Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Thi cử trung học ở Úc

Trong khi học sinh của ta thi hết kì thi này đến kì thi khác hao tổn trí lực và có khi cũng chẳng cần thiết, thì học trò ở Úc học thật là thoải mái, thi cử ít nhưng phản ảnh đúng trình độ học vấn. Chẳng hạn, học sinh xong tiểu học thì lên trung học (nếu em nào khá thì thi vào trường tuyển), và họ chỉ thi một kì thi duy nhất gọi là HSC - higher school certificate (tùy tiểu bang mà họ có tên gọi khác), tương đương với tú tài II hồi xưa và tốt nghiệp lớp 12 bây giờ.

Xong kì thi HSC, mỗi học sinh có một điểm tốt nghiệp từ 0 đến 100. Trường đại học căn cứ vào nhu cầu họ công bố điểm vào (chắc là như “điểm sàn” gì đó ở trong nước) để tuyển học sinh, chứ họ không có thi tuyển. Chẳng hạn như muốn vào học ngành thương mại của trường UNSW thì thí sinh phải có ít nhất là 95 điểm, còn trường mickey mouse nào đó cũng ngành thương mại nhưng chỉ đòi hỏi 80 điểm. Quyết định ghi danh trường nào là quyết định của thí sinh. Thí sinh có quyền ghi danh 5 trường khác nhau, và trường nào tuyển thì họ thông báo. Tôi thấy cách tuyển sinh này rất nhẹ nhàng, công bằng, và minh bạch.

Cấu trúc đề thi HSC cũng đáng để nói lắm. Khi theo học 2 năm cuối chương trình trung học (lớp 11 và 12), mỗi học sinh phải chọn các môn học phù hợp với khả năng của mình. Các môn học này nhiều lắm (hàng trăm môn), nhưng chủ yếu vẫn là toán, vật lí, hóa học, sinh học, Anh ngữ, và một ngoại ngữ. Mỗi môn học có bậc tính theo units. Môn lí, hóa, sinh, và Anh ngữ chỉ có 2 bậc, riêng môn toán có 4 bậc. Ví dụ như môn toán có 4 bậc như sau:

* Toán phổ thông: dành cho các thí sinh không có khiếu làm toán, khi đi thi họ được phép dùng máy tính;

 Toán 2 unit: dành cho các em khá hơn, biết giải phương trình bậc hai, bậc ba, ứng dụng toán trong thực tế;

* Toán 3 unit: dành cho các em có trình độ toán trên trung bình, và chương trình học đi sâu vào lượng giác, đạo hàm, tích phân…

* Toán 4 unit: dành cho các em giỏi toán, chương học học khá nặng nề như số phức (complex number), hình học không gian, tích phân và ứng dụng tích phân, v.v…

Theo tiêu chuẩn HSC, thí sinh phải thi đủ 12 units (tín chỉ). Chẳng hạn như nếu tôi không giỏi về toán, nhưng giỏi về sinh học, thì tôi sẽ chọn sinh 3 units + hóa 2 units + lí 2 units + toán 2 units + Anh văn 2 units + linh tinh 1 unit = 12. Học sinh phải chọn sao cho có đủ 12 units.

Một khi đã chọn thì thí sinh chỉ thi HSC mấy môn ở bậc mình chọn. Chẳng hạn như nếu tôi chọn toán 2 units thì tôi không thi toán 3 units và 4 units. Tuy nhiên, nếu tôi chọn toán 3 units thì tôi phải thi hai bậc toán (2 units và 3 units); hay nếu tôi chọn toán 4 units thì tôi bắt buộc phải thi 2 bậc toán (3 units và 4 units). Cách thi này nhằm đảm bảo thí sinh thật sự giỏi chứ không phải chỉ tập trung toán bậc cao mà không biết gì bậc thấp.

Tính trung bình, mỗi môn thi đều có khoảng 40 câu hỏi, từ dễ nhất đến khó nhất. Chẳng hạn như thi môn toán 2 units thí sinh có thể gặp những câu hỏi dễ như… cách tính phân số! Người ta lí giải rằng cách ra đề thi như thế công bằng hơn là tập trung vào 5, 6 câu khó như ở Việt Nam hay làm. Thật ra, tôi nghĩ các đề thi ở Việt Nam là đánh đố, chứ không phải nhằm kiểm tra trình độ của học sinh. Các bạn có thể xem qua các đề thi năm 2007 ở trang web của Cục giáo dục bang NSW. Còn ai muốn xem đề thi toán của họ ra sao thì xem ở đây: môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, Anh ngữ, và môn… tiếng Việt.

Không biết ở Việt Nam thì sao, nhưng ở bên này mỗi thí sinh được 3 người chấm điểm một cách độc lập. Nếu có khác biệt (hiếm, nhưng có) thì phải có người đứng ra dàn xếp. Do đó, điểm từng môn của thí sinh có thể nói là chính xác và công bằng.

Nhưng điểm tổng số HSC không chỉ đơn thuần là điểm thi, mà là tổng số 3 điểm:

(A) Điểm thi HSC.

(B) Điểm lúc theo học 2 năm cuối trung học, tức là điểm trong các kì test mỗi kì học trong năm;

(C) Điểm trong kì thi thử. Ở Úc, trước khi thi HSC thật, thí sinh phải qua một kì thi thử (gọi là trial examination) mà theo đó thí sinh thi như thật, nhưng chỉ thi tại trường, với đề thi do một nhóm thầy cô độc lập ra đề.

Ba điểm thi này có trọng số khác nhau. Hình như (tôi không nhớ, vì trọng số thay đổi theo thời gian) điểm A chiếm 50%, điểm B 25%, và điểm C 25%.

Ba điểm trên phải qua một mô hình phân tích thống kê để tính điểm tổng số. Điểm tổng số này rất phức tạp vì mô hình còn xem xét trường mà thí sinh xuất thân. Chẳng hạn như thí sinh có thể có điểm B tốt nhưng vì điểm trung bình của trường mà em theo học thấp thì hệ số sẽ bị giảm xuống thấp hơn so với thí sinh có điểm B tốt và điểm trung bình của trường cũng tốt. Nói tóm lại, điểm của thí sinh còn phải phân tích với điểm trung bình của trường mà họ theo học để đánh giá thực tài của thí sinh.

Nói tóm lại, tôi thấy Việt Nam chúng ta cần phải cải cách chương trình thi cử trung học cho thật tốt, để tránh không phải thi tuyển đại học. Nhưng cải cách phải bắt đầu từ việc phân chia môn học từ dễ đến khó để đáp ứng khả năng của học sinh. Chẳng hạn như tôi dở về toán, nhưng tôi khá về sinh học, thì chương trình học phải cho tôi cơ hội phát huy khả năng về sinh học của tôi. Nói đến đây tôi nhớ đến ngày xưa người ta xem trọng môn toán đến nỗi ai không giỏi môn này bị mang tiếng là “đồ dốt”, “ngu như heo”, “ngu như bò”… Bây giờ già chút tôi thấy cái lối cho nhãn hiệu như thế thật là bậy bạ và… ấu trĩ. Một xã hội mà dồn ép học sinh chỉ lo học toán thì xã hội đó không khá nổi. Tôi vẫn không hiểu tại sao có người nói phân môn học cao thấp như thế là không khả thi ở Việt Nam.

Ngoài ra, tôi nghĩ còn phải cải cách về cách thức ra đề thi, cách tính điểm, cách đánh giá thành tích học hành… Nhưng tất cả cải cách này đòi hỏi nghiên cứu, phân tích dữ liệu, và suy nghĩ. Tất nhiên, nói mấy thứ này ra thì các vị “nghiên cứu giáo dục” sẽ nói họ đều làm cả rồi, biết hết rồi, không có gì mới … nhưng tôi dám cam đoan là họ chưa làm, chưa biết, và họ cũng không biết cái mới. Thành ra, muốn cải cách thì có lẽ phải bắt đầu với con người mới, tư duy mới, và quan trọng nhất là có thực tài. Nước ta không cần những công chức với đủ thứ học vị hoa lá cành mà ngồi ì và không làm được việc.

N.V.T

Nguồn: Tia Sáng, 17/09/2008

Các Tin Tức Khác

Báo cáo và Phản biện Kết quả nghiên cứu đề tài: "Vai trò các chủ thể then chốt trong giáo dục tiểu học công lập hiện nay - Nghiên cứu so sánh hai trường Thanh Hải (Việt Nam) và Oulu (Phần Lan)"

Vào lúc 9g30’, ngày 27/5/2014, tại trụ sở Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) (số 4 Bà Huyện Thanh Quan, Q3, Tp.HCM), Ts. Nguyễn Khánh Trung, Nghiên cứu viên cơ hữu của V

Phải mạnh tay với đạo văn

Trường hợp tác giả Lê Đức Thông một lần nữa bị các tạp chí khoa học quốc tế rút bài báo với lý do đạo văn cho thấy đã đến lúc cần có biện pháp đủ mạnh để hạn chế h&ag