Nhà Nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn
Học thuyết của J. J. Rousseau hình thành từ những trải nghiệm cay đắng và dằn vặt trong bối cảnh xã hội đương thời. Bằng vài nét phác họa, thử dõi theo hành trình tư tưởng của ông dẫn đến "Émile hay là về giáo dục” (1762), cùng năm với "Khế ước xã hội".
LUẬN VĂN THỨ NHẤT (1750)
Những tư tưởng mới của "thế kỷ ánh sáng" (hoan nghênh và tin tưởng vào sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghiệp và thương mãi; sử dụng lý tính để hiểu biết thế giới và hiện đại hóa chính quyền và luật pháp; chống lại mọi hình thức áp bức và kiểm duyệt, tin tưởng vào sự tự do của tư tưởng và công luận) hầu hết bắt nguồn từ nước Anh với Francis Bacon (1561-1626) và John Locke (1632-1704). Nhưng, cuộc đấu tranh cho tư tưởng khai minh ấy lại diễn ra quyết liệt ở Pháp, do các thế lực bảo thủ (nhà thờ và nhà nước bảo hoàng) rất mạnh. Giá phải trả rất đắt: thủ lĩnh phong trào khai minh Pháp là Diderot bị tống giam vào ngục!
Năm 1749, trên đường (lội bộ!) từ Paris đến nhà tù ở Vincennes để thăm Diderot, Rousseau đột nhiên có một "thức nhận" khác lạ. Đó là khi ông vô tình đọc thấy tin Viện Hàn Lâm ở Dijon treo giải cho cuộc thi viết về đề tài: "Phải chăng sự tiến bộ của các ngành khoa học và nghệ thuật đã góp phần lành mạnh hóa phong tục?". Ông kể lại: "Đúng giây phút tôi đọc tin ấy, tôi đã thấy một thế giới khác và tôi đã trở thành một con người khác. Đột nhiên lòng tôi ánh lên hàng nghìn tia chớp... Tôi xúc động quá đến nỗi phải ngồi nghỉ dưới gốc cây suốt nửa tiếng đồng hồ, và khi đứng lên, cả vạt áo tôi đã ướt đầm nước mắt!". Và, như ta đã biết, trong trạng thái kích động cao độ, lại được Diderot khích lệ, bài "Luận văn về khoa học và nghệ thuật" đoạt giải của ông đã gây chấn động dư luận, vì ông đã trả lời "không!" cho câu hỏi ấy!
Câu trả lời gây sửng sốt vì ông đã hoài nghi triệt để niềm tin cơ bản của phong trào khai minh rằng lý tính là nguồn gốc của "cái chân" lẫn "cái thiện". Lần đầu tiên, từ trong lòng phong trào khai minh, bằng chính công cụ của khai minh là lý tính, Rousseau phản tỉnh một cách phê phán, hay nói khác đi, tiến hành khai minh về khai minh. Luận điểm trung tâm: cần phê phán các hình thức xã hội nhân tạo và giả tạo do lý tính con người lập ra vì chúng đã làm tha hóa bản tính sâu xa của con người.
Chính lề thói và quy ước xã hội (nhất là của "cung đình") đã làm cho con người không dám tự thể hiện là chính mình, và trở thành một bầy đàn không tự chủ. Thêm nữa, con người tuy được quy định bởi lý tính nhưng cũng còn bởi "bản tính tự nhiên" nữa. Ông chống lại xã hội đương thời, vì nó dựa vào lý tính để đè nén bản tính tự nhiên, nhưng ông chống lại cũng bằng cách dựa vào lý tính để giải phóng bản tính con người ra khỏi xiềng xích ấy.
LUẬN VĂN THỨ HAI (1754)
Bốn năm sau (1754), Viện Hàn Lâm Dijon lại thông báo một cuộc thi viết khác, với đề tài: "Đâu là nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa con người và phải chăng nó được biện minh bằng pháp quyền tự nhiên?". Ngụ ý của đề tài: những sự bất bình đẳng xã hội không gì khác hơn là sự thể hiện ra bên ngoài của những sự bất bình đẳng tự nhiên (như chiều cao, sức mạnh...). Chính ẩn ý này làm Rousseau phẫn nộ. Ông thuật lại: "Suốt ngày tôi lang thang trong rừng, hét to cho mình nghe: hỡi bọn người điên khùng không ngừng trách móc tự nhiên kia, hãy biết rằng mọi tội lỗi của các người đều do chính các người gây ra!".
Ta biết rằng một giả thuyết về "bản tính con người" thường là bộ phận không thể thiếu của bất kỳ học thuyết chính trị nào. Xã hội gồm nhiều con người, nên thật dễ hiểu khi phải bắt đầu với việc tìm hiểu cái "vật liệu" tạo nên xã hội. Nhưng, Rousseau có cái nhìn khác với nhiều triết gia xưa nay quen quan niệm về một "bản tính người" ít nhiều cố định (dù "tốt" hoặc "xấu"). Với ông, "bản tính tự nhiên" của con người quá độc đáo, đơn nhất, nên không thể nói về một "bản tính người nói chung". Con người có một lịch sử. Họ đã biến đổi từ trạng thái này (động vật linh trưởng "hồn nhiên vô tội") sang trạng thái khác (con người văn minh, phức tạp ngày nay), tức, cả con người lẫn xã hội đều luôn tiến hóa thành cái gì khác trước, là "mềm dẻo", dễ "uốn nắn" (một quan niệm mới mẻ với nhiều... hệ quả!).
Một vài quan niệm chính yếu của ông:
- "Trạng thái tự nhiên": nếu mọi xã hội đều khác nhau, thì có nghĩa chúng đều giả tạo và không có gì là "tự nhiên" cả. Cũng có nghĩa: con người "tự nhiên" hay "tiền-xã hội" có thể đã tồn tại trong một "trạng thái tự nhiên" rất xa xưa trước khi xã hội và chính trị được thành lập.
- “Pháp quyền tự nhiên”: thường được các nhà tư tưởng rút ra từ bản tính tự nhiên của con người. Rousseau khéo léo không nói về "pháp quyền tự nhiên", vì ông không tin vào một "bản tính tự nhiên" bất biến nào cả. Ông hiểu cách khác: "tự nhiên" là không bị ô nhiễm bởi xã hội giả tạo!
- "Con người tự nhiên": ta không thể biết chính xác "bản lai diện mục" của "con người tự nhiên" hiểu như sự thật lịch sử mà chỉ như giả thuyết nghiên cứu: họ là "tốt" và "hồn nhiên" theo nghĩa thụ động là không làm điều gì nguy hại. Họ chưa có cách hành xử "văn minh" với tư duy lôgíc hay sự hợp tác. Do đó, không thể rút ra những "pháp quyền tự nhiên" từ "bản tính tự nhiên" của họ được.
- "Con người hiện đại và xã hội hiện đại": khí hậu thay đổi, dân số tăng đã tập hợp họ lại thành những bộ lạc, dần định cư, bắt đầu lưu ý đến nhau, và chính sự so bì đã dẫn đến lòng ghen tị, sự bất bình đẳng, sự kiêu ngạo hay quỵ lụy. Vậy, sự bất bình đẳng không phải là "tự nhiên" mà từ những lựa chọn trong quá khứ, được hợp thức hóa bằng những "khế ước xã hội" ranh mãnh của những kẻ khôn ngoan. Quan hệ xã hội trở thành quan hệ chủ nô.
- "Chọn con đường khác!": Rousseau đồng ý với việc dùng "khế ước xã hội" để lý giải nguồn gốc của xã hội và chính quyền, nhưng ông cho rằng "khế ước" như thế luôn sai lầm, và nay không còn hiệu lực ràng buộc nữa. Khác với con vật, con người có năng lực tự giác, và vì thế, là tự do, và, nếu đã có thể biến "trạng thái tự nhiên" thành "trạng thái đồi bại", thì từ nay cũng có thể thay đổi vận mệnh của chính mình. Mọi việc phải và có thể được thay đổi!
"Con người sinh ra tự do, và đâu đâu cũng bị ở trong xiềng xích!"(câu mở đầu nổi tiếng cho quyển Khế ước xã hội (1762)). Nhưng, nếu sự mất tự do không phải do tự nhiên (hay Thượng đế) gây ra thì nó là sản phẩm của chính con người do đã xa rời và tự tha hóa khỏi trạng thái nguyên thủy. Và vậy thì, cũng chính con người phải tự giải phóng chính mình! Không sức mạnh nào ngoài lý tính có thể hàn gắn lại những gì đã đổ vỡ. Thước đo cho điều ấy lại không gì khác hơn là "bản tính tự nhiên". Đó là sự tự do nguyên thủy, không phải bằng lý trí tính toán mà bằng sự thoát ly khỏi sự ô nhiễm của xã hội, với tư cách là tự do của CON NGƯỜI, tức của bất kỳ con người nào, không phân biệt.
Trong tinh thần ấy, "làm lại khế ước xã hội!" là tham vọng của học thuyết chính trị của Rousseau!
(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 14, 19.12.2013)