Chấn hưng giáo dục...
và “ thảo phạt ban tuyên huấn trung ương ”

Hoà Vân

Hẳn bạn đọc sẽ hỏi ngay : hai chủ đề này dính gì tới nhau ? Xin cho người viết được dài dòng đôi chút.

Trước hết, “ Thảo phạt ban tuyên huấn trung ương ” là tên một bài viết rất dài đang được phổ biến trên mạng Internet của một giáo sư khoa báo chí đại học Bắc Kinh, ông Tiêu Quốc Tiêu, viết về cơ quan của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc chuyên lãnh đạo công tác văn hoá, tuyên truyền, dư luận, báo chí… Một số đoạn “ cốt lõi ” của bài viết đã được đăng trên trang mạng Talawas ngày 15.9 (bản tiếng Việt của ông Nguyễn Thành Tiến, kèm theo địa chỉ Internet để người đọc có thể truy tầm nguyên bản tiếng Trung và bản dịch tiếng Anh).

Nói gọn, Tiêu Quốc Tiêu lên án ban tuyên huấn trung ương là “ chỗ thắt cổ chai ” trên con đường phát triển văn minh của xã hội Trung Quốc, là kẻ xâm phạm nặng nề tới các quyền tự do ngôn luận của nhân dân, chuyên nghề cấm đoán báo chí dưới chiêu bài ổn định nhưng thực ra là che chở cho những kẻ tham nhũng, thối nát…Ban này quyền lực chẳng kém gì giáo hội La Mã thời Trung cổ, có quyền sinh sát đối với các nhà báo. Họ ngồi trong bóng tối ra những lệnh miệng cấm báo chí đụng tới chuyện này, chuyện khác, kiểm soát cả việc sử dụng những từ ngữ như “ công dân”, “ tự do ”, “ dân chủ ” v.v. Dưới quyền uy của họ, những người cầm đầu các cơ quan báo chí thậm chí mất đi cả nhận thức về phải trái, chính nghĩa… Sở dĩ như vậy vì từ thời kỳ “ bè lũ bốn tên ”đến nay, ban này chưa hề bị phê phán cả về đạo đức và chính trị. Tư duy của nó vẫn là tư duy cực tả, tư duy chiến tranh lạnh. Đường lối chính trị có thay đổi, nhân sự thay đổi nhưng ban tuyên huấn trung ương thì vẫn bình chân như vại, không phải kiểm điểm, sửa sai, không phải chịu trách nhiệm gì cả. Các ban, ngành, bộ khác đều có thể bị báo chí phê phán, nhưng ban tuyên huấn trung ương thì không thể bị chất vấn. Nó vẫn có quyền đổi trắng thay đen, cưỡng bức thông tin, biến hươu thành ngựa, bất chấp đạo lý, chà đạp văn minh, làm sỉ nhục cả nhân cách của người Trung Quốc…

Trung Quốc là sở hữu của mỗi người Trung Hoa, dù người đó không thích chế độ Cộng hoà nhân dân Trung Quốc thì họ vẫn có quyền sống, quyền ăn nói tự do tại Trung Quốc mà không bị cầm tù hay phải trốn chạy. Nhưng ban tuyên huấn trung ương không cho phép đọc, nói, thảo luận điều đó.

Từ những thực tế không thể chấp nhận được ấy, Tiêu Quốc Tiêu đề ra yêu cầu phải “ thảo phạt ban tuyên huấn trung ương ”. Tốt nhất là bãi bỏ nó, nếu không ít ra cũng buộc nó phải hoạt động công khai, tuân theo pháp luật…, yêu cầu xác lập một lý thuyết khoa học về sự ổn định, không để cho ban tuyên huấn trung ương áp đặt những luận điểm của họ về ổn định để bịt miệng các nhà báo một cách ngu xuẩn và tàn nhẫn…

Thế còn chuyện chấn hưng giáo dục ở nước ta ?

Trong những ngày đầu năm học này, báo chí trong nước đưa nhiều tin tức về hiện tình giáo dục Việt Nam và phản ánh nhiều ý kiến từ khắp các tầng lớp nhân dân cũng như của ngay các quan chức chính quyền. Tất cả đều nói lên sự xuống cấp trầm trọng của nền giáo dục, với những biểu hiện như sự gian dối trong giáo dục, việc dạy thêm học thêm tràn lan và thi cử nặng nề… Riêng về điểm đầu, chính Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (dưới đây xin gọi tắt là uỷ ban), trong bản báo cáo thẩm tra về báo cáo tình hình giáo dục của chính phủ, tại phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 20.9, đã phải lên tiếng cảnh báo : “ Trong những năm gần đây, sự gian dối trong học tập ngày càng gia tăng, ở các lớp trên xảy ra nặng và nhiều hơn ở lớp dưới, ở người lớn nghiêm trọng hơn ở thanh thiếu niên. Sự gian dối tuy chỉ ở một bộ phận người học nhưng lại có tính phổ biến mà địa phương nào cũng có, từ giáo dục chính qui, tại chức đến giáo dục thường xuyên đều xảy ra. Các hiện tượng chạy điểm, chạy thầy, quay cóp, mua bán sử dụng phao thi... trước đây rất ít và người học cảm thấy xấu hổ khi bị phát hiện thì bây giờ không ít người học cho rằng đó là chuyện bình thường (…) ”. Báo cáo nhấn mạnh: “ Cha mẹ mua bằng cho mình thì việc mua điểm cho con cũng là điều dễ hiểu ”. Theo ông Nguyễn Đình Hương, phó chủ nhiệm uỷ ban : “ Trong lịch sử giáo dục nước nhà, chưa bao giờ các dịch vụ làm luận văn, luận án lại được quảng cáo công khai như hiện nay. Những hiện tượng tiêu cực trên về giá trị kinh tế không lớn, không đáng kể so với tham nhũng nhưng sự tổn thất về đạo đức xã hội, nhân phẩm là vô cùng nghiêm trọng...”.

Thế nhưng, nhận định của uỷ ban về nguồn gốc của bệnh gian dối phổ biến khắp nơi ấy khiến người ta không khỏi không lo ngại rằng nó sẽ khó có thể được chữa trị đến nơi đến chốn. Chung quy, uỷ ban chỉ nêu lên : “ Việc tuyển chọn sử dụng người chưa chú trọng vào năng lực, trình độ thực tế mà còn nặng về bằng cấp, đã có tác động xấu đến việc xây dựng động cơ học tập đúng đắn của người học. Ngoài ra, nguyên nhân còn từ sự buông lỏng quản lý của các cơ quan quản lý giáo dục, sự tiêu cực, không nghiêm túc của một số cán bộ, thầy cô giáo, sự làm ngơ của cán bộ lãnh đạo nhà trường. ”

Có đơn giản thế chăng ? Nhà văn Nguyên Ngọc đã đánh giá triết lý giáo dục của nước ta là chỉ nhằm “ đào tạo nên những con người biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo, cho một xã hội trong đó mọi sự đều được chỉ huy tập trung răm rắp, một xã hội trong đó có ai đấy, một lực lượng hay một tổ chức, một người hay một số người nào đấy suy nghĩ sẵn mọi điều cho mọi người và mọi người cứ thế học thuộc lòng và làm theo ” (xem Diễn Đàn số 141). Cái triết lý giáo dục đó có khuyến khích những “động cơ đứng đắn ” cho việc học ? Và việc tuyển chọn sử dụng người có phải chỉ “ chưa chú trọng vào năng lực, trình độ thực tế mà còn nặng về bằng cấp ”, hay còn nặng hơn nữa, về cái “ năng lực ” học thuộc lòng “ triết học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ” để trước là đi thi lấy điểm, sau cũng dễ đường tiến thân ?

Lấy một ví dụ khác, thời sự hơn : những cuộc dàn cảnh nhân ngày khai trường năm học mới. Khi những đứa trẻ chưa đến 10 tuổi phải trở về trường hai tuần trước ngày khai giảng, chỉ để tập diễu hành, tập đi đứng, vỗ tay khi bác bí thư này, chủ tịch khác, long trọng đến đọc diễn từ, huấn thị dưới ống kính, micro của những nhà báo chạy lăng xăng, các em học được những gì ngoài sự đánh mất cái hồn nhiên của tuổi thơ để thay bằng một vỏ bọc mỗi năm mỗi cứng hơn ? Xin hỏi bộ giáo dục và uỷ ban văn giáo, đó có là sự khởi đầu của gian dối ?

Một ví dụ nữa, trong một lĩnh vực khác. Trung thực có được cổ vũ trong một cơ chế xã hội mà ban tư tưởng – văn hoá trung ương (tương đương Việt Nam của ban tuyên huấn trung ương Trung Quốc), với bộ máy công an của nó, có quyền soi mói, xét nét mọi bài viết, lời nói trên những cơ quan ngôn luận vốn dĩ đã là “ của Đảng ”, có quyền sinh sát trên sinh mạng chính trị của những người tổng biên tập báo chí đó ? Trung thực thế nào, khi “ tư tưởng ” và “ lập trường ” vẫn là những chỉ tiêu số một trong sự đánh giá cán bộ các cấp ? Khi chiêu bài “ ổn định chính trị ” vẫn là vũ khí hàng đầu che chở cho những thối nát, bất lực ở mọi cấp - nhất là cấp cao (ban tư tưởng – văn hoá trung ương luôn luôn cảnh giác với mọi biểu hiện lơi là về mặt này) ?

Trở lại giáo dục, người dân nhìn vào cơ cấu nhà nước có thể nào tin ở sự trung thực của những lời cam kết “ giáo dục là quốc sách hàng đầu ”, khi thấy rõ ràng quyền uy của ông bộ trưởng giáo dục chẳng thấm thiết gì so với ngài trưởng ban tư tưởng văn hoá trung ương, so với ông an ninh văn hoá ? Khi thấy thầy, cô giáo của con em mình khốn khổ không thể đủ sống với đồng lương nhà nước mà phải chạy vạy suốt đời với những công việc làm ngoài khuôn khổ trường, lớp ?

Có thể nào cái sự nói dối hàng đầu kia lại không ảnh hưởng đến sự nhân lên và phổ biến tràn lan tính gian dối trong học tập, thi cử ?

Người viết bài nhỏ này và một vài đồng nghiệp trong nước, trong một lần trao đổi, chuyện trò hè vừa qua về thực trạng của nền giáo dục VN, đã cùng nhau mong mỏi là công cuộc chấn hưng giáo dục rồi cũng sẽ phải đạt được thành công. Sẽ còn cần nhiều thay đổi không dễ thực hiện, không dễ đạt được sự đồng thuận của mọi người (như chuyện cân bằng giữa hệ thống trường công và trường tư, chuyện phân ban, phân luồng v.v.). Nhưng ai cũng nghĩ, điều kiện cơ bản, không thể không có, là phải lập lại những giá trị đạo đức trong cơ chế chính trị - xã hội, trong đó, đối với giáo dục, tính trung thực là chuẩn mực hàng đầu. Trong lĩnh vực thông tin, báo chí chẳng hạn, bãi bỏ sự kiểm duyệt trá hình, trong bóng tối của ban tư tưởng văn hoá trung ương (và, nếu cần, thay vào một ban kiểm duyệt hoạt động công khai) là ví dụ dễ thấy, dễ làm của sự lập lại tính trung thực đó – và cũng là thước đo cho thấy sự có mặt hay vắng mặt của một quyết tâm chính trị trong sự lập lại các giá trị đó !

Chuyện chấn hưng giáo dục gặp bài “ thảo phạt ” của ông giáo sư Trung Quốc là vì thế. Chỗ “ thắt cổ chai ” của cuộc chấn hưng giáo dục, có thể nào chỉ nhìn riêng bộ giáo dục mà thấy ra được ?

(bài đăng Diễn Đàn, báo giấy số 144, tháng 10.2004)