Giáo dục : đại học và chính trị
Hà Dương Tường
Mượn một văn bản chưa cũ để vào đề
Trong Bản « Ý kiến chúng tôi : Cải cách toàn diện để phát triển đất nước » (dưới đây gọi tắt là BYK), có mấy chỗ đề cập tới vấn đề giáo dục : đề nghị 6/ trong phần tóm tắt, điểm C3/ trong phần phân tích « Việt Nam hiện nay, thực trạng và nguyên nhân » và điểm D4/ trong đề xuất « Cải cách vì một nước Việt Nam giàu mạnh và tự chủ ». Quan hệ giữa giáo dục và chính trị được trực tiếp hoặc gián tiếp nêu trong cả ba phân đoạn đó :
1/ Trong phần tóm tắt, điểm 6 (trên 8 điểm mà các tác giả “đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét thực hiện”), đoạn giữa viết:
“Cần tránh chính trị hóa học đường. Thay vào đó, cần giáo dục đạo đức, khích lệ tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, và ý chí phấn đấu của tuổi trẻ. Điều tối quan trọng là cần đảm bảo tự do học thuật, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.”
2/ Điểm C3/ đưa ra 2 nguyên nhân “chính yếu” dẫn đến tình trạng sa sút giáo dục, trong đó:
“Một là giáo dục của Việt Nam trong những năm qua thiếu một tầm nhìn chiến lược tổng thể; thiếu kiên quyết theo đuổi một triết lý giáo dục xác định; thiếu kế hoạch đồng bộ từ cơ cấu tổ chức đến triển khai các hoạt động giáo dục; ở rất nhiều nơi, sự cứng nhắc và áp đặt của hệ thống chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục (người viết nhấn mạnh). Thêm nữa là nội dung giáo dục nặng nề, phương pháp dạy và học lạc hậu, chậm đổi mới; và trên hết là thiếu những người lãnh đạo ngành giỏi cùng một đội ngũ quản lý giáo dục hiệu quả. Những cố gắng thay đổi của ngành giáo dục trong những năm qua thường mang tính vụn vặt, chắp vá, nhiều khi do quyết định vội vã của một vài cá nhân và càng làm tình hình thêm rối.”
Nguyên nhân thứ hai, nói về “lương của giáo viên quá thấp”, không phải là không dính tới chính trị, khi lấy ngân sách của nhà nước cho đảng, cắt bớt hay tăng cường quân số công an, hỗ trợ các tập đoàn kinh tế nhà nước kể cả khi nó làm ăn thua lỗ..., là những quyết định chính trị liên quan tới mức chi ngân sách cho các ngành khác. Tuy nhiên, đó là cái chính trị chung, quan trọng nhưng không phải nội dung chính của bài viết này.
3/ Điểm D4/ mang tiêu đề “Về văn hóa, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và công nghệ”, bao gồm 5 đề nghị cụ thể đánh dấu bằng các chữ cái a, b,...,e, trong đó mục c/ nêu lên 2 nội dung cấp bách của “cải tổ giáo dục”. Nội dung đầu, nói về yêu cầu “nâng cao vị thế của người thầy, bắt đầu từ đồng lương đủ sống và nuôi gia đình. Từ đó tiến đến việc thiết lập lại sự trung thực trong học tập và thi cử, trả lại tính trong sáng của tuổi trẻ cho học trò, tạo điều kiện cho những tài năng nảy nở.” là hệ luận của nguyên nhân sa sút thứ hai nói trên.
Nội dung thứ hai, “tôn trọng quyền tự do học thuật và tư tưởng ở đại học cũng như trong các hoạt động trí thức, văn hoá nghệ thuật, tạo ra sức thu hút đối với tuổi trẻ và qua đó giúp thế hệ trẻ có động lực phấn đấu mạnh mẽ, có ý thức công dân cao và hoài bão phát triển đất nước. Nhân đây chúng tôi cũng đề nghị Thủ tướng hủy bỏ Quyết định 97 đòi hỏi trí thức chỉ được góp ý riêng với các cơ quan có thẩm quyền.” nói trực tiếp hơn về một khía cạnh của quan hệ giáo dục - chính trị. Nó chỉ được đặt ra khi có một quyền lực thống trị áp đặt tư tưởng chỉ đạo của mình và do đó, ảnh hưởng tới nội dung của hoạt động giáo dục. Trong các đại học thời Trung cổ của châu Âu, đó là thần quyền, còn ở Việt Nam ngày nay trước hết là thế quyền.
Ngoài ra, cũng trong điểm D4/, mục b/ mở đầu như sau: “Cần giảm các hình thức thi đua, tuyên dương, trao huân chương như hiện nay: Các cơ quan, các đoàn thể tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm những mốc hoạt động (20 năm, 30 năm, v.v.) và vận động để được nhận huân chương. Đây là hình thức tốn kém thì giờ, ngân sách mà không có hiệu quả, chưa kể đến những tiêu cực trong quá trình xin-cho vốn rất phổ biến”. Tuy không chỉ nói về giáo dục, nhưng rõ ràng điều này liên quan trực tiếp tới nguyên nhân “chính yếu” thứ hai nêu trên về sự sa sút của ngành này, khi sự tốn kém ngân sách nêu trên ảnh hưởng trực tiếp tới quỹ lương chung – không biết bao nhiêu lần người viết bài này được trả lời rằng ngân sách quốc gia dành cho giáo dục đã quá cao rồi, lấy đâu ra để tăng lương! Chưa kể nội dung chính trị nhiều khi chiếm phần chủ yếu trong việc đánh giá “thành tích thi đua” của cá nhân hay tập thể...
Trong một văn bản nói chung về tình hình đất nước, tương đối ngắn, những trích dẫn trên thiết nghĩ đã nói lên mối quan tâm chung của những người ký đối với những ảnh hưởng tiêu cực của nền chính trị hiện tại đối với giáo dục.
Bài viết này trở lại mối quan hệ đó, tập trung hơn vào giáo dục đại học để có thể “đi xa” hơn, nêu ra một số khía cạnh mà người viết quan tâm hơn, với những phân tích, ví dụ mà một văn bản chung của nhiều tác giả, lại phải bao quát nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, dầu sao cũng khó có chỗ hơn.
Sự thống trị của chính trị...
Thực ra, giáo dục đại học (và giáo dục nói chung) là một vấn đề thuộc tầm quốc gia và do đó không thể tránh khỏi sự chi phối của chính trị. Quan điểm về giáo dục của bộ trưởng phụ trách dĩ nhiên ảnh hưởng tới những quyết định của ông/bà ấy, như có đề nghị sửa đổi luật để cho phép mở trường tư hay không, trong những điều kiện nào v.v.. Gián tiếp hơn, quan điểm kinh tế của đảng cầm quyền ảnh hưởng tới ngân sách của bộ giáo dục, tới quan tâm (thời gian và nhân lực) mà người cầm đầu chính phủ dành cho giáo dục. Quyết định tăng lương hay không cho giáo viên là một quyết định chính trị, chỉ có thể lấy ở mức quyền lực cao nhất (ở Việt Nam, trên thực tế là Bộ Chính trị) và có thể bị Quốc hội chất vấn thậm chí gạt bỏ.
Vậy thì, hiểu thế nào về khẩu hiệu đòi “thế tục hoá đại học” đã được nêu ra suốt thời Trung cổ ở Châu Âu, và biến thành “phi chính trị hoá đại học” ở thời hiện đại, ở nhiều nơi trên thế giới? Nói gọn, đó là một khẩu hiệu của những nhà giáo và sinh viên trước sự can thiệp trực tiếp và thô bạo ngày càng gia tăng của quyền lực vào những hoạt động giáo dục như nội dung giảng dạy (bắt buộc hoặc cấm đoán một nội dung nào đó), vào sự điều hành của trường đại học (bổ nhiệm hay ngăn chặn sự bổ nhiệm một nhà giáo vì những lý do chính trị, phi học thuật, cấm tổ chức một hội thảo, một hoạt động của sinh viên trong khuôn viên nhà trường dù ban giám hiệu trường đã cho phép) v.v.
Vậy tại sao “cần tránh chính trị hoá học đường” ở VN, như được khuyến cáo trong BYK? Có phải vì, vẫn theo BYK, “ở rất nhiều nơi, sự cứng nhắc và áp đặt của hệ thống chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục”?
Nhận định trên phản ánh chính xác thực tế mà nhiều nhà giáo, phụ huynh học sinh cũng đã có dịp nói lên kể cả trên mặt báo chính thống, với những ví dụ nghiêm trọng hơn mấy ví dụ đưa trên kia nhiều : chương trình khung với một hệ tư tưởng chỉ đạo được xác định, còn nặng nề hơn ở các nhà trường ở Châu Âu thời Trung Cổ, ngăn chặn tuyệt đối mọi hoạt động xã hội tự phát của sinh viên, vai trò gần như toàn quyền của các “cấp uỷ” địa phương trong sự thăng tiến nghề nghiệp của giáo chức, trong việc định ra tỉ lệ thi đỗ, buộc các nhà giáo chấm thi phải làm trái với lương tâm nghề nghiệp của mình... Lui về một quá khứ chưa xa, ta có thể nào quên cái quan điểm "hồng trước, chuyên sau" đã làm khổ cố bộ trưởng Tạ Quang Bửu, làm cho những giáo sư như Lê Văn Thiêm và Hoàng Tuỵ, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo... bị "đấu tố" (chữ của GS Hoàng Tuỵ) nhiều năm trời, có thể nào quên biết bao học sinh ưu tú không được vào đại học hay đi nước ngoài vì lý lịch, thành phần giai cấp của bố mẹ mình...
Nhưng, câu hỏi đặt ra là: do đâu mà sự “cứng nhắc và áp đặt của hệ thống chính trị” ấy đã có thể xảy ra “ở rất nhiều nơi” ?
Để trả lời câu hỏi này, có thể nào không nói tới cái chủ thuyết độc tôn chính trị được thể chế hoá, khiến cho những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương, các trường học buộc phải thi hành – và khi đó, sự thi hành không cứng nhắc thường chỉ có được ở những giám đốc sở, những hiệu trưởng thông minh, dũng cảm, do tâm huyết với sự nghiệp giáo dục hơn là với ý thức hệ. Còn lại thì...
Xin nhắc lại điểm 1 trong “Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục” của Luật Giáo dục 2005 :“ Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.”. Và để bảo đảm cho “nguyên lý” giáo dục này được tôn trọng, các dự thảo Luật giáo dục đại học (hiện nay là Dự thảo 5, được đưa ra Quốc hội thảo luận tháng 10.2011 vừa qua) đều không quên đưa vào một điều lệ về sự có mặt của “tổ chức Đảng” mà các cơ sở giáo dục (kể cả trường tư) “có trách nhiệm tạo điều kiện” để được thành lập và hoạt động. Dự thảo này cũng không quên nhắc lại “phẩm chất chính trị” trong tiêu chuẩn của các hiệu trưởng.
Có người nói, hiện nay chẳng ai quan tâm đến cái “tổ chức Đảng” (và Đoàn) này ở các trường đại học. Cũng có thể thế, trong nghĩa thực tế là mấy cái chi bộ, đảng bộ, chi đoàn ấy, cũng như ở rất nhiều cơ sở kinh tế - xã hội khác trong cả nước, phần lớn chỉ còn những hoạt động hình thức, ít hữu hiệu. Nhưng, nếu thế thì tại sao không bãi bỏ chúng, tiết kiệm được bao nhiêu thì giờ và ngân sách? Sự thực là chúng cần thiết cho Đảng, với vai trò một bộ máy kiểm soát, dò xét mọi hoạt động của thầy giáo cũng như sinh viên, tạo nên một môi trường mà mọi người dầu muốn dầu không vẫn phải dè chừng, e ngại khi phát biểu về các vấn đề của xã hội. Ngày thường thì chẳng sao, nhưng khi hữu sự...
Một ví dụ gần đây là tình hình mùa hè vừa qua, khi Trung Quốc bộc lộ bộ mặt bành trướng hung hăng ở Biển Đông, sinh viên các trường hoàn toàn không được tự do bày tỏ thái độ, bày tỏ lòng yêu nước của mình. Nhiều blog đã đăng hình sao chụp lệnh của một ông hiệu trưởng đại học buộc sinh viên phải có mặt ở trường, không được đi biểu tình, nếu không có thể bị đuổi học. Nhưng còn bao nhiêu ông hiệu trưởng khác đã hành động “khôn ngoan” hơn không để lộ chứng cớ, chỉ cần đánh tiếng, ra lệnh miệng cho chi đoàn trường phổ biến “ý kiến” của ban giám hiệu? Một ví dụ nữa, năm 2009 bà hiệu trưởng trường Luật ở TP HCM không cho nhà giáo Hoàng Việt tham dự một Hội thảo Hè về vấn đề Biển Đông, tổ chức tại đại học Temple (Mỹ), mặc dù Hội thảo sẵn sàng tài trợ. Khi Ban tổ chức của Hội thảo đề nghị một nhân viên cấp cao của Bộ Ngoại giao viết thư cho bà ấy thì được trả lời là bà không an tâm vì không biết Hoàng Việt sẽ thế nào vì không có ai ở bên cạnh hướng dẫn! “Ai” phải được đi theo một giảng viên tới một Hội thảo khoa học nếu không phải là một đảng viên, với mục đích giám sát tư tưởng và hành động của anh? Dĩ nhiên, Hoàng Việt đã không tham dự hội thảo đó.
Một văn bản quan trọng khác, bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học ban hành năm 2007, có những điều lệ cho thấy rõ Bộ giáo dục không chỉ đưa sự có mặt của các tổ chức Đảng, Đoàn vào “làm cảnh” trong các trường đại học. Trong bài viết nhận xét về Bộ tiêu chuẩn này (đăng trong Kỷ yếu 200 năm đại học Humboldt, Nxb Tri Thức 2011), tác giả đã chứng minh điều này phản ánh “sự thống soái của chính trị” lên đại học. Trường hợp Hoàng Việt đã cho thấy Đảng “quản lý” nhà giáo ra sao, dưới đây xin trích lại một nhận xét về vai trò của sinh viên theo bộ tiêu chuẩn:
Trong 9 tiêu chí của tiêu chuẩn 6 về « người học », có 3 tiêu chí trực tiếp đặt yêu cầu « rèn luyện » chính trị cho sinh viên, nhưng không hề gợi ý cho họ chủ động tổ chức những buổi tranh luận về các vấn đề xã hội, thời sự của đất nước hay của địa phương, chưa nói của thế giới. Trong việc « rèn luyện chính trị » này, Bộ quan tâm hơn đến các biện pháp mà nhà trường cần có để ép họ tham gia « Đoàn, Hội » – những tổ chức không phải do họ lập ra -, để nhồi nhét, áp đặt các quan điểm chính trị của đảng CS đối với họ. Tính « chủ động » của sinh viên là một từ khoá mà Bộ không gợi ý nhà trường hay “đoàn chuyên gia đánh giá ngoài” tìm hiểu, tìm cách nâng cao. Còn việc chuẩn bị cho họ khi ra trường trở thành những người tự do, có ý thức xã hội, có khả năng làm hạt nhân cho những tổ chức, sinh hoạt của xã hội dân sự, thì hiển nhiên đi ngược với các mục tiêu « rèn luyện chính trị » nói trên.”
Đọc những dòng trên, chắc nhiều người có thể nhớ lại áp đặt của bộ máy tuyên giáo trong những năm 1970, bắt toàn bộ hệ thống báo chí gọi người đi học đại học là “học sinh đại học” thay vì sinh viên. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vừa nhắc lại điều này trong bài viết bàn về Dự thảo luật giáo dục đại học trên VietnamNet ngày 26.10.2011. Theo ông Thuyết, “Chỉ bằng sự thay đổi tên gọi ấy, chúng ta đã góp phần làm cho sinh viên giảm sút ý thức về vị thế “người lớn” của mình và trường ĐH nhanh chóng trở thành “trường phổ thông cấp 4”.”
Câu hỏi “do đâu” tưởng đã rõ : việc áp đặt sự có mặt của Đảng và hệ tư tưởng của nó ở đại học là tuân theo một “nguyên lý giáo dục” đã định trước – được đưa vào những văn bản chính thức, và có tính hệ thống chứ không chỉ là ở nơi này hay nơi khác. Tất nhiên, sự thể hiện cụ thể vẫn tuỳ những con người thừa hành, nhưng trong một nền chính trị độc quyền, độc đảng, cứng nhắc một chút hình như bảo đảm an toàn hơn cho những người phải lo “quan trên trông xuống” hơn là “người ta trông vào”. Vì thế mà “ở rất nhiều nơi”…
... và kết luận cần rút ra
Theo thiển ý, chính sự thống trị thô bạo đó của chính trị – mà bộ máy Đảng, Đoàn ở các trường chỉ là một khía cạnh, tuy là khía cạnh quan trọng – mới là nguyên nhân bao trùm nhất, của những tệ hại và bất cập của đại học Việt Nam. Xin nêu thêm vài hệ luận mà sự thống trị đó dẫn tới trước khi rút ra kết luận.
Một trong những chủ đề được nêu trên báo chí vài năm gần đây là “triết lý giáo dục”. Sự thiếu vắng một triết lý đúng đắn, hay nói cách khác, sự lệch lạc của triết lý giáo dục hiện hành được nhiều người coi là nguyên nhân chủ yếu của sự thoái hoá của nên giáo dục hiện tại. Nhưng làm sao mở ra những tư duy giáo dục khai phóng, nếu không được tự do thảo luận trong các trường học và trong xã hội, nếu nội dung giáo dục đặt nặng vào việc đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước thay vì hướng vào nhiệm vụ giúp cho các thế hệ trẻ phát huy tối đa các đức tính của mình để chuẩn bị tương lai cho bản thân, gia đình và dân tộc ? Khi toàn bộ khoa học xã hội được đặt dưới quyền sinh sát của Ban Tuyên giáo thì lấy đâu ra những nghiên cứu độc lập, có khả năng đưa ra những cảnh báo về các nguy cơ tiềm ẩn trong các chính sách của nhà nước, đặc biệt là những chính sách về nhân sự, về con người ? Dù có là "fan” hay không của "công nghệ giáo dục" mà các nhà giáo Hồ Ngọc Đại và Phạm Toàn đưa ra và đã bị dẹp đi mấy chục năm trước, người ta vẫn phải đặt câu hỏi: khi ngay cả sự thử nghiệm nó cũng bị ngăn cản thì làm sao chống lại các tư duy lạc hậu hiện hành?
Người ta cũng bàn nhiều tới những yếu kém của đội ngũ quản lý. Nhưng lại không chịu thấy rằng đặt ưu tiên cho yêu cầu về (sự trung thành) chính trị đối với cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý là một cách tốt nhất để loại ra ngoài đội ngũ cán bộ đó hầu hết những người có tư duy độc lập, điều kiện cần để có thể hoàn thành những trách nhiệm khó khăn mà các vị trí đó đòi hỏi - chỉ "hoàn thành nhiệm vụ" chứ chưa nói tới việc họ còn phải đưa ra những kiến giải sáng tạo trước các vấn đề, các tình huống mới luôn luôn gặp phải. "Và trên hết là thiếu những người lãnh đạo ngành giỏi cùng một đội ngũ quản lý giáo dục hiệu quả. Những cố gắng thay đổi của ngành giáo dục trong những năm qua thường mang tính vụn vặt, chắp vá, nhiều khi do quyết định vội vã của một vài cá nhân và càng làm tình hình thêm rối.”, BYK nói thêm trong điểm C3/ về nguyên nhân sa sút của giáo dục.
"Chỉ những người có tinh thần độc lập mới có thể toan tính sâu xa cho đất nước của họ”, câu nói nổi tiếng của Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát, 1835-1901, nhà giáo dục nổi danh của thời canh tân Nhật Bản), liệu có ngày nào được dán trang trọng, ở những chỗ dễ thấy nhất, trong văn phòng của những người có trách nhiệm về nhân sự, khi vẫn còn ngự trị cái quan điểm chính trị là thống soái?
*
Trên đây là một vài điểm cần nói thêm về nhận định “ở rất nhiều nơi, sự cứng nhắc và áp đặt của hệ thống chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục” của BYK. Thiết nghĩ, chúng soi sáng và nhấn mạnh thêm yêu cầu “tránh chính trị hóa học đường” mà BYK đã nêu ra.
Trong một trao đổi trên Diễn đàn Humboldt, của một nhóm bạn hình thành qua các cuộc trao đổi về giáo dục đại học khi chuẩn bị cho “Kỷ yếu 200 năm đại học Humboldt” mà TS Nguyễn Xuân Xanh là chủ biên, giáo sư Hoàng Tuỵ cho biết:
“Từ nhiều năm nay, trong các lần được mời tham dự buổi làm việc về giáo dục của Hội đồng lý luận trung ương và Ban Tuyên giáo tôi đã nêu ra yêu cầu phải "phi chính trị hoá" giáo dục, việc này cũng giống như "thế tục hoá" giáo dục ở các nước phương Tây, đưa nhà trường thoát khỏi ảnh hưởng chi phối của Nhà Thờ thời Trung Cổ. Tôi coi đây là một điểm then chốt trong chấn hưng, cải cách giáo dục. Trong các văn bản chính thức hay các bài phát biểu chính thức trước đây, tuy không nói thẳng thừng nhưng tôi cũng đều ám chỉ như vậy. Tháng 3 vừa rồi, trong phát biểu nhân buổi lễ trao gải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh tôi đã nói rõ:
Phương Tây đã mau chóng tiến lên văn minh công nghiệp hiện đại là nhờ đã sớm thế tục hoá giáo dục. Thiết tưởng một giải pháp tương tự cũng cần nghiên cứu thì mới có thể đưa giáo dục VN thoát ra khỏi trì trệ, lạc hậu kéo dài mấy thập kỷ nay. (người viết nhấn mạnh)”
Xin mượn những lời tâm huyết của người thầy đáng kính thay cho kết luận bài viết.
Bài đã đăng trên Diễn Đàn tại địa chỉ