Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Về Hội Thảo Khoa Học Quốc Tế: "Nghiên Cứu Giáo Dục Trên Thế Giới, Chúng Ta Đang Ở Đâu? Các Chủ Đề, Phương Pháp Luận và Chính Sách Nghiên Cứu"

Bài viết này như là một lược thuật – bình luận về hội thảo «Nghiên cứu giáo dục trên thế giới, chúng ta đang ở đâu? Các chủ đề, phương pháp luận và chính sách nghiên cứu» mà chúng tôi đã tham gia. Các thông tin trong bài viết được sử dụng lấy từ các tài liệu được cung cấp tại hội thảo hoặc các ghi chép riêng của chúng tôi. Tuy nhiên công việc này không dàn trải đều trên tất cả các khía cạnh mà hội thảo đề cập, nhưng chỉ tập trung trên những phần mà chúng tôi quan tâm vì cho là cần thiết đối với công việc nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam hiện nay.

Hội thảo được tổ chức bởi Hiệp hội Quốc tế Pháp ngữ về Nghiên cứu Khoa học Giáo dục (AFIRSE : Association Francophone Internationale de Recherche Scientifique en Education) phối hợp với UNESCO tổ chức tại trụ sở của UNESCO – Paris, kéo dài từ 14 đến 17 tháng 6 - 2011, quy tụ một số lớn các giáo sư và nhà nghiên cứu nói được tiếng Pháp từ các trường đại học và viện nghiên cứu trên khắp thế giới.

Phiên khai mạc: Vai trò của UNESCO trong giáo dục và nghiên cứu giáo dục

Khai mạc hội thảo, ông Qian Tang, phó tổng giám đốc tổ chức giáo dục của UNESCO đã trình bày vai trò và nhiệm vụ của UNESCO hiện nay trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của tổ chức là củng cố vai trò «người cầm lái giáo dục thế giới» (leader mondial en éducation), của «Phòng thí nghiệm ý tưởng» (laboratoire d’idees). Để làm điều này, UNESCO đã thiết lập Trung Tâm Nghiên Cứu và Dự Báo Giáo Dục (ERF – Education Research and Foresight), với nhiệm vụ là lưu chuyển các ý tưởng, các kiến thức về giáo dục, phân tích các khuynh hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong các xã hội, đưa ra những câu trả lời, đề xướng các khuyến nghị nhằm phát triển giáo dục. Cơ quan nghiên cứu này của UNESCO thi hành ba chức năng chính: (1) làm đầu mối xúc tác cho tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, chia sẻ những sáng tạo và kiến thức về giáo dục, làm lưu chuyển chúng trong và ngoài UNESCO; (2) Tìm hiểu những xu thế mới trong phát triển, dự đoán các tác động của các chính sách, các thực hành trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đề nghị những hướng đi cải cách về mặt chính sách giáo dục; (3) Đề xuất các mô hình mới nhằm hướng dẫn chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển giáo dục từ nay đến năm 2015.

Bài phát biểu của ông Tang cũng nói đến các nguyên tắc có tính chỉ đạo trong cách tiếp cận và làm việc của ERF đó là: (1) tiếp cận liên ngành và liên lĩnh vực trong nghiên cứu thực tiễn xã hội; (2) Cái nhìn hệ thống và toàn diện về giáo dục; (3) đề cao mối liên hệ giữa nghiên cứu, chính sách, và thực hành giáo dục. Nghĩa là đề cao sự phối hợp giữa nhà nghiên cứu, những người có thẩm quyền ra quyết định về giáo dục và những nhà giáo đang trực tiếp làm việc trong nhà trường.

Ở phiên khai mạc này, ngoài trình bày của ông Tang, còn có trình bày của ông giám đốc ERF của UNESCO, David Atchoarena, ông chủ tịch AFIRSE, Louis Marmoz, và ba giáo sư danh dự, đã có công tạo dựng và phát triển AFIRSE. Các giáo sư này đã lần lượt trình bày quá trình thành lập, phát triển của AFIRSE kể từ 1954. Thời gian đầu, tổ chức này được thiết lập bởi một số giáo sư người Pháp, Thuỷ Sĩ và Bỉ, những đề tài nghiên cứu đầu tiên tập trung trên sản phẩm và phương pháp đào tạo và giới hạn trong lĩnh vực giáo dục học. Kể từ 1990, hiệp hội này đã mở rộng các thành viên tham gia cũng như đề tài nghiên cứu và cách tiếp cận, các hội thảo quốc tế được tổ chức hai năm một lần đề cập đến nhiều khía cạnh về thực trạng trong nghiên cứu, phương pháp luận, khoa học luận, chính sách, vv.., mà hội thảo lần này là một ví dụ.

Các phiên thảo luận chung

Suốt trong bốn ngày làm việc, dưới sự chỉ đạo chung của giám đốc ERF và chủ tịch AFIRSE, các phiên thảo luận toàn thể và nhóm được tổ chức xen kẽ nhau. Có bảy phiên thảo luận toàn thể với những đề tài cụ thể như sau :

Phiên 1 với chủ đề: «Những tiếp cận mới về phương pháp luận. Khoa học luận nào?».

Phiên 2: «Nghiên cứu giáo dục và những thực tại của thế giới học đường»

Phiên 3: «Đóng góp của nghiên cứu giáo dục trong giảng dạy các môn khoa học»

Phiên 4: «Những thuật ngữ phục vụ điều gì? Thuật ngữ kỹ năng...»

Phiên 5: «Nghiên cứu giáo dục và sự vận dụng chúng trong các chính sách và quản lý»

Phiên 6:  «Những đóng góp cho nghiên cứu»

Phiên 7: «Nghiên cứu giáo dục trong thế giới nói tiếng Pháp: Chuyên biệt, đánh giá và phổ biến kết quả»

Trong các tham luận, các báo cáo viên lần lượt mổ xẻ các khía cạnh lý thuyết, các mô hình tiếp cận, phương pháp luận khoa học và cả về vị trí của nhà nghiên cứu trong nghiên cứu giáo dục hiện nay. Khuynh hướng chung ngày nay là không ai xem sự kiện giáo dục một cách đơn lẻ khi nghiến cứu, nhưng phải luôn đặt nó trong mối tương quan với các ảnh hưởng đến từ môi trường kinh tế, văn hoá, chính trị xã hội… để xem xét.

Mô hình minh hoạ phản ánh mối tương quan giữa sự kiện giáo dục và các yếu tố

Quan sát một sự kiện xảy ra trong giáo dục phải nhiều chiều, chú ý đến những mối tương tác qua lại giữa sự kiện và các tác nhân trong và ngoài trường học như người học, người dạy, người quản lý, người tuyển dụng, môi trường xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị... Nếu như trước đây, các nhà nghiên cứu thường sử dụng các cách tiếp cận và kỹ thật nghiên cứu «đơn giản», thì ngày nay chuyển qua cách tiếp cận phương pháp «phức hợp», người ta chú ý nhiều hơn đến các liên hệ có tính con người và xã hội trong các sự kiện, trong các giải thích kết quả nghiên cứu, người ta chú ý đến «ý nghĩa» (sens) của hiện tượng hơn là những con số thống kê. Các nhà nghiên cứu hiện đại có khuynh hướng là tìm cách xâm nhập vào các «hộp đen» trên thực địa để tìm hiểu sự thực, những sự thực mà lắm khi nếu chỉ dừng lại ở khía cạnh «chính thức», những gì được thể hiện trên giấy trắng mực đen tại địa bàn nghiên cứu sẽ rất phiến diện.

Hãy lấy một ví dụ trong phân tích mối liên hệ thầy trò trong một cơ sở đào tạo: Người thầy có hệ quy chiếu của mình, điều này liên hệ đến nguồn gốc xã hội, quá trình đào tạo, những kinh nghiệm và hoàn cảnh cá nhân của thầy. Cũng vậy, trò cũng có hệ quy chiếu riêng liên hệ đến gia đình, môi trường cộng đồng nơi trò sống và kinh nghiệm học tập. Trường học nơi thầy công tác cũng có hệ quy chiếu riêng liên quan đến lịch sử của nó, đến chế độ chính trị, đến tình trạng công nghệ của xã hội cưu mang nó. Mối quan hệ của người thầy với nhà trường cũng có hệ quy chiếu riêng liên quan đến sự trải nghiệm nghề nghiệp, đến các tổ chức công đoàn, đoàn thể chính trị trong trường. Cũng vậy, mối liên hệ giữa người học và nhà trường cũng có hệ quy chiếu riêng liên quan đến kinh nghiệm học tập, vai trò và vị thế của nhà trường trong xã hội.

Như vậy, mối liên hệ thầy trò phải được phân tích đồng thời từ những hệ quy chiếu của từng bên và từ những hệ quy chiếu của các mối liên hệ của từng cá nhân với cơ sở đào tạo.

Bối cảnh, môi trường đào tạo đóng vai trò quan trọng trong phân tích các sự kiện giáo dục, nhưng bối cảnh giáo dục lại chuyển biến, không tồn tại một bối cảnh cố định với thời gian và không gian. Nó thay đổi tuỳ theo tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo, v.v.. Như vậy cũng có thể nói, không tồn tại một loại hình giáo dục bất biến và cho tất cả.

Các chủ đề nghiên cứu, cũng như cách tiếp cận và các kỹ thuật nghiên cứu thay đổi, trước những đổi thay này, cái khó nhất là làm sao giải thích, cất nghĩa được các kết quả nghiên cứu một cách thuyết phục. Câu trả lời có lẽ một phần đến từ cách nhìn về vị trí của nhà nghiên cứu. Ngày nay, người ta không gọi ai đó là «nhà nghiên cứu» khi: (1) người này không biết đến các lý thuyết và nghiên cứu sâu (approfondie) mà chỉ dừng lại ở những kiểu điều tra thống kê máy móc; (2) người này làm việc một mình, không thuộc về nhóm hay trung tâm nghiên cứu nào, những nơi cho phép tranh luận, trao đổi, phản biện, đặt vấn đề với đề tài nghiên cứu; (3) không tìm hiểu nghiên cứu, cập nhật các lý luận và phương pháp nghiên cứu mới…

Nhà nghiên cứu ngày nay phải biết chấp nhận bị phê bình, chấp nhận kết quả nghiên cứu của mình có giới hạn, tránh giao to búa lớn, những ngôn từ kiểu «rất đúng đắn» hay «hết sức sai lầm», vv..

Các phiên thảo luận nhóm

Quay lại với các đề tài hội thảo, xen kẽ với các phiên thảo luận bàn tròn chung là các phiên thảo luận nhóm với các chủ đề sau :

Nhóm 1 với đề tài: «Những nghiên cứu về những thực hành và học tập trong trường học»

Nhóm 2: «Những nghiên cứu về giáo dục và môi trường xã hội»

Nhóm 3: «Những nghiên cứu về khoa học luận và phương pháp nghiên cứu»

Nhóm 4: «Những nghiên cứu trên đào tạo giáo viên»

Nhóm 5: «Những nghiên cứu trên lãnh đạo và các chính sách»

Nhóm 6: «Nghiên cứu giáo dục và kỹ nghệ tin học và truyền thông trong giáo dục»

Nhóm 7: «Những nghiên cứu trên giáo dục bổ túc sức khoẻ và xã hội»

Nhóm 8: «Những nghiên cứu trên khía cạnh công dân và xã hội hoá»

Nhóm 9: «Những nghiên cứu trên đại học và giảng dạy đại học»

Mỗi nhóm quy tụ hàng chục báo cáo viên, chúng tôi ở trong nhóm 2, gồm các giáo sư đến từ các châu lục khác nhau như Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á và đương nhiên là cả Châu Âu. Các đề tài được trình bày và thảo luận hết sức phong phú, đa dạng. Mỗi một nền giáo dục đều mang đậm dấu ấn xã hội văn hoá chính trị của xã hội cưu mang nó. Qua những tranh luận, chúng tôi thấy rằng, nền giáo dục của một số nước Phi Châu có rất nhiều điểm tương đồng với hiện trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay như vấn đề tham nhũng trong giáo dục, vấn đề chính trị và giáo dục, vấn đề chất lượng đào tạo, vv.

Mỗi một quốc gia có nền giáo dục riêng, liên quan đến bối cảnh kinh tế chính trị xã hội và văn hoá của quốc gia đó. Như vậy, liệu có thể có một mô hình giáo dục chung cho mọi quốc gia không? Chúng tôi nghĩ sẽ không có, nhưng có thể tìm ra những hướng đi chung phù hợp với thời đại toàn cầu hoá mà vai trò Liên Hiệp Quốc là rất quan trọng trong việc định hướng.

Nguyễn Khánh Trung
Nghiên cứu viên Viện IRED

Nguồn: Bản Tin Giáo Dục - Đại Học Hoa Sen - 11/10/2007