chỉ có thể nói ngắn: đây là một bản dịch "tốt", khi người đọc tiếng Việt thấy một mạch văn không vấp váp, ngôn ngữ uyển chuyển, tự nhiên, logic. Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn (thuộc trách nhiệm nhà xuất bản hơn là dịch giả?) làm giảm giá trị bản tiếng Việt của cuốn sách.
Thứ nhất, sự vắng bóng một Index ("bảng chú dẫn" các từ khoá, kể cả tên riêng, với chỉ dẫn những trang nơi từ khoá đó xuất hiện), trong khi nguyên tác có một Index rất chi tiết và đầy đủ (12 trang, mỗi trang hai cột, in chữ nhỏ). Việc dùng từ "chú dẫn" để dịch "notes" thay cho "chú thích" (hay "chú giải") cũng không ổn thoả. Việc làm một Index khá vất vả khi chưa có phương tiện tin học hiện đại, nhưng ngày nay, cái gì có thể biện minh cho sự vắng bóng này ở một quyển sách với rất nhiều tư liệu, nhiều tên riêng như quyển sách này ?
Thứ hai, nghiêm trọng hơn, vì thuộc phạm trù đạo lý của người làm sách: sự kiểm duyệt, cắt bỏ một số đoạn trong sách. Cụ thể, như đã nói, là việc cắt bỏ ba đoạn trong phần Kết luận, ở các trang 339 và 340 (7). Khi liên hệ với nxb của nguyên tác - một nhà xuất bản đại học -, để mua bản quyền, nxb Trẻ có nói với họ là chúng tôi sẽ cắt bỏ một số đoạn trong bản dịch khi đưa in ?
Hiển nhiên, đó là những lỗi lầm không thể tiếp tục chấp nhận được, và nhất thiết nhà xuất bản phải sửa đổi chúng trong lần tái bản sách. Việc tái bản cuốn sách có giá trị này theo tôi là rất cần thiết, hữu ích đổi với bất kỳ ai quan tâm tới lịch sử báo chí nói riêng cũng như lịch sử Việt Nam nói chung. Và cũng nhân đây nói lên một mong muốn đi kèm : sớm được thấy những nghiên cứu khác , bằng tiếng Việt, của các nhà nghiên cứu Việt Nam, về những đề tài tương tự : trước mắt là báo chí chính trị ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, sau đó mở rộng sang những mảng hoạt động tri thức khác... Những nghiên cứu "nằm ngoài lý thuyết cứu cánh" và vượt qua "cái nhìn lịch sử nhất nguyên, đơn điệu và thiếu tính phân tích" như ta thường thấy hiện nay.
HDT
Chú thích:
(*) Bản dịch của Trần Đức Tài, nxb Trẻ, TPHCM 2015, 458 trang khổ 14x20.
(1) Xem thêm Chương 4, "Báo chí Việt Nam từ 1908 đến 1918" trong Huỳnh Văn Tòng, "Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến 1930", Trí Đăng, 1973. Cuốn sách của Huỳnh Văn Tòng là một bổ sung hữu ích cho cuốn Peycam, với một Thư tịch báo chí cả nước, được sắp xếp cả theo mẫu tự tên báo và theo thứ tự biên niên. Theo cách phân biệt của Huỳnh Văn Tòng, có thể nói cuốn sách của Peycam là một "nghiên cứu về báo chí như một chứng nhân lịch sử" chứ không đơn thuần là một cuốn lịch sử báo chí như sách của chính ông.
(2) Như trong phần mở đầu cuốn "Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945" của Nguyễn Thành, nxb Khoa học xã hội, 1984. Một ví dụ : Nguyễn Thành nói đến sự kiện ký giả trẻ Lâm Hiệp Châu sau khi bị bắt đã đưa lại cáo buộc anh đã "trở thành tay sai của địch", trong khi Peycam khẳng định (chú thích 79 của chương 4) "không thể tìm ra bất cứ tài liệu nào chứng minh lời cáo buộc" này.
(3) Nguyên tác: "logistics"
(4) Cũng phải nói ở đây là không phải kiều dân Pháp nào cũng có thái độ như những tên thực dân, muốn giữ mãi vai trò thống trị của Pháp. Báo chí của giới kiều dân này phần nào phản ánh phổ chính trị ở chính quốc, có từ tả sang hữu, có "ủng hộ Dreyfus" và "chống Dreyfus", có Công giáo và chống Giáo hội..., tuy cho đến 1920, họ đều không đặt lại vị thế bị trị của người bản xứ. "Chỉ đến sau thế chiến I, sự nhất trí này mới bị xoá bỏ", và bắt đầu xuất hiện những trí thức đối lập với chính quyền thuộc địa và tỏ ra "sẵn sàng chứng kiến những biến đổi chính trị, với sự độc lập của thuộc địa này như một kết quả cấp tiến và khả thi" (tr.80-81). Luật sư Paul Monin và nhà văn André Malraux là những nhân vật thuộc lớp trí thức cấp tiến này khi họ cho ra đời và điều hành tờ l'Indochine năm 1925.
(5) Sau 14 năm lưu vong cưỡng bức ở Paris, Phan Châu Trinh đã được Pháp cho về nước từ tháng 6 năm 1925 vài ngày trước khi Pháp bắt có Phan Bội Châu ở Trung Quốc và mở ra phiên toà xử ông ở Hà Nội. Phan Bội Châu bị xử án tù chung thân, nhưng những cuộc đấu tranh diễn ra trên cả nước chống lại bản án đã buộc tân toàn quyền Varennne đổi bản án thành an trí tại gia ở Huế (tháng 12.1925).
(6) Chẳng hạn, bài này không nói tới những dữ liệu kinh tế-xã hội (số người biết đọc, số xuất bản của những tờ báo chính trong từng thời kỳ...) mà tác giả đưa ra ở nhiều chỗ khác nhau để phân tích ảnh hưởng của các tờ báo.
(7) Đoạn bị cắt đầu tiên nói tới số phận bi thảm của nhiều nhà hoạt động trong những năm 1920, kể từ sau cuộc đảo chính lật Pháp ngày 9.3.1945 của quân đội Nhật và sự nổi lên của Việt Minh như lực lượng chính trị chính. Bùi Quang Chiêu, Diệp Văn Kỳ, Dương Văn Giáo, Cao Văn Chánh, Phan Văn Hùm... bị giết những ngày sau cuộc đảo chính. Nguyễn An Ninh bị nhà cầm quyền Vichy để cho chết vì kiệt sức ở Côn Đảo năm 1943, nhà báo biếm hoạ Lê Trung Nghĩa chết trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Ba chú thích cho thêm nhiều chi tiết về những cái chết này (chẳng hạn, Bùi Quang Chiêu được cho là bị Việt Minh ám sát vào tháng 9.1945 ở ngoại thành Sài Gòn...), dĩ nhiên cũng bị cắt theo.
Đoạn thứ nhì nói về việc, tuy nhiều nhà báo đã sống sót qua hai thời kỳ độc tài của Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam, làng báo Sài Gòn như một lực lượng tự chủ đã không thể tiếp tục tồn tại nữa sau ngày 30.4.1975, vì dưới mắt của những người thắng cuộc tính chất đa dạng của văn hoá chính trị Sài Gòn ấy không thể được chấp nhận.
Đoạn thứ ba, cũng là đoạn kết của cuốn sách, nói tới yêu cầu nhất thiết phải đối đầu (tác giả dùng chữ "challenge") với cái nhìn lịch sử nhất nguyên, đơn điệu và thiếu tính phân tích hiện nay. "Đã đến lúc phải nhìn lịch sử Việt Nam hiện đại cũng phức tạp như lịch sử của các dân tộc khác đối mặt với hiện đại. (...), như một môi trường nhiều đốm màu và xung đột của những tương tác xã hội - như môi trường của làng báo Sài Gòn - trong đó những cá nhân và tập thể phấn đấu để giành lại nhân phẩm của mình và từ đó, hình dung ra ra một bản sắc dân tộc mới được mọi người chia sẻ. Nuôi dưỡng một cái nhìn mở về quá khứ lịch sử đa dạng của mình là một trong những thách thức lớn của Việt Nam hiện nay, khi nó lại đang ở giữa những biến đổi có tầm vóc và tốc độ lớn chưa từng thấy".