Lại nói chuyện “sử dụng hiền tài”: Nhà nước và xã hộiTBKTSG số 41.2006 (5.10.2006) |
Hà Dương Tường Đọc nhiều bài viết trên mặt báo thời gian gần đây về vấn đề sử dụng người tài, tôi vẫn không khỏi băn khoăn: nước ta đã thoát ra chưa cái tình thế ngày xưa, khi mọi người trong nước đều là thần dân của thiên tử? Trong tình thế ấy, vấn đề thu hút, sử dụng người tài vào Nhà nước là vấn đề số một, thậm chí duy nhất. Nhưng trong một đất nước hiện tại, bên cạnh Nhà nước còn cả một xã hội rộng lớn, với những loại công việc lớn nhỏ, đóng góp vào sự nghiệp làm cho dân giàu, nước mạnh chẳng kém gì những đóng góp của những người trong guồng máy nhà nước. Vậy, nên chăng cần phân biệt rõ hai mức độ: mức thứ nhất là “thuật dùng người” của nhà quản lý (dù là công quyền hay trong một doanh nghiệp) đối với nhân viên dưới quyền mình; và mức thứ hai, rộng lớn hơn, là trách nhiệm của nhà chính trị đối với toàn dân, sao cho mọi người đều có cơ hội phát huy tài năng của mình, dù không phải mọi người tài đều sẽ phục vụ quốc gia trong bộ máy công quyền. Thuật dùng người Mức thứ nhất, nhiều người đã bàn, xin không nói thêm nhiều. Sự thông thoáng trong đối xử, sự thông minh trong sắp đặt đúng người đúng việc, sự hậu đãi những người có cống hiến cao hơn người thường... đều đã được nói tới. Tóm lại, cái tâm và cái tài (tài dùng người, tầm nhìn cao, xa về công việc mình đảm đương chứ không phải tài cụ thể trong một khâu nào đó của công việc ấy) của người quản lý khiến cho nhân viên “tâm phục, khẩu phục”, là những bảo đảm tốt nhất khiến người tài an tâm và hết mình cống hiến. Nhưng nói thế chưa đủ. Hay chỉ đủ đối với những người quản lý tư. Vì nếu anh không có những đức tính trên, anh sẽ không giữ được người kỹ sư giỏi, người bán hàng giỏi, người tổ chức công việc công ty giỏi... và hệ quả là công ty của anh không phát triển được, thậm chí thua lỗ tới phá sản. Hệ quả đó, anh là người phải chịu mất mát và chịu nặng nhất. Còn trong công quyền, hệ quả ấy liên quan tới rất nhiều người, nhiều tầng lớp nhân dân, trong khi người quản lý nhiều khi chẳng mất mát gì. Vì thế, vấn đề đặt ra có khác: làm sao để những người vô tâm và bất tài không len chân được vào những vị trí quản lý có tầm quan trọng đối với người dân cả nước (chẳng hạn, những người đứng đầu tỉnh, các giám đốc, vụ trưởng ở các bộ...)? Thiển nghĩ, trả lời câu hỏi này dưới góc độ “tài dùng người” của những người có trọng trách cao hơn các vị trí đó - những người này có được quyền lực từ chính trị nên ở đây không bàn tới việc bổ nhiệm họ - thật ra không hoàn toàn thỏa đáng. Các quan chức dưới quyền họ không “thuộc” về họ (trong nghĩa một tư chức “thuộc” về người chủ công ty của người ấy), ít ra là trong các khía cạnh sau: a/ Thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm ông A, bà B ở một vị trí công chức cao cấp thường phức tạp hơn thủ tục tương đương ở một công ty và thẩm quyền quyết định của người thủ trưởng “nhẹ ký” hơn nhiều so với người chủ công ty (ít ra, cho tới thời điểm này); b/ Những ứng viên vào các vị trí công chức cao cấp, trên nguyên tắc không chỉ là những người của đảng cầm quyền, mà là của toàn dân! Mặt khác, con số các vị trí đó lớn hơn nhiều so với các vị trí quản lý ở một công ty, dù là đại công ty. Do đó, các cơ chế công khai, dân chủ trong tuyển dụng và trong quy trình giám sát công chức là những “phụ tá” đắc lực nhất cho các thủ trưởng để tuyển được người tài và loại được những người vô tâm, bất tài ở những vị trí quyền lực (cán bộ quản lý cao cấp). Điều này, nhiều người cũng đã bàn, xin không đi sâu thêm. Điều kiện cho nhân tài nảy nở Xin bàn thêm về mức thứ hai. Như đã nói, xã hội ngày nay không chỉ còn bao gồm guồng máy của triều đình, quan lại, với phần còn lại (tuyệt đại đa số dân chúng!) là những nhà nông đầu tắt mặt tối, những tiểu thương buôn thúng bán mẹt, thêm vài ông đồ nho dài lưng tốn vải. Doanh nhân lớn và nhỏ, trí thức (bao gồm các nhà khoa học, không chỉ ở các đại học hay trong những viện nghiên cứu của Nhà nước mà cả ở các cơ sở tư nhân, các bác sĩ, kỹ sư, các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ...), công nhân... là những “đối tượng” mới mà người làm chính trị có trách nhiệm tạo ra chính sách tốt để họ có thể phát huy cao nhất sở trường của mình. Xin mở ngoặc: Ở đây, cũng có thể dùng từ “quản lý” trong nghĩa rộng là quản lý đất nước, nhưng cần nói rõ, có những người tài trong các đối tượng mới này không ai “dùng” cả, mà chính họ tự vươn lên, “tự dùng” mình! Bill Gates (để lấy một ví dụ, dù bản thân tôi không có cảm tình gì đặc biệt với ông này!) hay những doanh nhân thành đạt khác khắp thế giới là những trường hợp như vậy. Vì thế, thiết nghĩ vẫn nên bàn riêng chuyện này, không đặt trong phạm vi mức độ thứ nhất, như đã nói. Đóng ngoặc, và xin tiếp bằng vài ý nhỏ về một số đối tượng nêu trên. |
Đối với doanh nhân, yêu cầu hiển nhiên là những chính sách kinh tế (trong đó có các chính sách thuế) phải làm sao để mọi người có đầu óc kinh doanh đều có thể dễ dàng mở doanh nghiệp, theo đuổi mộng ước làm ăn của mình, trong một khuôn khổ pháp luật cho phép họ tin rằng rủi ro là chấp nhận được so với hy vọng thành đạt. Về các khía cạnh này, việc nước ta khẳng định nền kinh tế thị trường và việc cố gắng gia nhập WTO là những bước đầu đã chứng minh hiệu quả qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số còn ít chứng tỏ còn nhiều việc mà các nhà hoạch định chính sách phải làm tiếp. Về mặt xã hội, cũng cần làm sao để khuyến khích óc kinh doanh, hình thành dần trong xã hội tinh thần trọng thị người thành đạt dù ở cấp độ nào. Một người đầu bếp giỏi cũng là một người tài, nhất là khi người ấy biết quản lý hoặc biết làm việc với một người quản lý giỏi để danh tiếng của nhà hàng, sản phẩm của mình lan xa, kể cả vượt qua biên giới. Các ông Bocuse, Ducasse làm cho thế giới biết đến nước Pháp - và mang tiền vào nước Pháp - không thua gì một ông chủ nhà máy cỡ một vài trăm công nhân, và hơn khá nhiều các giáo sư, tiến sĩ ! Vai trò của báo chí, giáo dục trong chuyện này là không nhỏ. Hơn nữa, sự tôn trọng những người thành đạt trong mọi ngành nghề cũng sẽ tạo nên tâm lý mới góp phần giải quyết tình trạng rất ít học sinh muốn đi theo các trường nghề. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, câu châm ngôn cũ nên được nêu ra làm đề tài cho các thí sinh thi tú tài bình luận, thay vì các đề tài kiểu tầm chương trích cú, chỉ tạo ra thói quen học thuộc các bài văn mẫu!
Đối với trí thức, xin nhấn mạnh lần nữa, vấn đề chính cũng không phải là “sử dụng” họ, như hầu hết các ý kiến tôi đọc được đều tập trung nói tới, mà là tạo điều kiện cho họ phát huy hết tài năng của mình. Không ai “sử dụng” được một triết gia, một nghệ sĩ đích thực. Tôi không muốn nói rằng tất cả những tác phẩm viết, vẽ... theo đơn đặt hàng đều là những thứ phẩm. Nhưng tôi rất nghi ngờ những suy nghĩ rập khuôn, không dám hoặc không đủ sức cật vấn những điều đã tỏ ra bất cập và tôi tin rằng những tác phẩm nghệ thuật không làm theo đơn đặt hàng mà xuất phát từ sáng tạo cá nhân có thể đem lại những giá trị độc đáo hơn nhiều. Những doanh nhân giỏi khi đặt một họa sĩ vẽ quảng cáo cho hàng của mình thường biết chấp nhận những ý tưởng mình không bao giờ nghĩ tới trước đó, thậm chí những ý tưởng đi ngược lại những xác tín của mình. Nói ngắn: quyền độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo là những tiền đề xã hội mà những nhà chính trị có trách nhiệm tạo ra, để nảy nở những nhân tài của quốc gia, dân tộc. Điều này dĩ nhiên cũng đúng với các nhà khoa học làm việc trong những trường đại học, những cơ sở nghiên cứu dù là của Nhà nước (đối với những người làm tư, trách nhiệm tạo ra tiền đề đó thuộc về người chủ công ty, và đó cũng là quyền lợi của người chủ này, chẳng cần nói nhiều). Tốt nhất là có những luật pháp bảo vệ các quyền suy nghĩ, sáng tạo đó, thay vì những diễn văn đề cao trí thức thường rất chung chung. Bên cạnh đó là chính sách lương bổng bảo đảm cho những nhà khoa học yên tâm làm công việc được giao phó mà không phải “chạy sô” ở đâu khác. Và luật pháp bảo vệ quyền sở hữu tri thức, chính sách thuế hợp lý đối với những người sống bằng sáng tác của mình... Trong một khuôn khổ luật pháp bảo đảm được các quyền đó, bảo đảm được tính công khai, dân chủ trong tuyển dụng, “người tài” sẽ tự biết cách đầu quân ở cơ sở nào thích hợp với mình nhất (vẫn xin nói thêm, không nhất thiết là tại các công sở), hoặc nữa, biết cách để chính mình tạo ra cái cơ sở đó (không phải chỉ có Bill Gates!), và biết quên mình làm việc để phát huy tối đa sở trường của mình. Tại sao cứ tiếp tục tình trạng các nhà quản lý phải đặt vấn đề tìm người tài như tìm kim đáy biển?
Tôi đang nói về các đối tượng “mới” cần được “chăm sóc” bằng những chính sách được luật hóa như đã nói, có tính chất bền vững và không để kẽ hở cho những quyết định sớm nắng chiều mưa để làm nảy nở những tài năng của dân tộc. Tôi sẽ thiếu sót lớn nếu quên đi trong danh sách này một nửa của xã hội: phụ nữ. Ngày nay, lớp trẻ nữ được tới trường học hành gần như các bạn trai của họ và từ đó, đã xuất hiện nhiều nhà khoa học, doanh nhân, nhà văn, nghệ sĩ... nữ xứng đáng được coi là hiền tài, là nguyên khí của quốc gia. Nhưng đã đủ chưa các chính sách tạo điều kiện cho phần lớn những bạn cùng giới của họ vượt qua được các định kiến xã hội để vươn lên, tự lập và tự khẳng định mình? Có cần nói thêm rằng những định kiến cổ hủ ấy không chỉ có ở các vùng nông thôn hẻo lánh, xa xã hội công nghiệp, mà còn ngự trị khá nhiều ở chính giới, những người có trách nhiệm quản lý xã hội? Có ai tính được con số những tài năng bị lãng phí vì cái thành kiến trọng nam khinh nữ ấy?
Cuối cùng, nhưng không phải kém phần quan trọng, song bài đã khá dài và vấn đề có những khía cạnh đặc thù cần được đề cập ở một diễn đàn khác: nhà trường, vườn ươm nhân tài của quốc gia. Khi nền giáo dục còn nuôi dưỡng những giá trị dỏm, những tiến sĩ giấy, khi nhà trường còn lấy các chỉ tiêu “ngoan ngoãn” để đánh giá học trò, coi việc uốn nắn những cá tính “lạ” như một nhiệm vụ bình thường của các thầy, cô giáo..., bao nhiêu người trẻ đã mất đi nhiệt huyết phấn đấu để khẳng định tài năng, sở trường của mình?
“Chỉ những người có tinh thần độc lập mới có thể toan tính sâu xa cho đất nước của họ”. Nếu câu nói bất hủ ấy của Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát, 1835-1901, nhà giáo dục nổi danh của thời canh tân Nhật Bản)(*) được coi như một phương châm cơ bản của giáo dục, tôi tin rằng vấn đề “người tài” sẽ đặt ra một cách khác hẳn.
(*) Xem Vĩnh Sính:“Việt Nam và Nhật Bản, Giao lưu văn hóa”, NXB Văn nghệ TPHCM