Nhà Nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn
Một phúng dụ về cách mạng với tấm huân chương chân dung Jean Jacques Rousseau. Tranh: Nicolas de Bertry |
Con người, theo Rousseau, đi vào xã hội, nhưng đó phải là một xã hội được "hiệu chỉnh" sao cho phù hợp với những đức tính và năng lực tự nhiên của con người, chứ không phải để trở thành công cụ phục vụ.
Vì thế, ông hình dung hai hệ thống giáo dục khác nhau về hình thức do điều kiện xã hội không giống nhau, nhưng cùng chung mục đích. Hệ thống thứ nhất dành cho xã hội đã được tổ chức phù hợp với bản tính tự nhiên: nhỏ, gọn, dành cho những con người tự do, dạy cho trẻ em vui chơi trong tinh thần tập thể, huynh đệ và đoàn kết. Hệ thống thứ hai dành cho xã hội "văn minh và đồi trụy" hiện tồn. Trước khi cho đi vào xã hội, cần vun bồi tinh thần độc lập, lương thiện, và trui rèn cho trẻ em năng lực đề kháng trước ảnh hưởng xấu của xã hội. Cái trước gọi là hệ thống giáo dục chủ động, cái sau là hệ thống giáo dục phòng vệ. Trong thực tế, hai hệ thống kết hợp và bổ sung cho nhau, vì cùng chung một mục tiêu.
TÍNH CÁ NHÂN: TIÊU ĐIỂM CỦA GIÁO DỤC
Ta biết rằng việc nhìn nhận và giải phóng cá nhân trong thế giới hiện đại diễn ra khá muộn. Dấu hiệu đầu tiên là vào thời Phục Hưng (thế kỷ 15-16). Nhưng thật ra cũng chỉ mới thu hẹp trong tầng lớp quý tộc, thượng lưu, và bộc lộ chủ yếu ở phong cách tư tưởng, văn học, nghệ thuật mà thôi. Tiếp theo đó, phong trào Cải cách (tôn giáo) đầu thế kỷ 16 mang tinh thần phản kháng và phong cách cá nhân luận vào cả đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhưng đồng thời, sự nhìn nhận cá nhân lại có bước tiến vượt bực trong lĩnh vực pháp luật và chính trị. Hobbes, Pufendorf và Locke phát triển cơ sở "tự nhiên luận" về nhân quyền và dân quyền của cá nhân. Nhưng, vẫn cần chờ có một người kết hợp thật nhuần nhuyễn quyền hạn của cá nhân trong lĩnh vực xã hội, triết học với lĩnh vực dân sự và tôn giáo. Người ấy không ai khác hơn là J. J. Rousseau. Từ kinh nghiệm trong đời sống và trải nghiệm nội tâm, Rousseau là người thích hợp hơn ai hết để khai triển và bảo vệ tính cá nhân, một cống hiến có ý nghĩa lịch sử vô song.
DẠY "LÀM NGƯỜI" TRƯỚC KHI CHUYÊN MÔN HÓA
Từ rất sớm, giáo dục nhằm mục đích tạo ra những kẻ "có học" để phục vụ nhà nước và nhà thờ (ở phương Tây). Vì thế, giáo dục cần sớm chuyên môn hóa để biết phục tùng và phục vụ đắc lực cho người khác. Rousseau nhìn thấy đây là mối đe dọa trực tiếp cho sự "lương thiện" của con người. Vấn đề là phải lựa chọn giữa con người "tự nhiên" và con người bị uốn nắn thành công cụ. Vì thế, chống lại mục tiêu giáo dục trong quá khứ, Rousseau đề xướng việc đào tạo mang tính khai phóng để phát huy hết năng lực thiên phú của đứa trẻ. Đứa trẻ cần được phát triển toàn diện, trước khi bị nhào nặn trong khuôn khổ chật hẹp và cứng nhắc của tiến trình chuyên môn hóa. Đứa trẻ sau này có thể trở thành một nhà chuyên môn (quan chức, thương nhân, nhà khoa học, nhà binh, tu sĩ...), nhưng không hình ảnh nào trong số đó được phép trở thành mục tiêu chính đáng của giáo dục cả. Nói một cách mạnh mẽ, theo Rousseau, con người chỉ có một "nghề" duy nhất được phép học: LÀM NGƯỜI: "Trong trật tự tự nhiên, nơi con người đều bình đẳng, thì làm người là nghề nghiệp chung của họ. Và hễ ai đã được giáo dục để làm người, ắt không thể thất bại trong việc hoàn thành mọi nhiệm vụ đặt ra cho mình (...) Sống, chính là nghề nghiệp mà tôi muốn dạy cho học trò mình. Ra khỏi vòng tay của tôi - và tôi tán thành -, học trò tôi sẽ không phải là quan chức, không phải là người lính, không phải là tu sĩ; nó trước hết sẽ thành người".
Thật thế, theo ông, ta không thể biết hết về tương lai và về xã hội tương lai sẽ ra sao, nên ta không tài nào có thể giáo dục đúng nghĩa về tương lai được cả. Đứa trẻ, vì thế, không thể là vật thí nghiệm cho một tương lai bất định, mà cho hiện tại. Hiện tại không phải là lợi ích trước mắt, trái lại, là hoàn cảnh sống thật của đứa bé vốn không thể biết hết những gì chờ đợi nó trong tương lai. Vậy, nó phải được rèn tập để có thể sử dụng những năng lực tự nhiên của mình trong mọi cảnh huống của cuộc sống tương lai, được chuẩn bị tốt về thể lực, trí lực và tâm lực nhằm sẵn sàng chủ động ứng phó (và đương đầu) thành công trước mọi thử thách sẽ đến. Một quan niệm "dĩ bất biến ứng vạn biến" rất thâm thúy và cao minh trong triết lý giáo dục!
GIÁO DỤC THEO TỰ NHIÊN
Émile hay về giáo dục sẽ thể hiện mọi quan tâm và chủ trương của Rousseau về nền giáo dục giảm thiểu tác hại của "xã hội văn minh" và mang con người trở về lại với những phẩm tính tự nhiên tốt đẹp vốn có. Giống như Khế ước xã hội và các bài Luận Văn nhằm phản kháng lại hoàn cảnh áp bức về chính tri, xã hội, Emile hay về giáo dục có tham vọng thay thế cho lối giáo dục khuôn thức cổ truyền đương thời bằng nền giáo dục tự nhiên và tự khởi:
"Dưới ancien regime ("chế độ cũ"), bé trai thì đầu đội tóc giả, lưng mang kiếm, tay cắp mũ, vai khoác áo bào; bé gái thì xúng xính xiêm y kiểu mệnh phụ, khệnh khạng như đóng kịch để sớm trở thành người lớn. Về học vấn thì gạo văn phạm La tinh và những quyển sách dày cộp. Rousseau cực lực phản đối và yêu cầu áp dụng những nguyên tắc "duy nhiên" qua việc giáo dục một cậu bé giả tưởng tên là Émile từ khi mới sinh cho đến trưởng thành mà không cần sự trợ giúp nào khác ngoài bản thân mình" (Graves, Frank, Các nhà đại giáo dục trong ba thế kỷ).
Cậu bé Émile rời cha mẹ và nhà trường, cô lập với xã hội, trao vào tay một người thầy để được sống hồn nhiên giữa thiên nhiên muôn màu. Trước khi làm quen với "kịch bản" giả tưởng lạ lùng và đầy khiêu khích này, thiết tưởng nên làm rõ ba ý nghĩa của từ "tự nhiên" khá mơ hồ nơi Rousseau và quyển Emile:
- nghĩa xã hội: là nghĩa cơ bản nhất. Giáo dục không dựa trên quy ước cố hữu của xã hội vốn ngoảnh mặt lại với tuổi thơ mà nhận thức sâu sắc bản tính đích thực của con người. Cũng như trong xã hội (Khế ước xã hội), giáo dục cũng tuân theo cùng những quy luật về bản tính tự nhiên cần được khảo cứu và phát hiện một cách có hệ thống.
- nghĩa tâm lý học: Phán đoán, xúc cảm, bản năng tự nhiên là cơ sở đáng tin cậy hơn cho hành động so với suy nghĩ hay kinh nghiệm với người khác. Thói quen duy nhất đáng học là "không có thói quen nào hết"!
- nghĩa thể chất: Giáo dục "nhân tạo" từ con người như trước nay cần được cân đối lại bằng sự tiếp xúc, gần gũi, thân mật, không sợ hãi với muôn loài động vật, thực vật, cũng như với những mãnh lực và những kỳ quan thiên nhiên phong phú. Không sợ là bước đầu của yêu và quý!
Rousseau là người có tình yêu thiên nhiên vô hạn, và, qua quan niệm giáo dục của ông, khởi đầu cả một trào lưu yêu thích và gắn bó với thiên nhiên trong nhiều cung bậc của đời sống, nhất là trong văn chương, nghệ thuật Tây phương từ thế kỷ 18.
Tiếng vọng nào từ Rousseau cho thế kỷ 21 trước thảm họa sinh thái toàn cầu?
(Nguồn: Tia Sáng - 20/01/2014)