GIÁO DỤC KHAI MINH (Bài 38) - Giáo dục: Mời gọi lên đường

Nhà Nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn

W. V. Humboldt gọi "giáo dục" (Bildung) là "sự tương tác tổng quát nhất, mãnh liệt nhất và tự do nhất giữa cá nhân và thế giới"

Giáo dục luôn có nghĩa là sự khởi hành để thực hành việc lập luận, lý luận mang tính suy lý, cân nhắc giữa những chủ thuyết khác nhau cùng với lý lẽ biện minh hoặc phản bác chúng.

"Ta thấy những kiến thức mà trong những thời đại trước đây, tinh thần lão luyện của bao người đã phải dày công nghiên cứu, nay được hạ thấp xuống thành những thông tin, bài tập, thậm chí trò chơi của tuổi ấu niên. Trong sự tiến bộ này của nền giáo dục, ta có thể nhận ra lịch sử của việc đào tạo văn hóa (Bildung) của toàn thế giới được tái hiện lại ở những nét phác thảo".

Không bàn ở đây về sự tương đồng giữa sự sinh triển của cá thể (ontogenesis) với sự sinh triển của của cả giống loài (polygenesis), nhận định trên đây của Hegel trong tác phẩm bất hủ "Hiện tượng học Tinh thần" cho ta biết thêm một kích thước cốt lõi khác trong quan niệm về "giáo dục" (Bildung) trong truyền thống duy tâm Đức: sự tương tác giữa cái tôi cá nhân và toàn bộ thế giới hay giữa cái chủ quan và cái khách quan, trong di sản tư tưởng của Humboldt và Hegel.

DI SẢN CỦA HUMBOLDT VÀ HEGEL

W. V. Humboldt gọi "giáo dục" (Bildung) là "sự tương tác tổng quát nhất, mãnh liệt nhất và tự do nhất giữa cá nhân và thế giới". Tiến trình giáo dục thành công là hấp thu "thế giới" càng nhiều càng tốt. Vậy, "thế giới" là gì? Theo ông, thế giới là cái "trung tâm không định nghĩa được" mà mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hóa đặc thù đều hướng tới. Không một ngôn ngữ, văn hóa đặc thù nào có thể nắm bắt thế giới một cách toàn vẹn. Chỉ có những viễn tượng văn hóa khác nhau và sự "phiên dịch" thực tại bằng nhiều cách mới tiếp cận được thế giới muôn màu. Như thế, đến với thế giới không phải là đến với một loại đối tượng nào đó ở bên ngoài ta mà là nắm bắt ý nghĩa phổ quát của nó, vượt ra khỏi chân trời và văn cảnh hạn hẹp của riêng ta. Theo nghĩa ấy, Bildung khác với "học hỏi" chỉ tập trung vào sự tương tác cá nhân với môi trường khép kín của chính mình. Với tư cách cá nhân là nhà ngôn ngữ, Humboldt đề xướng môn ngữ học so sánh và dịch thuật liên-văn hóa.

Thứ hai, Bildung cũng khác với việc chỉ tôn sùng nỗ lực "tự quy", "phát triển bản ngã", nếu việc làm này không đan quyện với chân trời rộng mở của "thế giới ý nghĩa phổ quát". Thế nhưng, làm sao tiếp cận với những nội dung mang tầm vóc "thế giới" có giá trị phổ quát? Hegel mang lại nhiều câu trả lời cho đề án phác thảo còn khá sơ sài này của Humboldt.

Hegel phân biệt Bilung theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp, Bildung là chặng đường đặc thù trong sự phát triển của tinh thần cá nhân. Cá nhân dần dần không còn bận tâm với từng sự việc hay từng con người riêng lẽ mà với cả hệ thống những niềm tin và quy phạm của cộng đồng đặc thù nơi mình sinh sống. Tiến trình Bildung là tiến trình vượt qua việc xem hệ thống ấy là đương nhiên, không cần tra hỏi. Một khi biết xem những niềm tin, quy phạm ấy là thuộc (tinh thần) khách quan cần phải xem xét, đánh giá chính là vượt khỏi sự ngây thơ "chủ quan", xóa bỏ tính trực tiếp và ngoại tại của chúng. Cá nhân biết tương tác với chúng là đạt tới sự "tồn tại-cho-mình", tức như một chủ thể có năng lực thấu hiểu, diễn giải, biện minh hoặc phê phán chúng.

Còn theo nghĩa rộng, Bildung là tên gọi khác của toàn bộ tiến trình đào luyện và phát triển của tinh thần nói chung. Đó là tiến trình thường xuyên tự phân hóa, tự phê phán, vươn lên những cấp độ cao hơn qua nhiều chặng đường trung gian ngày càng phức tạp. Bildung là tiến trình "khách quan hóa" cái tôi trong những người khác, trong các niềm tin tập thề, để rút cục nhận ra chính mình trong những thành tựu khách quan ấy một cách tỉnh táo và có phê phán.

Giáo dục là hoạt động tinh thần. Nói đơn giản, đó là việc tập hợp và phân loại sự vật, sự việc dựa trên những chỗ giống nhau và khác nhau của chúng để xây dựng những khái niệm thích đáng. Tập hợp và phân biệt là tìm ra chỗ giao thoa giữa những gì là đúng đắn, có giá trị khách quan và thể hiện trong những phán đoán. Phán đoán chỉ đúng khi chúng được biện minh bằng những luận cứ được những người có lý trí đồng tình chấp nhận. Nói khác đi, những phán đoán, nhận định đúng đắn nhất thiết vượt ra khỏi bối cảnh hẹp hòi nhỏ hẹp của môi trường văn hóa xã hội đặc thù, tạo nên được cái "không gian lô gíc phổ quát". Không gian phổ quát ấy đồng nghĩa với thuật ngữ kinh điển: "thế giới".

ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ CỦA "BILDUNG"

Ví công cuộc đào luyên văn hóa với cuộc chơi lớn, điều kiện tiên quyết là để cho mọi người được tham gia cuộc chơi một cách bình đẳng. Yêu cầu có vẻ hiển nhiên ấy, trong thực tế, bị vi phạm liên tục, nhất là với trẻ em và người trẻ tuổi khi họ là nạn nhân của lối giáo dục nhồi sọ. Họ thường không được khuyến khích, thậm chí, ngăn cấm thẩm tra những khẳng định, quy phạm trong sách giáo khoa, trong niềm tin tập thể. Nói theo ngôn ngữ Hegel, họ không có cơ hội "khách quan hóa" trước khi thật sự "nội tâm hóa" những khẳng định, niềm tin bị nhồi nhét ấy.

Do đó, giáo dục luôn có nghĩa là sự khởi hành. Khởi hành để đi về đâu? Không phải để đi đến những hệ thống kiến thức và niềm tin đặc thù, hạn hẹp, trái lại, là lên đường thực hành việc lập luận, lý luận mang tính suy lý, cân nhắc giữa những chủ thuyết khác nhau cùng với lý lẽ biện minh hoặc phản bác chúng.

Cuộc "khởi hành suy lý" ấy là điều kiện cần, nhưng chưa phải điều kiện đủ nếu thiếu động cơ và tư thế thích hợp. Động cơ này không gì khác hơn là sự "thấu cảm" về chính những niềm tin hay tri thức còn ở giai đoạn ngây thơ, mê muội, tiền-khái niệm của chính mình, với bao ước mơ, sợ hãi, hoang mang gắn liền với chúng. Những niềm tin này cần được giải bày trong lớp học và việc giải bày ấy là khởi điểm của việc dạy và học.

Từ sự thấu cảm chính mình sẽ đi đến việc thừa nhận và tôn trọng người khác. Đây là "bước nhảy" từ sự "kể lể" chủ quan sang diễn đạt một cách suy lý. "Tôn trọng" nói ở đây là xem người khác cũng là một "trung tâm ý thức biết suy lý", có quyền đánh giá, lựa chọn và quyết định giống như mình. Như thế, tôn trọng người khác là thừa nhận năng lực suy tư và hành động (ít ra là ở dạng tiềm năng) của người khác, của học sinh, sinh viên trên con đường vạn dặm. Ta gặp lại ở đây nguyên tắc đạo đức cốt lõi của triết thuyết giáo dục từ Kant đến Hegel: con người là "cứu cánh tự thân". Lý tưởng này cũng sẽ được các nhà giáo dục Anh-Mỹ tiếp thu và tán đồng. Nổi bật là John Dewey (ta sẽ tìm hiểu tiếp theo đây), luôn nhấn mạnh rằng giá trị của giáo dục là phát huy tiềm lực của "con người tự thân", chứ không phải là biến họ thành công cụ cho những mục đích chính trị, kinh tế, xã hội nhất thời và ngoại tại.

"Liberal Education" (Giáo dục khai phóng) trong thế giới Anh-Mỹ đi theo cảm hứng ấy, tuy không tát cạn hết được nội hàm của từ "Bildung", trong đó nhìn nhận cả sự thất vọng, bất hạnh và đau khổ cũng là thành tố tất yếu của "giáo dục" như sẽ bàn thêm ở bài sau.
 

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 29, 25.09.2014)