GIÁO DỤC KHAI MINH (Bài 18) - Emile: Triết lý giáo dục theo lứa tuổi

Nhà Nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn

Thừa nhận các giai đoạn phát triển không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng xem đó là nguyên tắc sinh tử của giáo dục là chỗ độc đáo của Rousseau, vì ông là người đầu tiên cho thấy ý nghĩa sâu sắc của chúng.

Theo ông, các giai đoạn là khác nhau về chất và về chức năng. Giai đoạn đầu tiên từ khi mới sinh cho đến năm tuổi là giai đoạn sinh vật. Tiếp theo là buổi bình minh của tự-ý thức. Vào tuổi 12, đứa bé đột nhiên có ý thức về mình một cách sâu sắc. Năng lực lý trí và tình cảm trỗi dậy mạnh mẽ. Nhưng đứa bé vẫn còn là một sinh thể cô lập, chưa có được đời sống luân lý đúng nghĩa. Điều này chỉ đạt được ở lứa tuổi dậy thì, với sự chớm nở của đời sống tính dục, yếu tố quan trọng nhất trong toàn bộ cuộc đời của một cá nhân. Đời sống xã hội của cá nhân thực sự bắt đầu với xao động tính dục.

Các giai đoạn ấy là độc lập với nhau trong sự phát triển. Mỗi giai đoạn không được phép xem là phương tiện để đạt đến giai đoạn kế tiếp. Mỗi giai đoạn là một mục đích tự thân, là một cái toàn bộ độc lập, chứ không đơn thuần là bước quá độ sang giai đoạn khác. Mỗi giai đoạn có nhu cầu và ham muốn riêng, hình thành những thói quen phù hợp nhất cho việc tự thực hiện một cách hoàn hảo cuộc sống ở giai đoạn ấy.

Do đó, các nguyên tắc áp dụng cho giai đoạn này không còn đúng nữa cho giai đoạn sau, bởi nhiệm vụ giáo dục là vun bồi những hoạt động và mối quan tâm theo bản tính tự nhiên của đứa trẻ, chứ không phải nhồi nhét cho nó những tập quán và ý tưởng theo quy ước của xã hội.

Tác phẩm Émile, vì thế, được chia làm năm phần. Bốn phần đầu bàn về việc giáo dục cậu bé Émile (giả tưởng) theo bốn giai đoạn: ấu thơ (cho đến 5 tuổi), trẻ con (từ 5 đến 12 tuổi), thiếu niên (12 đến 15 tuổi) và thanh niên (từ 15 đến 20 tuổi). Phần thứ năm dành cho việc giáo dục cô nàng sẽ là người vợ tương lai của Émile. Như thế, công trình bất hủ của ông bao quát dự phóng giáo dục cho nam lẫn nữ từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành. Vì tầm quan trọng đặc biệt của tác phẩm (dài ngót 700 trang!), tuy khó có thể thong thả đi theo ông suốt cuộc hành trình, nhưng vẫn cố gắng ghi nhận những điều cốt lõi.

GIAI ĐOẠN 1: GIÁO DỤC MẦM NON

Steven Cahn, trong Các cơ sở triết học của giáo dục/ The Philosophical Foundations of Education, New York, 1970, dường như xác nhận những nhận định cơ bản hơn hai trăm năm trước của Rousseau về giai đoạn này: "Chúng ta sinh ra với năng lực học tập, nhưng lại không biết gì hết và không phân biệt được gì cả. Tâm trí bị tù túng trong các cơ quan thiếu hoàn hảo, hầu như mới là bán-thành phẩm và thậm chí chưa có ý thức về sự có mặt của chúng. Những cử động, khóc la của trẻ sơ sinh là thuần túy cơ giới, hoàn toàn thiếu vắng hiểu biết và ý muốn.

Những cảm giác đầu tiên của đứa bé là hoàn toàn ở trong lĩnh vực cảm xúc. Chúng chỉ mới biết cảm giác sung sướng và đau đớn mà thôi. Do khả năng đi đứng và nắm bắt chưa phát triển, đứa bé cần thời gian khá lâu mới xây dựng được những cảm giác có tính hình tượng để làm quen với sự vật bên ngoài. Chính việc tái diễn những cảm giác khi sự vật xuất hiện rồi mất đi sẽ buộc đứa bé bắt đầu phục tùng thói quen".

PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN TRONG GIÁO DỤC MẦM NON

Giáo dục bắt đầu từ khi sinh ra hay thậm chí trước đó nữa (dù Rousseau không nói rõ về thai giáo), và giai đoạn 5 năm đầu đời chủ yếu nhắm vào việc tăng trưởng của thân thể, các hoạt động thuộc về vận động, tri giác cảm tính và xúc cảm. Rousseau nhấn mạnh đặc biệt đến thiên chức của người mẹ cho con bú bằng sữa mẹ.

Cần phải tôn trọng cá tính của mỗi đứa bé. Thật sai lầm khi muốn ép những tâm hồn khác nhau vào một khôn đúc chung duy nhất. Vấn đề không phải là nhằm biến đổi tư thế tự nhiên của tâm trí mà là ngăn ngừa không để cho nó bị thoái hóa.

Như một tác giả nhận xét: "Học thuyết về những sự dị biệt giữa những cá thể là hết sức cơ bản đối với Rousseau. Ông viết: trong thiên nhiên, con thì cần có cánh, con thì cần có móng. Con người cũng thế, kẻ thì có thể đưa tri thức nhân loại đến biên cương xa nhất, người thì lại mẫn cảm, giỏi tiên liệu những nguy cơ".

Rousseau lên án thói quen đương thời thích bó chặt trẻ mầm non trong lớp áo quần chật chội, ngăn cản sự vận động tự do của thân thể và tay chân. Một mặt, ông muốn giải thoát chúng khỏi áo quần chật chội, mặt khác, chấp nhận tiến trình "khổ luyện" về thể xác! Ngay ở tuổi ấu thơ, việc đương đầu với những thử thách về thể xác là phương pháp phù hợp với tự nhiên. Vì thế, ông bảo: "Hãy quan sát thiên nhiên và làm theo con đường nó vạch ra cho ta. Thiên nhiên luôn kích thích trẻ em hoạt động; nó giúp khổ luyện thân thể bằng đủ mọi kiểu thử thách và sớm dạy cho biết thế nào là sung sướng và đau đớn".

Không nên làm hộ đứa bé những gì tự chúng có thể làm được. Đó là nguyên tắc chủ đạo cho giáo dục mầm non. Cuộc đời là trường tranh đấu để sinh tồn; đó là quy luật sinh học cơ bản nhất, một quy luật mà đứa bé cần tuân theo. Tập đi, tập nói, tập tự xoay xở là những gì cần được phát triển tương ứng với những nhu cầu của bản thân, với sự trợ giúp càng ít càng tốt từ bên ngoài. Rousseau không ưa thuốc men, xem vệ sinh là đức tính hay thói quen tốt hơn là một bộ môn khoa học!

Luân lý và đời sống xã hội, theo ông, là hoàn toàn xa lạ với lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, quãng thời gian từ khi mới sinh cho đến năm 12 tuổi là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm trong đời người. Lý do là vì: thời gian này, những lầm lỗi và thói hư tật xấu bắt đầu nảy mầm. Mọi thói hư tật xấu nơi đứa trẻ phần lớn là vì người lớn đã dại dột nuông chiều chúng quá mức. Khi điều ấy xảy ra, tức là ta đã gieo vào những tâm hồn bé bỏng nọc độc của tính khí thất thường và óc tự cao tự đại về sau.

TIẾN TRÌNH GIÁO DỤC TRONG GIAI ĐOẠN NÀY

Với Rousseau, giáo dục không đến từ bên ngoài mà bắt nguồn từ bên trong. Chính sự phát triển nội tại của những quan năng và cơ quan tạo nên sự giáo dục đích thực của thiên nhiên. Vì thế, giáo dục mầm non thể hiện những hoạt động tự nhiên, tự do, không bị ngăn trở của đứa bé trong quan hệ với môi trường chung quanh. Điều quan trọng là: đứa bé được tạo điều kiện để hoạt động tuân theo nhịp đập từ bên trong và trực tiếp trải nghiệm những kết quả từ chính hành vi của mình. "Cho con nhiều nhu cầu hơn những nhu cầu có ở đứa con, cha mẹ không giảm bớt mà gia tăng sự yếu đuối của nó. (...) Chỉ có kinh nghiệm hoặc sự bất lực mới được là luật lệ đối với trẻ. (...) Cần để nó cảm thấy sự yếu đuối của nó chứ không đau khổ vì sự yếu đuối ấy; cần để nó tùy thuộc chứ không khuất phục; cần để nó yêu cầu chứ không ra lệnh" (Rousseau).



(Nguồn: Người Đô Thị - 16/07/2014)