GIÁO DỤC KHAI MINH (BÀI 1) - Giáo dục: Một nhân quyền cơ bản

Nhà Nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn

"Không nên để học vấn mãi làm người khách trọ. Hãy cử hành hôn lễ với chàng (nàng) thôi!". Lời khuyên ấy của De Montaigne (1533-1592), nhà hiền triết người Pháp, dẫn đến lời khuyên tiếp theo của cụ Nguyễn Du: "Trăm năm tính chuyện vuông tròn/phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông".

Câu chuyện giáo dục - mở đầu cuộc Trò chuyện triết học dang dở và... bất tận, nay được hân hạnh tái ngộ bạn đọc - sẽ thử làm công việc ấy một cách thật khái quát, góp phần vào nỗ lực suy nghĩ và thảo luận chung về vấn đề giáo dục đầy bức xúc.

KHẢ THỂ CỦA MỘT "QUYỀN TỰ NHIÊN"

Trước khi đi tìm "ngọn nguồn lạch sông" của vấn đề giáo dục về cả hai phương diện: phương diện lịch sử (các chủ thuyết hay các triết học giáo dục tiêu biểu) và phương diện hệ thống (các khái niệm "nền tảng" của giáo dục), hãy thử đặt giáo dục vào đúng "cương vị" của nó : như môt nhân quyền cơ bản.

Điều 26 của Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc ngày 10.12.1948 đã trịnh trọng khẳng định:

"1. Mọi người đều có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học phải là bắt buộc, Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phải đến được với mọi người, và giáo dục đại học hay cao hơn phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có khả năng.

2. Giáo dục nhằm giúp con người phát triển đầy đủ về nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng các nhân quyền và các tự do cơ bản của con người. Giáo dục cũng phải nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa tất cả các dân tộc, các nhóm chủng tộc hay tôn giáo, cũng như phải nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Liên Hợp Quốc về duy trì hòa bình.

3. Cha mẹ có quyền ưu tiên lưa chọn các hình thức giáo dục cho con cái họ."

Cùng với quyền được hưởng giáo dục vừa nói, các quyền về lao động, nghỉ ngơi, giải trí, an toàn và an sinh xã hội cũng được lần lượt nêu đầy đủ từ các Điều 22 đến 26. Vài nhận xét:

-     Chỉ được gọi là nhân quyền cơ bản khi con người sở hữu nó chỉ vì họ là... con người, nghĩa là, thuộc về con người mọi lúc và mọi nơi. Quyền ấy được "tự nhiên ban cho", nhờ thế, có cương vị của một "quyền tự nhiên". Liên Hợp quốc hoàn toàn có lý khi gọi bản tổng hợp này là "Tuyên Ngôn", chứ không phải Công ước hay Thỏa ước v.v.. Chúng có tính ràng buộc mà không cần thỏa thuận. Chúng có giá trị hiệu lực trước và độc lập với mọi sự đặt định. Vì thế, chỉ cần "tuyên bố" mà không cần "quyết nghị". Một "Công ước" hay "Hiệp ước" về nhân quyền là một sự mâu thuẫn nội tại! Cách dịch quen thuộc Tuyên Ngôn quan trọng này ra tiếng Việt thành "Tuyên Ngôn quốc tế về nhân quyền" dễ dẫn đến sự ngộ nhận vừa nói, bởi không làm nổi bật tính "phổ quát" ("universal") đúng theo tinh thần và lời văn chính thức của Tuyên ngôn.

-     Nhiều quyền xã hội được nêu trong các điều trên (chẳng hạn quyền lao động, nghỉ ngơi, giải trí, an sinh…) là rất quan trọng, cần được bảo vệ. Nhưng, liệu chúng có quyền yêu sách là thuộc cương vị những nhân quyền phổ quát? Thắc mắc ấy chính đáng, bởi chúng phụ thuộc vào các điều kiện xã hội nhất định, không "phổ quát" (chẳng hạn, quyền lao động, và cùng với nó, là quyền nghỉ ngơi, giải trí, an sinh.., chỉ có ý nghĩa trong xã hội có lao động làm thuê v.v..). Chúng quan trọng, nhưng không… tuyệt đối, không phải do "tư nhiên ban cho", trái lại thuộc về pháp luật thực định. Thực tiễn chính trị đã nhận ra điều ấy, và không phải ngẫu nhiên khi chúng được gọi là "quyền", thay vì "nhân quyền" khi được đưa vào các "Công ước quốc tế" về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên Hợp Quốc ngày 19.12.1966.

-     Ngoại lệ ở đây chính là quyền được hưởng giáo dục như một nhân quyền cơ bản đích thực! Biện minh cho điều này thật không dễ dàng và vượt ra khỏi khuôn khổ câu chuyện của chúng ta, vì phải chứng minh được hai điểm rất khó: quả có nhân quyền tự nhiên cơ bàn, và giáo dục là một trong những quyền ấy!

HÀI HÒA CÁC MỤC ĐÍCH: HẠT NHÂN CỦA GIÁO DỤC

Bảo quyền tự nhiên là dựa vào "ý Trời" sẽ khó thuyết phục với người không có tín ngưỡng. Bảo nó là "sự kiện hiển nhiên" không cần và không thể chứng minh (như quan niệm nổi tiếng của Kant về "mênh lệnh nhất quyết": khác với châm ngôn chủ quan, mệnh lệnh nhất quyết về luân lý là khách quan: "Hãy hành động sao cho châm ngôn chủ quan của bạn lúc nào cũng có thể trở thành một quy luật phổ quát" ) thì có vẻ chưa đủ vì chưa cho thấy sự tất yếu tại sao tôi phải tuân thủ nó. Khó thật, nhưng ít ra phải thừa nhận sự tất yếu rằng tự do của ta không phải vô giới hạn: thứ nhất là tất yếu tự nhiên vì tôi không thể tàng hình đến thăm bạn được, và thứ hai là tất yếu lôgíc khi không thể vừa muốn ăn vừa muốn giữ lại miếng bánh ngọt! Nghĩa là, ta tất yếu phải... muốn một số điều nhất định thôi, bởi hai sự tất yếu trên đây không cho ta có lựa chọn khác. Trong số các điều... "muốn" ấy, có các quyền cơ bản. Tại sao?

Thưa, vì ai ai cũng muốn đạt được những mục đích của mình. Mục đích khác với mong ước, vì mục đích, về nguyên tắc, không thể bất khả thi. Nó đòi hỏi phải tìm ra và sử dụng những phương tiện thích hợp, kể cả và nhất là để loại bỏ những trở ngại (muốn vào nhà, phải mở cửa!). Ta không thể đồng thời theo đuổi những mục đích trái ngược nhau đã đành, mà cũng không thể biết hết mục đích của những người khác. Cách duy nhất để tránh xung đột là phải có những quy tắc chung đảm bảo sự hài hòa phổ quát về các mục đích, khiến ta có thể nêu thành công thức: ai ai cũng muốn có sự hài hòa về mục đích theo những quy tắc chung. Từ đó mới có Ý niệm về (pháp) quyền, về (pháp) quyền khách quan và (pháp) quyền chủ quan.

Muốn chứng minh một quyền là nhân quyền cơ bản, ta phải chứng minh rằng thiếu nó sẽ không thể có sự hài hòa phổ quát về mục đích (đó là lý do một số quyền kinh tế, xã hội không hoàn toàn là những quyền cơ bản). Sự hài hòa ấy cũng không thể đạt được bằng cưỡng bách, nếu không muốn chỉ có sự hài hòa giả tạo, bề ngoài.

Vậy, chỉ có giáo dục mới góp phần thực hiện được sự hài hòa đích thực, qua hai bước khai minh: - dù có ý thức hay không, con người mặc nhiên muốn có sự hài hòa về mục đích (với mình và với người khác); - thấy rằng bạo lực, kỳ cùng, không thể mang lại sự hài hòa đích thực và lâu bền.

Từ đó, có thể phát biểu mục tiêu cơ bản của giáo dục theo tinh thần của Tuyên Ngôn, nhất là khoản 2, điều 26 với tư cách một nhân quyền cơ bản như sau:

Mọi người đều có quyền được hưởng giáo dục để giúp họ có thể thấu hiểu ý niệm về (pháp) quyền và nhận ra rằng bạo lực không phải là phương tiện thích hợp để đạt được những mục đích của mình.

Triết học phát triển những phương pháp để đặt cơ sở hoàn toàn thuần lý cho các chuẩn mực đạo đức và pháp quyền, vì thế, đã và sẽ luôn có mặt trong mọi nghị luận về giáo dục.

"Đặc điểm của tâm hồn có giáo dục là biết thưởng lãm ý kiến mà mình không đồng ý".

(ARISTOTELES)

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 1, 18.09.2013)