Tin Tức
Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.
Không bỗng dưng mà triết lý giáo dục lại tiếp tục được xới lên ở các hội thảo gần đây của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, vào ngày 19-7-2011 tại Hà Nội và Viện Nghiên cứu giáo dục (Đại học Sư phạm TPHCM) vào ngày 19-8-2011 tại TPHCM. Phải chăng, yêu cầu đổi mới giáo dục đã đến lúc không thể chậm trễ hơn được nữa, như băn khoăn của nhà giáo Nguyễn Chương Nhiếp (Đại học Sư phạm TPHCM): gần 40 năm cải cách giáo dục, càng cải cách, giáo dục càng đuối, càng lạc hậu so với nhu cầu thực tiễn.
Giáo dục đang “lạc hướng” với thời đại
Triết lý giáo dục như thế nào, sẽ sản sinh ra “chất” con người như thế ấy. Con người của giai đoạn đất nước mở cửa, hội nhập với quốc tế và đang tiến tới hiện đại hóa, sẽ cần những tố chất gì mới? Liệu rằng, nền giáo dục hiện nay có đủ năng lực xây dựng nên con người mới hiện đại?
Đề cập những nội dung trên, GS. Hoàng Tụy (Viện Toán học) ngay từ rất sớm đã có câu nói khá nổi tiếng: “Chúng ta không chỉ đang lạc hậu, mà đang lạc hướng! Lạc hướng chính là lạc hướng về triết lý giáo dục”. Theo ông, “trước hết phải đặt ra yêu cầu giáo dục và đào tạo ra con người hiện đại, có thể sống được trong thời hiện đại này, đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa đất nước, thành công trong hội nhập quốc tế. Nên rà soát lại để dứt khoát từ bỏ đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động hơn là biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm”.
TS. Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, lại rất thẳng thắn: “Soi thực tiễn Việt Nam vào triết lý giáo dục của thế giới, chúng ta hình như đang đi ngược chiều với mọi triết lý giáo dục hiện đại. Không thể nấn ná, đã đến lúc phải chấn hưng nền giáo dục Việt Nam”.
TS. Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, cũng đã phân tích: “Những năm chiến tranh vệ quốc, miền Bắc cũng đã biến mục tiêu thành triết lý: giáo dục vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Trong vòng 30 năm kế tiếp kể từ 1945, triết lý này đã tỏ ra phù hợp. Nhưng những năm sau 1975 mục tiêu tồn tại của triết lý này không còn phù hợp nữa. Khi nước nhà thống nhất, cơ sở để xây dựng một quan điểm triết học mới cho nền giáo dục hoàn toàn thuận lợi. Nhưng tiếc rằng chúng ta vẫn chưa ra khỏi những mục tiêu ngắn hạn, sự vụ. Đó là hiện trạng khủng hoảng lớn hơn hết trong tất cả các khủng hoảng”.
Ít ra, trong vòng 10 năm nay trên rất nhiều diễn đàn, các nhà giáo dục đã lên tiếng đòi hỏi ngành giáo dục - đào tạo phải khẳng định triết lý giáo dục của Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập là như thế nào. Nói nhẹ nhàng, dễ hiểu như TS. Ngô Tự Lập - khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà nội, là: “Chúng ta muốn dạy con mình thành người như thế nào?”. Và, câu hỏi đã được các nhà nghiên cứu giáo dục đặt ra là: phải chăng vì không có triết lý rõ ràng - trong khi bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước đã đổi thay - nên chưa bao giờ nền giáo dục của chúng ta lại lúng túng như thế này?
Nhà văn Nguyên Ngọc đã phân tích rất cụ thể hiệu ứng của vấn đề: “Triết lý giáo dục chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục, từ nội dung giáo dục, phương châm giáo dục, phương pháp giáo dục, tổ chức giáo dục, ảnh hưởng quyết định đến tất cả các cấp của nền giáo dục, từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, trên đại học. Kiểu triết lý giáo dục nào đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức giáo dục đó.”
Câu chuyện đi tìm triết lý giáo dục của Việt Nam trong thời kỳ mới, cũng đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay tức khắc lên tiếng ủng hộ và hứa hẹn sẽ có nhiều hội thảo do bộ đứng ra tổ chức để lấy ý kiến các nhà giáo dục. Sau đó, hàng loạt hội thảo của các cơ quan giáo dục cũng như các tổ chức xã hội đã được mở ra. Đến ngày 6-1-2007, ngay tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quan chức cấp vụ, viện cùng bộ trưởng và các thứ trưởng cũng đã có buổi làm việc về “triết lý giáo dục Việt Nam”.
Song, mọi chuyện vẫn “lấp lửng”
“Dứt khoát từ bỏ đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động hơn là biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm”. GS. Hoàng Tụy |
Và, hệ quả là các nhà xây dựng chiến lược và chương trình giáo dục vẫn lúng túng. GS.TS. Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, một viện quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải kêu lên: thời gian qua, Việt Nam chưa có một triết lý giáo dục rõ ràng và thống nhất, gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu và phát triển chiến lược giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục cụ thể.
Theo GS.VS. Phạm Minh Hạc, muốn thực hiện “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo” và “chiến lược giáo dục - đào tạo 2011-2020”, phải có triết lý giáo dục Việt Nam.
GS. Nguyễn Hùng Hậu (Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) kêu gọi: cần có một triết lý giáo dục đi trước mở đường, chứ không thể xây dựng chiến lược theo kiểu “dò đá qua sông”.
Thời gian không chờ đợi ai bao giờ
Lược ghi lại các ý kiến của các nhà giáo, nhà nghiên cứu và các giới chức lãnh đạo giáo dục trên nhiều diễn đàn giáo dục trong khoảng 10 năm qua, chúng ta cũng đã có thể tạm hình dung ra mẫu “con người Việt Nam hiện đại”.
Nguyên Phó chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Bình: “Mục tiêu đào tạo con người giờ khác trước rồi, không thể nói chung chung mà phải nói đến con người có nhân cách đạo đức, có phương pháp tư duy, con người của năng lực, hành động”.
GS.TSKH. Đào Trọng Thi - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: “Các tư tưởng giáo dục truyền thống cần được phát triển, nâng cao và bổ sung thêm những nội dung mới để đáp ứng yêu cầu của nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tư duy độc lập, sáng tạo là phẩm chất quan trọng đối với nhân lực trình độ cao trong thế giới hiện đại”.
PGS.TS. Nguyễn Công Giáp, Phó giám đốc Học viện Quản lý giáo dục: “Triết lý giáo dục Việt Nam phải là giáo dục tư duy sáng tạo, năng lực hội nhập và giàu lòng yêu nước”.
TS. Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM: “Muốn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trước hết phải yêu cầu nhà trường giúp cho người học biết tư duy độc lập, khuyến khích dám tư duy độc lập, không sợ sai, không sợ trái bài văn mẫu”.
PGS.TS. Phan Thanh Bình (Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM): “Chúng ta đang phê phán giá trị cũ nhưng đến bây giờ vẫn chưa có giá trị mới. Triết lý chính là dạy các em tự học làm người, người công dân và người trí thức”.
TS. Ngô Tự Lập (Đại học Quốc gia TPHCM): “Nhiệm vụ của nền giáo dục là đào tạo ra những con người với ba chiều kích, đó là: con người lao động; con người yêu nước; và con người tự do”.
Dù có thể ngôn ngữ diễn đạt của các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu có những cung bậc khác nhau, nhưng hình ảnh của một “con người Việt Nam hiện đại” đã tương đối hiện lên rõ nét. Đó là con người yêu nước, có đạo đức, có tư duy độc lập, có năng lực hội nhập…
Vậy, dư luận xã hội vẫn luôn trông chờ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố: nền giáo dục muốn đào tạo những con người của Việt Nam hôm nay như thế nào?
Thời gian chẳng chờ đợi ai bao giờ, nhất là trong một thế giới đang biến chuyển cực kỳ mau lẹ. Mọi sự chậm trễ đều có thể phải trả giá, nhất là giáo dục - cái nôi tạo nên con người hiện đại cho một đất nước Việt Nam hiện đại hôm nay và mai sau.
Mai Lan
Nguồn: theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 06/9/2011
Góp ý với Dự thảo Chưởng trình giáo dục phổ thông tổng thể TS Nguyễn Khánh Trung cho rằng, dự thảo lần này có nhiều đột phá, xích lại gần hơn với cách làm của các nư