Cơ chế nào để huy động chất xám kiều bào?

(bài đăng trên TBKTSG, tháng 9.2005 ?)

Bài viết này chỉ xin góp ý tập trung vào giới giảng dạy đại học, nghiên cứu, vì những đặc thù của nó. Thiết nghĩ một đôi điều về giới này cũng có thể gợi những ý tưởng cho các địa hạt khác, vì vấn đề đặt ra cho cả trí thức trong nước chứ không chỉ với trí thức Việt kiều.

1. Điều đầu tiên, qua theo dõi báo chí trong nước, kể cả các website chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta có thể thấy hàng trăm, hàng ngàn thông tin về các chỉ tiêu tuyển sinh viên vào các trường đại học, cao đẳng, nhưng chưa hề thấy báo chí đăng các chỉ tiêu tuyển chọn giáo chức, giảng viên cho năm học tới của mỗi trường. cũng không thấy các trường đó, như ở nhiều nước trên thế giới, thông báo về những cuộc “săn đầu người” của mình.

Các thông báo này có nhiều hình thức. Có thể là nhà trường thông báo, tối thiểu là trên website của mình, có khi thêm quảng cáo trên một phương tiện truyền thông nào đó - thường là tạp chí chuyên ngành, nhưng đôi khi cũng thấy trên một số tờ báo có nhiều độc giả trong giới đại học, độc giả trên nhiều nước khác nhau.

Có thể, như ở Pháp, thông báo tuyển chọn do bộ đưa ra - trên công báo - cho chung tất cả các trường, viện, nhưng thông báo chung đó không ngăn cản mỗi trường lại quảng bá phần mình trên website của trường, hoặc trên áp phích gửi đến các trường sở khác, kể cả ở nước ngoài, nhờ dán rộng rãi… và trong một vài trường hợp đặc biệt, cũng có thể thông qua một hay nhiều phương tiện truyền thông đại chúng.

Trên cơ sở những thông tin tuyển dụng được công bố đó mà những người quan tâm (trí thức trẻ chưa có nơi chốn chắc chắn, người muốn chuyển đổi công việc, chỗ làm...) tìm đến. Một hiệu trưởng dù có giao thiệp rộng rãi vẫn không sao biết được hết những “tài năng” (dù chỉ trong một ngành hẹp) đang có mặt trên thị trường nhân dụng. Những chuyên gia trong nước ở các tỉnh, thành khác đã khó biết hết, nói chi đến chuyên gia ở ngoài nước.

Vả chăng, không lẽ một lãnh đạo cơ quan hễ gặp một chuyên gia nào đang có ý muốn tìm việc là có thể nói “anh về chỗ tôi nhé” khi ở cơ quan đó chưa hay không có kế hoạch mở ra một vị trí công tác phù hợp với ngành nghề của người kia? “Anh cứ về đi, đâu có thiếu việc” là một câu nói có thể chấp nhận được chỉ với những công việc giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn quá cao.
Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, người ta sẽ đánh giá ra sao một ông giám đốc áp dụng cách tuyển người như vậy cho cả những kỹ sư, chuyên gia? Còn người nhận việc trong điều kiện đó là biểu hiện của tinh thần kỷ luật hay chỉ là tính thụ động?

Tóm lại, hàng năm, tất cả các đại học và các viện nghiên cứu cần công khai đăng thông báo tuyển người rõ ràng, minh bạch, cộng với việc xét tuyển cơ bản dựa trên lý lịch khoa học và phỏng vấn trực tiếp, loại bỏ tất cả những kiểu chạy chọt, loại bỏ những phân biệt đối xử… Theo tôi, chỉ riêng việc làm đơn giản đó đã mở ra bao nhiêu chân trời cho các nhà trí thức trẻ, khiến họ không còn phải xin xỏ, chờ đợi được “nhận công tác” (đôi khi chỉ mới là nhận chỗ làm, có lương, còn nội dung công tác chẳng rõ ràng gì) như hiện nay.

2. Bên cạnh những thông tin về việc tuyển người hàng năm nói trên cũng nên có thêm thông tin cho biết Việt kiều được quyền ứng cử vào các chức vụ được tuyển đó.
Việc làm này có mấy điều lợi:

- Trước hết, một trí thức Việt kiều sẽ không quá phân vân khi muốn về nước giảng dạy hay nghiên cứu vì sợ “lấy chỗ” của một đồng nghiệp trong nước. Việc tuyển lựa công khai, theo những tiêu chí khoa học minh bạch, sẽ giải tỏa các ách tắc hiện nay đối với trí thức trong nước, nhất là trí thức trẻ, trong một thời gian tương đối ngắn. Sau đó mới có thể nói tới một cuộc “cạnh tranh” bình thường

Hiện nay, theo tôi, một tiến sĩ người Việt, 30-40 tuổi, có một số công trình khoa học được người trong ngành công nhận - chẳng hạn, những công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế - dễ tìm được một chức giáo sư/phó giáo sư ở Mỹ, Pháp... hơn là ở Việt Nam, dù người đó có quốc tịch Việt Nam và đang sống ở Việt Nam! Đối với những nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế lại càng như vậy. Nghịch lý đó chưa được giải quyết thì đặt vấn đề thu hút chất xám Việt kiều phải chăng là đặt cái cày trước con trâu, và nhiều trí thức Việt kiều sẽ tự đặt câu hỏi mình về làm gì? Và nếu về được, sẽ quan hệ ra sao với những đồng nghiệp khả năng chẳng kém mình mà ngoài 40 tuổi vẫn bị coi là quá trẻ để được một chức “phó giáo sư” vì hàng trăm lý do có khi chẳng dính líu gì tới cống hiến khoa học của họ.

- Quan trọng không kém là, qua danh sách các chức vụ được công khai tuyển chọn hàng năm, với những chuyên ngành được xác định cho từng vị trí, cũng tránh được tình trạng một trí thức Việt kiều tìm hiểu cả năm trời không biết với chuyên môn của mình liệu có chỗ nào cần không. Đơn giản là người đó sẽ nộp hồ sơ cho một trường, viện nào đó vì thấy thông tin giấy trắng mực đen cho biết nơi đó cần tuyển người có chuyên môn gần với chuyên môn của mình, ở một vị trí công tác đã được xác định trước. Mặt khác, cũng nhiều khi tuy chuyên môn chưa gần lắm nhưng trường, viện thấy lý lịch khoa học của người đó gợi mở ra một hướng đi mới trong giảng dạy, nghiên cứu, sẽ chủ động tiếp xúc để mời người đó về cộng tác, rồi đề xuất với bộ mở ra một vị trí tương ứng…

3. Trước khi bàn tiếp về một phương hướng khác, xin mở ngoặc để nói về một hệ luận của cách làm này là bãi bỏ cơ chế “phong” giáo sư và phó giáo sư như hiện nay. Hoặc giao hoàn toàn thẩm quyền này cho từng trường, như ở Mỹ - điều này cũng đòi hỏi là các trường có quyền tự chủ trên ngân sách của mình, kể cả quỹ lương. Hoặc có thể giữ lại một ủy ban nhà nước đề ra các tiêu chuẩn khoa học của các chức vụ đó, và xét lý lịch khoa học của các ứng viên xem họ có đủ các tiêu chuẩn nói trên hay không, nhưng chỉ lý lịch khoa học mà thôi, bãi bỏ mọi sự phân biệt đối xử khác, như các vị lãnh đạo nhà nước từng nhiều lần khẳng định. Sau đó, các trường sẽ chỉ xét tuyển những người được ủy ban công nhận có đủ tiêu chuẩn. Đó là cách làm của một nước như Pháp, với số dân không lớn quá.

Ngay cả trong cách làm này, bộ máy quản lý, ngoài việc định trước có bao nhiêu chức vụ được tuyển cho mỗi trường (theo yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu của trường, theo định hướng phát triển khoa học mà Nhà nước đã đề ra, và theo tính toán ngân sách), sẽ không can thiệp vào quá trình xét tuyển (đó là thẩm quyền của hội đồng khoa học trường), mà chỉ thực thi các thủ tục hành chính - trước đó, để xem hồ sơ của ứng viên có hợp lệ hay không, và sau đó để giúp người được tuyển nhận nhiệm vụ của mình (như việc giải quyết vấn đề visa, nếu người được tuyển là Việt kiều). Một trường, viện hay một tỉnh, thành có thể thêm vào các quy định nhà nước về lương bổng, trách nhiệm... những quy định ưu đãi mà trường mình, tỉnh mình đưa ra cho một chức vụ cụ thể nào đó (ví dụ: giúp tìm nhà, tìm việc cho chồng/vợ giáo sư về công nghệ sinh học mà trường muốn tuyển cho năm tới), để thu hút người về chỗ mình, nhưng tất nhiên không được bớt đi các quy định chung về lương bổng, và không kém quan trọng, về trách nhiệm của chức vụ đó.

Có cần nói thêm một điều mọi người đều biết: sáng tạo trí thức đi đôi với tư duy độc lập, với óc phê bình (esprit critique) và đối kháng hoàn toàn với những gò bó về tư tưởng?
Trên đây, tôi nói về những chức vụ cơ hữu trong một cơ quan. Đối với trí thức trong ngành giảng dạy, nghiên cứu còn một phương thức khác để thu hút sự đóng góp của Việt kiều hay người nước ngoài: những chức vụ mời, có giá trị trong một thời gian nhất định (ba, sáu tháng hay một năm). Có thể áp dụng phương thức này cho Việt kiều dễ dàng hơn là đối với các chức vụ cơ hữu. Những mâu thuẫn đã phân tích ở trên cũng không gay gắt lắm.

Song vẫn phải có ngân sách, kế hoạch được quy định hàng năm một cách rõ ràng, minh bạch (điều này không cản trở việc một trường hay viện nào đó tiếp xúc với một nhà khoa học cụ thể mà mình nhắm, để mời cộng tác trong một thời gian hai bên thỏa thuận). Chẳng hạn, nếu đầu năm tới, Nhà nước thông báo quyết định phân phối cho các đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, khoa học tự nhiên TPHCM, Bách khoa Đà Nẵng ngân sách để mời ba giáo sư giảng dạy trong năm học 2006-2007, mỗi đại học có quyền mời một Việt kiều cho suốt năm hoặc hai Việt kiều, mỗi người sáu tháng… các điều kiện ràng buộc ngoài khoa học nếu có cũng sẽ rất ít, và được công khai hóa. Trong trường hợp đó, tôi tin rằng các đại học đó dư sức để thực hiện việc này. Đó là bước đầu, rồi tốc độ và quy mô những năm sau sẽ cao hơn.

Bài này không đề cập tới các vấn đề chế độ làm việc, lương bổng... vì đó là những vấn đề đã được nhiều người nói tới. Chỉ xin tóm tắt bài góp ý này ở một điểm: việc trao quyền tự chủ trong tuyển chọn cho các cơ sở đại học và nghiên cứu, và công khai hóa quá trình tuyển chọn đó, bãi bỏ hoàn toàn cơ chế xin-cho trong việc tuyển người, giảm tối đa những phân biệt đối xử có tính chính trị hay địa phương... tuy chưa đủ cho yêu cầu huy động và phát huy tiềm lực trí thức trong và ngoài nước, song theo tôi là điều kiện ắt có để thực hiện được yêu cầu đó.

Hà Dương Tường
Giáo sư Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp