Tin Tức
Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.
Tác phẩm Đúng việc của nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung (Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Giáo dục, Phó chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh) xuất bản lần đầu vào năm 2015.
Chỉ sau hơn một năm ra mắt, quyển sách này đã phát hành được hơn 80.000 bản in. Đây là một con số kỷ lục trong dòng sách tu thân, triết học đại chúng ở Việt Nam.
Đúng việc có lượng phát hành kỷ lục trong dòng sách tu thân, triết học đại chúng.
Trong tác phẩm này, những giá trị tốt - xấu, đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà… trong hành trình làm người, làm dân và làm nghề vốn bị đảo lộn trong xã hội được tác giả sắp xếp, định dạng lại bởi một phương pháp luận chắc chắn, chứa đựng các nguyên lý phổ quát và bất biến.
Vốn kiệm lời khi nói về bản thân, nhưng tác giả Giản Tư Trung lại rất cởi mở khi chia sẻ về đứa con tinh thần của mình.
- Nhiều độc giả thắc mắc tại sao ông chọn tên “Đúng việc” mà không phải những mỹ từ bay bổng, gây chú ý khác?
- Thực sự thì tôi từng không ít lần tìm kiếm một tựa đề khác nhưng bất thành vì không có lựa chọn nào phù hợp hơn. Tôi thích tên sách mộc mạc và gần với bản chất câu chuyện hơn là sự bay bổng. Khi làm gì, tôi cũng có niềm tin vào cái chân giá trị. Cái gì thực thì chưa chắc đã đẹp, nhưng bất cứ cái gì đẹp thì cũng phải thực. Thực là nền tảng quan trọng nhất của đẹp.
Cũng như một khía cạnh mà tôi đã đề cập trong sách: Mỗi người không cần phải dùng chiêu trò hay thủ thuật để lấy lòng người khác. Chỉ cần tu thân thật tốt, rồi cứ sống “nguyên con”, sống đúng với con người thực của mình, mọi điều tốt đẹp sẽ tự đến với bạn.
Tác giả, nhà giáo Giản Tư Trung ký tặng sách cho độc giả trong tọa đàm “Cách mạng bản thân” diễn ra tại TP.HCM.
- Ông có thể chia sẻ nguyên cớ chắp bút cho quyển “Đúng việc”? Tác phẩm này tập trung lý giải điều gì?
- Điều này xuất phát từ bốn tiền đề. Một là, quốc gia sẽ thịnh vượng và văn minh khi và chỉ khi phần lớn người dân ở quốc gia đó đều làm đúng và làm tốt công việc của mình. Hai là, tổ chức sẽ thành công khi và chỉ khi phần lớn thành viên trong tổ chức đó đều làm đúng và làm tốt công việc của mình.
Ba là, gia đình sẽ hạnh phúc khi và chỉ khi tất cả thành viên trong gia đình đều làm đúng và làm tốt công việc của mình (làm ông/bà, làm cha/mẹ, làm con, làm cháu…). Cuối cùng là, cá nhân sẽ thành công bền vững và hạnh phúc đích thực khi và chỉ khi người đó làm đúng và làm tốt công việc của mình.
Từ các tiền đề trên, tôi cho rằng những thực trạng chúng ta nhìn thấy ngày nay của con người, của gia đình, của tổ chức và của xã hội bắt nguồn sâu xa từ việc có quá ít người hiểu đúng và làm tốt những “công việc” của mình. Do đó, người người, nhà nhà, nghề nghề cần phải chuyển từ “sai việc” thành “đúng việc”, và từ đó sách Đúng việc ra đời.
- Như vậy mọi thứ bắt đầu từ công việc của mỗi cá nhân, nhưng “việc” là việc gì? Và thế nào là “đúng”?
- Tôi cho rằng, “công việc” của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm: Làm người, Làm dân và Làm nghề (làm nghề ở công sở và làm nghề trong gia đình). Lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng “công việc” ấy sẽ làm nên cuộc đời của họ.
Bởi lẽ, con người khác với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác với con người nô lệ hay con người công cụ hay con người hoang dã hay con người nổi loạn; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; người thầy thì khác với thợ dạy; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút; sử gia thì khác với sử nô; lãnh đạo thì khác với cầm quyền; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…
Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa các lựa chọn đó? Làm sao có thể làm “đúng việc” khi chưa biết đâu là cái “đúng”?... Điều này được đề cập giải mã ở tất cả các phần của sách.
Phương pháp luận “Đúng việc” đã được Sáng kiến OpenEdu dùng để xây dựng một mô hình giáo dục khai phóng của mình.
- Có nhiều người cho rằng việc đưa ra định nghĩa về vấn đề làm người, làm dân và làm nghề của ông hơi chủ quan vì cuộc sống muôn màu muôn vẻ, mỗi người là một cá thể với suy nghĩ khác nhau. Ông phản ứng như thế nào về ý kiến này?
- Cuốn sách này không có ý định xác lập chân lý mà chỉ là một phương pháp luận để đi tìm chân lý. Và đúng là khó mà tìm thấy một chân lý hay một định nghĩa tuyệt đối về việc thế nào là đúng-sai, phải-trái, hay-dở, tốt-xấu.
Mỗi người sẽ có một lằn ranh, một cách của riêng mình để minh định. Lằn ranh mà tôi chọn cho Đúng việc để mọi người tham khảo là dựa vào những giá trị vượt không gian và vượt thời gian, dựa vào những nguyên lý phổ quát và trường tồn.
- Điều ông tự hào nhất về tác phẩm này?
- Niềm tự hào của tôi chính là ý tưởng của cuốn sách. Đúng việc không chỉ là tên của một cuốn sách, mà còn là tên của một cuộc cách mạng - Cách mạng Đúng việc. Cuộc cách mạng này dễ thương, không đổ máu, cũng chẳng lệ thuộc vào ai, mà bắt đầu từ cá nhân, mình thích thì mình làm thôi.
Tôi rất vui khi nhiều người đọc sách và nói với tôi rằng, cuốn sách là chìa khóa vàng dành cho người có khát khao thay đổi mình và những thứ xung quanh mình. Từ thay đổi của mỗi cá nhân sẽ dẫn đến sự đổi thay của gia đình, tổ chức và rộng hơn là quốc gia.
- Sau hai lần tái bản, quyển sách “Đúng việc” đã bán được hơn 80.000 bản - con số kỷ lục trong dòng sách tu thân, triết học đại chúng. Ông có dự định viết thêm nhiều sách về thể loại này hay triển khai các hoạt động khác có liên quan?
- Tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình “Tự lực khai phóng” của chính mình, cũng như cổ vũ và tiếp sức cho hành trình “Tự lực khai phóng” của mỗi người, như tôi vẫn làm nhiều năm nay. Và trong hành trình đó, tôi vẫn tiếp tục công tác nghiên cứu, giảng dạy, diễn thuyết, viết báo, vẫn mở trường, mở viện, mở quỹ, mở dự án, và tất nhiên là vẫn tiếp tục viết sách, nhất là sách về khai phóng và tự do. Vì đây là con đường mà tôi đã chọn.
Giang Thư Quân
Nguồn: Báo điện tử Zing
Hiện nay cả nước đang quan tâm đến vấn đề giáo dục, với mong muốn nước ta sớm có được một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước. Hơn nữa, phá
Câu trả lời là: Người lớn chúng ta, gồm cả những người trong hệ thống giáo dục và cả các bậc phụ huynh, đã phối hợp để lấy mất không chỉ mùa hè hàng năm mà lấy luôn cả
Bài này không có chủ đích quảng cáo cho Đại học Bỉ. Những miêu tả dưới đây đi từ quan sát của một người nhiều năm nghiên cứu trong ngành xã hội học về giáo dục chứ kh&o