Nhà Nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn
Dù đồng tình hay phản đối, ý tưởng về một nền giáo dục toàn diện, thống nhất, bao quát vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến ngày nay, và không thể quên kẻ khai sinh ra nó: thuyết duy tâm Đức sau Kant.
"Người Anh yêu tự do như yêu vợ; người Pháp yêu tự do như yêu người tình, còn người Đức yêu tự do như yêu... bà ngoại!". Nhận xét hài hước ấy của thi sĩ Đức Heirich Heine (1828) phản ánh đúng tâm thế của thời đại trước, trong và sau Đại Cách mạng Pháp. Người Anh thụ hưởng nền dân chủ tự do như khí trời, như cơm bữa. Người Pháp cuồng nhiệt đòi tự do dưới ách chuyên chế, sẵn sàng cầm lấy súng gươm giành quyền sống cho mình. Nước Đức, quê hương của "thi sĩ và triết gia" vừa say mê cuộc cách mạng hùng tráng của nước Pháp lân bang, vừa kinh hoàng và e ngại trước sự hỗn loạn hậu cách mạng và sự chém giết bạo tàn và vô nghĩa của những thế lực cực đoan nhân danh cách mạng, đẩy Napoléon lên cầm quyền chuyên chế từ 1799. Nước Đức lại sớm trở thành nạn nhân của Napoléon và hầu như mất hết tất cả sau khi thất trận năm 1807 với hòa ước Tilsit và bị áp đặt những điều khoản bồi thường chiến tranh nghiệt ngã, tương đương mười sáu lần thu nhập thường niên. Đất nước tan nát, dân chúng nghèo kiệt, đồng ruộng bỏ hoang.
Người Đức, trong hoàn cảnh ấy, thấm thía hai điều: - cần thay đổi thế giới (như tấm gương nước Pháp) nhưng không phải thay đổi một cách "phi lý tính" bằng bạo lực mông muội và không kiểm soát được; - những cải cách, đổi mới mang tính tiến bộ của Napoléon (ảnh hưởng đến toàn châu Âu) cần được tiếp thu, nhưng không thể trả giá bằng việc đánh mất sự cố kết dân tộc, tình đoàn kết và sự an ninh. Nếu "tình yêu bà ngoại" gợi nên sự ấm cúng, an toàn, nhưng không đủ độ nóng bỏng để đẩy con người xuống đường, lập chiến lũy, làm cách mạng bạo lực thì giải pháp còn lại là làm... cách mạng tinh thần, bằng giáo dục, đào tạo. Việc các triết gia Đức thời kỳ này được mệnh danh là "những nhà cách mạng Pháp trong lĩnh vực tinh thần" còn do một yêu cầu thực tế: phải "cứu nước" trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Wilhelm von Humboldt (1767-1835), người giữ trọng trách cải tổ giáo dục và là cha đẻ của đại học hiện đại mang tên ông, kêu gọi sự ủng hộ của thủ tướng Hardenberg: "Khi đất nước không may rơi vào tình cảnh rất khác xưa, thì càng cần thiết phải thu hút sự chú ý vào một việc và làm nổi bật một phương diện. Nước Đức từng khuyến khích sự khai minh và khoa học (từ thời Leibniz thế kỳ 17), nay càng cần tăng cường điều ấy để tranh thủ thiện cảm của nước ngoài, và, bằng một cách vô hại về chính trị, đạt cho được một sức mạnh tinh thần ở nước Đức, vì sức mạnh ấy sẽ hết sức quan trọng về nhiều mặt trong tương lai". Nói khác đi, nước Đức phải giương cao ngọn cờ giáo dục và khoa học, phải cường tráng về tinh thần để được lân bang kính nể sau khi chịu bại trận. Mất hết sức mạnh đối ngoại, càng phải thẳng lưng đứng dậy để xây dựng sức mạnh từ bên trong! Dù chịu nhiều trở ngại, khó khăn do các thế lực bảo thủ gây ra, chiến lược "cứu nước" của Humboldt đã thành công mỹ mãn, và nước Đức đã trở thành quốc gia hùng mạnh nhất và giàu sức sáng tạo nhất về giáo dục, khoa học, công nghệ suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, tạo cơ sở vững vàng cho nước Đức thống nhất ngày nay.
NHẤT THỂ VÀ TOÀN THỂ
"Nhất thể" và "toàn thể" là tiêu ngữ hay ý niệm dẫn đạo cho tư duy giáo dục thời kỳ này. Dù đồng tình hay phản đối, ý tưởng về một nền giáo dục toàn diện, thống nhất, bao quát vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến ngày nay, và không thể quên kẻ khai sinh ra nó: thuyết duy tâm Đức sau Kant. Mọi lời "lên án" nó là độc đoán, viễn mơ, xa rời thực tế phần lớn bắt nguồn từ những ngộ nhận đáng tiếc. Tuy nhiên, góp phần không nhỏ vào sự ngộ nhận ấy lại chính là do sự phức tạp, trừu tượng và khó hiểu cao độ lẫn không ít những chỗ cực đoan, mâu thuẫn của nền triết học đặc thù này. Trong khuôn khổ giới hạn và phổ thông của Câu chuyện giáo dục, chúng ta chỉ có thể đề cập sơ qua hai chủ đề gắn bó với nhau như hai mặt của một đồng tiền. Trước hết, về tính nhất thể và toàn thể như là động lực và mục tiêu của giáo dục. Và thứ hai là về bản thân khái niệm "giáo dục" hết sức độc đáo và sâu sắc của thuyết duy tâm Đức. Thật thế, hiếm có khái niệm nào trong lĩnh vực khoa học nhân văn và xã hội lại gây nhiều thắc mắc và âm vang như khái niệm "Bildung" trong tiếng Đức, hầu như không thể dịch trọn nghĩa sang tiếng nước ngoài. Từ "education" quen thuộc trong tiếng Anh không phản ánh được nội dung của nó; từ "liberal education" không tát cạn được nội hàm của nó. Từ "formation" có phần sát hợp hơn nhưng vẫn chỉ nói lên được một phương diện. Như ta sẽ thấy "Bildung" (tạm dịch là "đào luyện") sở dĩ khó dịch vì nó gắn liền với tư duy về tính nhất thể và toàn thể của tinh thần, và ta không thể hiểu được nếu không chia sẻ niềm khao khát khôn nguôi của cả trào lưu duy tâm Đức thế kỷ 18 và 19.
"DUY TÂM ĐỨC": MỘT TƯ DUY ĐẦY MÃNH LỰC
"Thuyết Duy tâm Đức" là trào lưu triết học chiếm đỉnh cao suốt 60 năm từ 1770 ( hay có thể từ 1781 với sự ra đời tác phẩm bất hủ "Phê phán lý tính thuần túy" của Kant) đến 1830 (khi Hegel qua đời) và có thể nói là thời kỳ có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử triết học tây phương. Trong lĩnh vực văn học, toàn bộ các thời kỳ nổi tiếng như "Bão táp và Xung kích", chủ nghĩa cổ điển" và "chủ nghĩa lãng mạn" cũng thường được xếp chung vào "Duy tâm Đức". Nói thật ngắn gọn, "thuyết duy tâm" hay đúng hơn "thuyết ý niệm", như tên gọi của nó từ thời cổ đại, quan tâm đến những hình thức đời sống "cao hơn", trong đó, thế giới "đích thực" được nắm bắt chủ yếu về mặt "ý niệm", ưu tiên cho thái độ sống "đẹp" (thẩm mỹ), và, bên cạnh đời sống thường ngày, nỗ lực vươn lên chất lượng sống mang tính tinh thần cao hơn.
Trong số những khuôn mặt chủ yếu của thuyết duy tâm Đức phải kể đến Kant và các triết gia sau Kant: Johann Gottlieb Fichte (1762-1814), người công tác với W. Humboldt trong đề án cải cách giáo dục, Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (1775-1854), Georg Wilhelm Friederich Hegel (1770-1831) và cả thi sĩ Fridrich Hölderlin (1770-1843). Tất cả họ, mỗi người theo cách riêng của mình, đều ra sức "xử lý" di sản khổng lồ do tiền bối I. Kant để lại: dù ngưỡng mộ hay được kích thích, gợi hứng, họ tìm cách "hoàn thiện" hoặc "vượt qua" Kant, với cao vọng không mấy khiêm tốn và thận trọng! Rồi bản thân mỗi người cũng tìm càch "vượt qua" người đi trước, với vô số những giải pháp khác nhau, tạo nên quang cảnh sinh động và náo nhiệt chưa từng có trong đời sống tư tưởng trước nay, mang lại cho tư duy triết học nói chung và tư duy triết học giáo dục nói riêng những ý tưởng và đường hướng được xem là sâu sắc nhất và cũng gây tranh cãi nhiều nhất. Tinh thần Hiện đại về văn hóa quả thật đã được khai sinh trong diễn ngôn "khai minh" và "lãng mạn" này, khi nó mạnh mẽ khẳng định và bảo vệ sự "tự do chủ quan" của con người "hiện đại".
(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 27, 31.07.2014)