GIÁO DỤC KHAI MINH (Bài 23) - Giáo dục “tự nhiên”: Ưu và khuyết
Nhà Nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn

Cái gì hợp tự nhiên là tốt, trái tự nhiên là xấu! Ai dám cãi lại điều ấy, và, qua đó, phản đối triết thuyết giáo dục “tự nhiên”? 

“Tự nhiên” - có lẽ do ta chưa hiểu mấy về nó - luôn có “uy tín”, còn những gì xấu xa, đồi bại là do... con người, do xã hội, nghĩa là phản tự nhiên, Rousseau hùng hồn: “Tất cả đều tốt đẹp nơi tự nhiên. Tất cả đều hỏng bét do bàn tay con người!”. Thi hào Đức Friedrich Schiller cũng viết: “Thế giới là hoàn hảo, nơi đâu không có bóng dáng đau khổ của con người!”. Thật thế chăng?

Nhiều nghiên cứu cho thấy đời sống thú vật trong tự nhiên có thể rất tàn bạo, nhưng, theo viễn tượng tự nhiên luận, chỉ có đời sống con người là sa đọa và xa rời tự nhiên mà thôi. Chẳng hạn, theo Erich Fromm, trong Giải phẫu học về tính xâm hấn của con người, hành vi xâm hấn tất yếu cũng có trong đời sống thú vật, nhưng lại không có tính phá hoại, hủy diệt. Phá hoại, hủy diệt bằng “bạo lực vô nghĩa”, không vì nhu cầu sinh tồn chỉ có nơi con người! Cuộc tranh cãi sẽ bất tận, nếu ta lại hỏi: tại sao “bạo lực vô nghĩa” là phản tự nhiên? Con người, kỳ cùng, không phải là sản phẩm và bộ phận của “tự nhiên” hay sao?!

Từ sự đối lập giữa tự nhiên và văn hóa theo cách nhìn trên đây, triết thuyết giáo dục “tự nhiên” của Rousseau hình thành với các đặc điểm sau đây:
-     Tập trung vào bản tính tự nhiên của con người - hiểu như bộ phận của trật tự tự nhiên - và lấy đó làm mục tiêu và sự định hướng cho giáo dục;
-    Xem cảm xúc là chìa khóa để mở cánh cửa vào tự nhiên và, vì thế, là cơ sở cho sự hiểu biết của ta về thực tại;
-     Mọi diễn trình tự nhiên đều tiệm tiến và chậm chạp theo từng giai đoạn phát triển, do đó giáo dục cũng cần hướng theo mô hình ấy, nếu muốn đạt hiệu quả vững bền;
-     Từ đó, ca ngợi những giá trị có liên quan: tự do, tự khởi, độc đáo và đơn giản;
-     Nếu tự nhiên là tốt, thì bản tính con người, ít ra từ khi mới sinh ra, cũng tốt, do đó, bác bỏ những quan niệm bi quan về con người;
-     Và sau cùng, trong thực hành giáo dục, xem trọng những trải nghiệm sống thực với thiên nhiên (theo nghĩa rộng) hơn là kiến thức từ chương, năng lực ngôn ngữ và cảm thức về cái siêu nhiên.

Tuy nhiên, là con đẻ của “thế kỷ Ánh sáng” và thời khai minh, tư tưởng “duy nhiên” của Rousseau không phải là hoài cổ hay bảo thủ. Trái lại, nó có tính tiến bộ: cần phải phát hiện những quy luật tự nhiên, tức phát hiện lôgíc của sự phát triển và tăng trưởng để có thể áp dụng vào cho nhiều lĩnh vực của đời sống cá nhân lẫn cộng đồng: giáo dục, kinh tế, chính trị v.v... Tự nhiên, nơi Rousseau, không phải đối tượng để tôn thờ và thần thánh hóa theo kiểu ma thuật, mà là chỗ để con người khám phá những “cơ chế” khả dụng nhiều mặt. Triết thuyết duy nhiên trong giáo dục hoàn toàn có thể mang tính “khoa học”, nếu được triển khai theo hướng mô tả và giải thích những gì được gọi là “tự nhiên”.

Trong tinh thần ấy, tư tưởng giáo dục của Rousseau theo đuổi mục đích vun bồi “lòng yêu chính mình” (amour de soi) có tính tự nhiên và căn nguyên, đồng thời điều tiết “óc vị kỷ” (amour propre) thừa thải và phản tự nhiên. Mục đích ấy vừa lớn lao, sâu sắc, vừa hàm hồ, dễ bị lạm dụng.

Một mặt,
-     Phát hiện và nhìn nhận “tính riêng biệt” và “tính khác biệt” của từng đứa trẻ.
-    Nhìn nhận và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thỏa mãn nhu cầu đối với sự phát triển “tự nhiên”, tức, bình thường và lành mạnh của đứa trẻ;
-     Đặt ý tưởng về sự phát triển vào trung tâm của tư duy giáo dục, qua đó, tạo cơ sở cho môn sư phạm học về phát triển; và sau cùng,
-     Từ định hướng theo nhu cầu và sự phát triển, xác định và tôn trọng những quyền hạn của trẻ em trong tiến trình hình thành nhân cách.

Nhưng, mặt khác, cũng không thể không thấy rằng:
-     Tư tưởng duy nhiên dễ biến “bản tính tự nhiên” thành cái gì khá mơ hồ và huyền hoặc, có khi đi ngược lại nhu cầu đích thực của trẻ em;
-     Dễ phạm sai lầm về phương pháp: biến những nhận định có tính mô tả (a, b. là tự nhiên) thành những mệnh lệnh có tính quy phạm (phải làm theo a và b). Sự ngộ nhận này rất nguy hiểm, vì không phải cái gì “hợp tự nhiên” cũng là tốt và quên rằng nhiều giá trị nhân văn hình thành từ nỗ lực “chống” lại tự nhiên!
-     Sử dụng lạm phát những ngôn từ nặng tính “rao giảng đạo đức” độc đoán, chẳng hạn: “sự trưởng thành đích thực”, “trải nghiệm đích thực”, “tự chủ”, “tiến trình mở” v.v… Những cách nói “có cánh” ấy dễ dàng ngăn cản sự phê phán, phản biện, khiến cho những lập luận phản-duy nhiên bị lên án và không được xem trọng.

ĐỌC LẠI ÉMILE

Không ít người đọc ngày nay sẵn sàng đồng tình với nhận định của Graves trong Những nhà đại giáo dục trong ba thế kỷ: “Phải thừa nhận rằng quyển Émile có nhiều chỗ thiếu lôgíc, lan man, và thiếu nhất quán. Rousseau thường đi từ lạc quan sang bi quan, từ tự phát sang quyền uy, từ tự do sang độc tài”. Nhận định ấy, tiếc thay, đúng cho toàn bộ trước tác của ông, từ học thuyết chính trị đến triết thuyết giáo dục.

Điểm nổi bật và thường bị phê bình là chủ trương khá cực đoan của ông chống lại “văn minh” và sự điều chỉnh của xã hội. Trạng thái tự nhiên là tốt đẹp còn mọi quan hệ xã hội đều bị xem là thoái hóa, đồi bại. Đứa bé, do đó, phải được dạy dỗ trong sự cô lập với xã hội cho đến tuổi 15, không khác gì chàng Robinson trước khi gặp anh bạn Thứ Sáu. Ai cũng dễ nhận thấy sự phi lý của nền giáo dục phi-xã hội, thậm chí, phản xã hội như thế! Tuy nhiên, ta cũng đừng quên rằng Rousseau viết hai tác phẩm trứ danh về chính trị (Khế ước xã hội) và giáo dục (Émile) trong thời buổi đang rất cần những học thuyết... cực đoan! Nếu ông không có tài năng và mãnh lực để diễn đạt tư tưởng của mình như thế, hẳn không ai thèm lắng nghe ông! Phải chăng chính những nghịch lý và đôi chỗ quá đáng đã góp phần tăng âm lượng cho những lời “gào thét” của ông để kéo đổ cả một truyền thống chính trị và giáo dục cổ hủ, kêu đòi sự tôn trọng nhân quyền, dân quyền theo nghĩa rộng của sự phát triển tự do và tự nhiên của nhân cách con người.

Ngày nay, ta đều biết rằng trẻ em học hỏi từ kinh nghiệm bản thân, nhưng cũng cần sự hướng dẫn đúng phương pháp của người lớn. Trẻ em học hỏi từ sự bắt chước, và xã hội là môi trường không thể thiếu cho sự cọ xát và chọn lọc. Nhưng, trước khi đánh giá về triết học của Rousseau nói chung, ta nên hiểu rằng ông là một trong những người đầu tiên nhận ra những nguyên tắc và xu hướng luôn xung đột với nhau trong tự nhiên, xã hội và giáo dục. Vượt lên trên những xung đột ấy, tìm con đường hòa giải chúng ở cấp độ cao hơn là dấu ấn bất tử của một thiên tài tư tưởng.

Không có Rousseau, ắt không thể có triết thuyết giáo dục khai minh rực rỡ của Kant mấy mươi năm sau.

 (Nguồn: Người Đô Thị - 18/05/2014)