Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Thay đổi đến từ TÔI

(SVVN) Đó là chia sẻ với các bạn trẻ (khi đối mặt với khủng hoảng) của ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), người sáng lập Trường Doanh nhân PACE.

Thách thức của nghịch cảnh

Thưa ông, ở Việt Nam hiện nay, người trẻ không chỉ đối diện với khủng hoảng kinh tế, mà còn ở cả những khía cạnh khác. Ông thấy điều đó có đúng không?

Khủng hoảng là rõ ràng rồi, không chỉ về kinh tế mà còn cả về văn hóa, xã hội. Nhưng tôi cho rằng, trong tất cả các khủng hoảng, đáng sợ nhất là khủng hoảng niềm tin. Chẳng hạn, vừa rồi, báo chí nói về việc người ta sản xuất cà phê dởm, không có chút cà phê nào mà chỉ có đậu nành và hóa chất… Giờ ăn gì, uống gì cũng sợ, kể cả khi người ta nói đó là đồ tốt, đồ hiệu. Trong bối cảnh như vậy, người ta thấy bất an và khi bất an đến mức mà người ta không còn tin vào điều gì nữa thì thật là khủng khiếp!

Trong thực tế, khủng hoảng thì ở thời đại nào cũng có và cũng không riêng với xã hội nào cả. Không có khủng hoảng này thì có khủng hoảng khác, xét ở góc độ này hay góc độ khác. Vấn đề là mình có còn đủ niềm tin và sức mạnh để chinh phục khủng hoảng hay không, hay là buông xuôi luôn theo nó? Điều quan trọng là đi tìm niềm tin để tìm kiếm một sự thay đổi tích cực, để thích ứng và vượt qua khủng hoảng. Riêng trong tầng lớp thanh niên, sinh viên, theo tôi, thay đổi đó phải đến từ "tôi" - từ chính bản thân mỗi bạn trẻ. Đó mới chính là linh hồn của câu chuyện vượt qua khủng hoảng của người trẻ hiện nay.

Lúc ở tuổi đôi mươi, khủng hoảng của thế hệ ông là gì?

Thời đó, đất nước chưa hội nhập gì mấy, sống trong một xã hội về cơ bản còn đóng cửa thì nhiều giá trị quan trọng còn bị lẫn lộn là điều dễ hiểu. Nhiều người trong thế hệ tôi chưa có khả năng phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu; đâu là thật, đâu là giả; đâu là công cụ, đâu là tự do… Sau đó, chúng tôi phải tự lần mò tìm hiểu để biết. Ngoài ra, cái khủng hoảng lớn nhất trong thời kỳ của tôi là khó khăn, thiếu  thốn. Rồi câu chuyện đi tìm ý nghĩa cuộc sống, sống "vì mình" hay "vì người", không biết mình phải làm gì? Nhưng có lẽ, khủng hoảng lớn nhất lúc đó là về lẽ sống, về các giá trị và niềm tin. Ngày nay, hội nhập sâu hơn và dù cho khủng hoảng có nặng hơn xưa nhưng có vẻ sự bàng quan về những khủng hoảng đó lại cao hơn.

Tiếp cận nhiều với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, xin ông cho biết, triết lý của những nền giáo dục đó (trong việc giúp người trẻ, thanh niên vượt qua khủng hoảng) là gì?

Ở những nước phát triển mà tôi có dịp được tìm hiểu thì chủ trương chung của họ là cho người học có khả năng để sống một cách đàng hoàng và làm việc thành công trong mọi hoàn cảnh, mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Những triết lý này bây giờ đã trở thành những giá trị phổ quát trong giáo dục. Nếu có khủng hoảng thì mỗi cá thể vẫn có khả năng điều khiển cuộc đời, điều khiển cuộc sống cá nhân theo hướng tốt hơn. UNESCO đưa ra các trụ cột của giáo dục: Học để biết, học để làm việc, để làm người và học để sống chung với người khác. Nếu như anh có năng lực đó, dù khủng hoảng cỡ nào thì cũng không có khó khăn gì. Lúc đó, có thể có khủng hoảng xã hội nhưng sẽ không có khủng hoảng của cá nhân, người ta vẫn có thể quản trị cuộc đời và cuộc sống của mình tốt. Khủng hoảng xã hội do khả năng quản trị xã hội kém, khủng hoảng công ty là do khả năng quản trị công ty kém… Nhìn sâu xa hơn, theo tôi, mọi khủng hoảng (kể cả khủng hoảng kinh tế…) đều bắt nguồn từ giáo dục. Giáo dục kiến tạo năng lực của con người, khi năng lực của con người hạn chế thì sẽ tạo ra những khủng hoảng đó… Và khủng hoảng dẫn đến những bức xúc, từ đó tạo cơ hội cho một sự thay đổi.

Nhưng với bối cảnh hiện nay thì người trẻ phải đối phó với nghịch cảnh, với những thách thức như thế nào, thưa ông?

Đó là bài toán của những lựa chọn: Lựa chọn giữa việc "tôi thay đổi môi trường" hay "môi trường thay đổi tôi"! Với những người ít hiểu biết, họ để cho môi trường "nặn" ra mình. Với người có hiểu biết thì họ xác định rằng, họ "nặn" ra môi trường chứ không phải môi trường "nặn" ra họ.

Thực ra, cuộc sống này có 3 cách lựa chọn cách ứng biến: Cách thứ nhất,  môi trường thế nào, tôi thế đó: Môi trường tử tế, tôi tử tế; môi trường ba trợn, tôi ba trợn. Cách thứ hai, tôi không sống theo cách của môi trường, tôi sống theo cách của tôi nhưng không ảnh hưởng đến mọi người: Có thể môi trường ba trợn nhưng tôi không ba trợn. Và cách thứ ba, tôi không sống theo cách của môi trường, tôi cũng không sống theo cách của tôi, tôi chỉ sống theo một cách (mà tôi tin rằng) tốt cho cả tôi và cả môi trường. Tức là tôi sống theo cách tiến bộ và lôi kéo mọi người đi theo hướng đó. Lấy một cái gì đó khác và có ích (mình tin là đúng, là đẹp) để hướng đến.

Sẽ có người cho rằng, thay đổi thì phải cả xã hội thay đổi, chứ mình tôi thay đổi sao được. Nếu tư duy như thế thì chưa ổn. Vẫn biết rằng "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa Xuân" nhưng nó có thể "báo hiệu" mùa Xuân đến. Đâu nhất thiết phải "làm nên mùa Xuân", chỉ cần cánh én "báo hiệu", sẽ có những cánh én khác làm nên mùa Xuân. Vậy nên, thay đổi đến từ "tôi" là vì vậy! Tôi rất thích một lời hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai". Những việc khó, người trẻ không làm, chẳng lẽ đó là việc của người già?!

Tôi từng tham gia một sự kiện văn hóa - nghệ thuật, hôm đó, người nghệ sĩ biểu diễn một tiết mục rất hay và có cảm tưởng như ai cũng thích. Khi MC cất lời: "Xin quý vị một tràng pháo tay!" thì chỉ có lẹt đẹt vài tiếng vỗ tay. Tôi hỏi mấy người xung quanh là tiết mục vừa rồi có hay không, thì họ đều khen hay. Nhưng khi tôi thắc mắc với họ tại sao không vỗ tay, thì họ trả lời: Đã có người khác vỗ rồi! Cuộc sống này cũng thế, ai cũng nghĩ, thay đổi là việc của người khác, cuối cùng thì chẳng ai làm hết.

Phải chăng, những thời điểm khủng hoảng, về bản năng, người ta rất dễ hy sinh phẩm hạnh để bảo vệ cuộc sống vật chất của mình? 

Mỗi con người trên đời này đều được định danh bởi văn hóa cá nhân của chính người đó. Mà văn hóa cá nhân là những giá trị, những phẩm hạnh làm nên ai đó, là những thứ mà vì nó và để bảo vệ nó người ta sẵn lòng hy sinh mọi thứ khác, nếu không thì mình sẽ không còn là mình nữa. Con người ta có thể sẵn sàng đánh mất nhiều thứ nhưng có một thứ sẽ không thể mất được, vì nếu mất nó thì sẽ không còn gì, đó là, đánh mất bản thân mình. Tôi nghĩ rằng, bài toán khó của giới trẻ ngày nay là định nghĩa lại bản thân mình, để biết mình là ai và cái gì làm nên chính mình và bản sắc của mình. Từ đó mới biết được, liệu cái đó có đáng để mình hy sinh mọi thứ khác để gìn giữ nó và bảo vệ nó hay không.

"Tôi" đi tìm "tôi"

Giải pháp nào có thể giúp giới trẻ sinh tồn được trong thời điểm khó khăn như thế này?

Bên cạnh việc kiếm tiền để sống, kiếm cơm để ăn, thì người trẻ còn phải đi tìm bản thân mình, sau đó mới hành động. Sau khi tìm được bản thân rồi mới hành động, chứ còn nếu không họ sẽ hy sinh bất cứ thứ gì. Đi tìm bản thân không chỉ là đi tìm tính cách, năng lực… của mình, mà còn là đi tìm cái gì làm nên mình: Giá trị nào? Lẽ sống nào? Ý nghĩa của tôi trên cõi đời này là gì? Khi mình chưa tìm được những thứ đó, thì người ta dễ thấy những cái tặc lưỡi rất nguy hại: Sống cách nào mà chẳng được, đời ra sao thì ra...

Ông có thấy, tiền bạc đang chi phối giới trẻ không?

Chuyện đó là dĩ nhiên. Khi người ta không tự vấn bản thân về giá trị sống của mình, không có niềm tin, thì ngoài tiền bạc và quyền lực ra, người ta còn có mối bận tâm nào khác nữa đâu?! Giá trị, niềm tin không còn được đặt ra thì ngoài tiền đâu còn thứ gì khác? Người ta chỉ có thể không bị tha hóa vì tiền bạc, quyền lực hay danh hão, khi họ đặt ra vấn đề đi tìm bản thân mình, đi tìm cuộc đời mình, xa hơn là đi tìm tương lai cho cả cộng đồng, xứ sở, của thế giới này… Nếu giáo dục không làm được gì nhiều, thì ít ra cũng cần nuôi dưỡng cho người ta niềm tin vào những điều tốt đẹp, tử tế, tiến bộ… Bởi khi một người còn không tin vào điều gì cả thì về cơ bản được coi là chết lâm sàng rồi.

Tôi cho rằng nếu theo đuổi một "cuộc đời đáng sống" sẽ thú vị hơn là theo đuổi một "cuộc đời thành công". Trong bối cảnh nhiều giá trị bị đảo lộn như ngày nay thì khái niệm này lại càng đáng suy ngẫm.

Vậy là câu chuyện vượt qua khủng hoảng của người trẻ không chỉ là dạy kiến thức hay kỹ năng, mà là thái độ của mỗi cá nhân khi đối mặt với khủng hoảng?

Đúng vậy. Không chỉ quan tâm đến chuyện vượt qua khủng hoảng, mà còn phải nghĩ đến chuyện làm sao để khủng hoảng như thế không xảy ra nữa. Và nếu khủng hoảng xảy ra do nguyên nhân khác thì mình phải biết cách để chống lại nó, xoay chuyển nó. Bởi nếu trong bối cảnh bình thường, thay đổi nó rất khó, khủng hoảng là một cơ hội để ta thay đổi. Bây giờ tái cấu trúc nền kinh tế được đặt ra, nhưng cách đây vài năm, khi mà khủng hoảng kinh tế chưa diễn ra, chẳng ai dám đặt vấn đề. Những thời điểm khủng hoảng thế này, là cơ hội người trẻ nhìn lại mình.

Tôi cho rằng, mỗi cá nhân cần xác định được rằng: Sự thay đổi đến từ "tôi" chứ không phải từ người khác. Tức là sự tử tế, tốt đẹp, hay xấu xa, băng hoại… của môi trường đều có vai trò và trách nhiệm của "tôi". Từ đó mới có cách để chúng ta giải quyết những bừa bộn của cuộc sống này, nhất là trong thời điểm khủng hoảng.

Xin cảm ơn ông!

Lê Ngọc Sơn (PV)
Nguồn: Sinh Viên Việt Nam - 01/08/2012

Các Tin Tức Khác

Làm khác đi, bắt đầu từ mục đích dạy sử

TTCT - Tôi trở lại với trường hợp Phần Lan, quốc gia đang rất nổi tiếng nhờ thành công trong giáo dục phổ thông của họ, như là một căn cứ, thông qua đó giúp chúng ta tự định vị mình

Chìa khóa thành công của giáo dục Singapore

(Dân trí) - 5 năm đến Việt Nam để làm công tác quảng bá nền giáo dục Singapore, anh Jin Chwen Ong, 31 tuổi, giám đốc khu vực Đông Dương, là một trong số những giám đốc khu vực trẻ n

Hệ thống giáo dục Singapore.

Singapore là một quốc gia được coi là phát triển hàng đầu ở châu Á và trong khối ASEAN. Singapore hiện thu hút một số lượng khá du học sinh Việt Nam. Dưới đây là sơ lược về hệ thốn