Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Phải mạnh tay với đạo văn

Trường hợp tác giả Lê Đức Thông một lần nữa bị các tạp chí khoa học quốc tế rút bài báo với lý do đạo văn cho thấy đã đến lúc cần có biện pháp đủ mạnh để hạn chế hành vi gian lận trong khoa học.

Biết sai vẫn tái phạm

 Cuối tháng 10.2010, từ vụ việc 2 tạp chí uy tín về vật lý trên thế giới tuyên bố rút bài báo của Lê Đức Thông và nhóm tác giả, Báo Thanh Niên đã đăng loạt bài liên quan về vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Vào thời điểm này, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, một trong những đồng tác giả với ông Thông cho rằng: “Bài báo này (Was the fine-structure constant variable over cosmological time? của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao - Viện Vật lý TP.HCM, N.T.Hung - Viện Vật lý Hà Nội và tiến sĩ Trần Văn Hùng - Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ - NV) có 5 trang, trong đó riêng phần giới thiệu 2-3 trang là thông tin trích dẫn mà không ghi rõ nguồn tài liệu tham khảo”. Cũng chính tác giả này cho rằng: “Thực ra nói là đạo văn cũng hơi quá bởi trong bài viết có một phần khi trích dẫn Thông đã không nêu rõ nguồn tài liệu tham khảo”. Như vậy, lúc bấy giờ, nhiều người làm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam vẫn “ngây thơ” nghĩ rằng không cần nêu rõ nguồn khi trích dẫn trong khi viết bài báo khoa học.

 Phải mạnh tay với đạo văn
Từ năm 2010, Báo Thanh Niên đã từng có loạt bài 3 kỳ, lên tiếng về việc ông Lê Đức Thông đạo văn

Tưởng vụ việc này đã là một bài học lớn cho tác giả Lê Đức Thông nói riêng và những nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam nói chung, nhưng 2 năm sau, 5 bài báo của tác giả này đứng tên với một nhóm tác giả khác lại bị các tạp chí khoa học uy tín rút bài cùng lý do đạo văn! Ở lần  đầu tiên còn có thể tạm chấp nhận với lý do vì “thiếu hiểu biết” nhưng lần này thì khó lòng cho rằng sơ suất về mặt kỹ thuật. Vấn đề quan trọng là cả 2 lần, đứng tên chung bài báo với Lê Đức Thông đều có những giáo sư ngành vật lý tên tuổi của Việt Nam. Những giáo sư này đều khẳng định không hề biết việc ông Thông gửi các bài báo này và họ chỉ là những người góp ý kiến chứ không tham gia viết phần đoạn nào, ông Thông tự ý để tên các giáo sư vào bài báo? Thế nhưng theo một số giảng viên có tham gia viết bài báo cho các tạp chí khoa học quốc tế, thông thường trước khi bài báo được đăng, ban biên tập sẽ yêu cầu tác giả và đồng tác giả ký tên xác nhận.

Chưa có biện pháp phòng, chống

 

 
 

Các hình thức đạo văn

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, có các hình thức đạo văn sau:

- Bureaucratic plagiarism (đạo văn quan quyền): Những người có người soạn diễn văn cho mình rồi lấy đó như là tác phẩm của mình.

- Competitive plagiarism (đạo văn cạnh tranh): Chẳng hạn sinh viên đạo văn để có một luận án tốt nghiệp.

- Cryptomnesia (đạo văn ký ức): Nhớ đến câu văn hay ý tưởng của người khác nhưng không nhớ người đó là ai, dùng những dữ liệu đó như là tác phẩm của chính mình. Đây là hình thức đạo văn không cố ý (unintentional plagiarism).

- Ghostwriting (tác phẩm ma): Chỉ những người không đứng tên tác giả của các tác phẩm do chính họ tạo ra; thay vào đó, những người khác đứng tên tác giả.

- Gift authorship hay honorary authorship: Các nhà khoa học cho tên của đồng nghiệp hay cấp trên của mình vào danh sách tác giả dù người này chẳng biết hay chẳng dính dáng gì đến công trình nghiên cứu.

- Patchwriting: Sao chép một văn bản từ nguồn khác, cắt bỏ và thêm vài chữ, thay đổi cấu trúc câu văn.

- Self-plagiarism (tự đạo văn): Tác giả trích câu văn và dữ liệu trước của chính mình đã công bố mà không ghi nguồn.

- Supervisory ghostwriting: Những trường hợp mà người hướng dẫn nghiên cứu sử dụng dữ liệu và câu chữ của nghiên cứu sinh dưới quyền của mình mà không ghi nguồn.

 

Việc các tạp chí khoa học rút lại bài báo do vi phạm đạo đức khoa học là chuyện không mới và theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), hiện tượng này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trên bài viết Tình trạng rút lại bài báo khoa học, đăng trên website của mình, GS Tuấn nhận định: “Tập san càng nổi tiếng, số bài báo bị rút càng nhiều”. Trong các bài viết liên quan, GS Tuấn cũng cho biết các nước có nhiều biện pháp để hạn chế những vi phạm đạo đức trong nghiên cứu khoa học vì nếu điều này xảy ra, nó không chỉ là vết nhơ trong sự nghiệp của một nhà khoa học mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng khoa học của quốc gia.

Chẳng hạn từ năm 2000, ĐH Quốc gia Singapore (NUS) có quy trình về công bố khoa học và quản lý các trường hợp gian lận trong khoa học. Theo GS Tuấn, cựu GS y khoa của Trường ĐH Vermont (Mỹ) - Eric Poehlman - với hơn 200 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế nhưng lại phạm lỗi ngụy tạo dữ liệu. Sau khi điều tra, trường ĐH quyết định sa thải ông Poehlman và ông này bị tòa xử phạt một năm tù, phải trả lại cho nhà nước 542.000 USD. Năm 2009, các công tố viên của tòa án Hàn Quốc đề nghị mức án 4 năm tù cho GS Hwang Woo-suk do phát hiện ngụy tạo dữ liệu nghiên cứu. Ông Hwang nổi tiếng khắp thế giới sau khi tuyên bố thành công trong việc tạo ra tế bào gốc từ phôi người nhân bản vào năm 2005…

Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có những biện pháp xử lý răn đe, phòng chống rốt ráo cho những hành vi gian lận trong khoa học nên mới dẫn đến tình trạng đã bị phát hiện đạo văn nhưng nhiều người vẫn tiếp tục vi phạm. Dư luận nếu có lên án thì rồi cũng im ắng theo thời gian, những người vi phạm cũng không bị ảnh hưởng gì nghiêm trọng nên mọi thứ vẫn diễn ra như cũ.

Phải từ bỏ thói quen sao chép

Trả lời Báo Thanh Niên, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Trưởng phòng Quản lý khoa học và quan hệ quốc tế Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, từng cho rằng: “Phải chăng đạo văn có nguồn gốc từ văn hóa? Vì rõ ràng là các nước châu Á có thói quen đạo văn cao hơn nhiều so với các nước Âu - Mỹ. Và cả người đạo lẫn người bị đạo đều xem đó là việc bình thường”.

Trên thực tế, việc đạo văn lẫn nhau diễn ra công khai và tràn lan trong môi trường học thuật của Việt Nam, từ những người có vị trí trong các trường ĐH, viện nghiên cứu cho đến học sinh - sinh viên.

Trong năm 2010, một GS-TS, Trưởng khoa của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tố cáo giáo trình của mình bị nhóm tác giả Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sao chép. Thế nhưng sau đó lại có thông tin giáo trình của vị giáo sư này cũng có phần sao chép nhưng không trích nguồn tham khảo từ một giáo trình của Mỹ. Năm 2011, nhóm sinh viên một ĐH vùng tố cáo tài liệu bài giảng của hiệu trưởng sao chép nguyên văn nhiều đoạn từ sách của người khác mà không nêu nguồn trích dẫn. Đó là chưa kể, dư luận cũng đã lên tiếng các trường hợp lãnh đạo của sở, viện nghiên cứu cũng từng đạo văn…

Nhiều giảng viên ĐH than rằng ngày nay chấm luận văn tốt nghiệp của sinh viên rất chán vì đều sao chép nhau. Vì thế bây giờ người ta gọi thời điểm làm luận văn tốt nghiệp là “mùa copy (sao chép) - paste (dán)”. Đây cũng chính là một trong những lý do hiện nay nhiều trường ĐH hạn chế tỷ lệ sinh viên làm luận văn tốt nghiệp. Dù đã trở thành hiện tượng phổ biến nhưng xem ra lãnh đạo từ trường ĐH cho đến các bộ ngành chưa có một quy định nào hay động thái gì giáo dục cho sinh viên -học sinh rằng đây là vi phạm đạo đức học thuật.

Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, sinh viên khó lòng vi phạm điều này. Một số du học sinh Việt Nam đang học tiếng Anh tại Trường ĐH York (Canada) cho biết ngay từ những ngày đầu tiên vào trường, các sinh viên đã được phổ biến về hình thức kỷ luật khi đạo văn. Sinh viên Kha Thùy Ny cho rằng: “Với môn viết, trường không cho sinh viên copy văn mẫu hay sách tham khảo. Nếu giáo viên phát hiện, sinh viên sẽ bị đuổi ra khỏi trường”. Bạn Tô Anh Thư, giải thích thêm: “Sinh viên có thể lấy trên mạng, cắt-dán, viết lại nhưng phải ghi nguồn và tuân theo tỷ lệ, chẳng hạn lớp nhỏ là 20%, lớp lớn hơn 10%. Tất cả bài làm của sinh viên đều được đưa lên website của trường, trong vòng 5 phút, trang web sẽ cho biết bài đó sao chép bao nhiêu chữ, bao nhiêu đoạn từ tài liệu nào. Nếu vi phạm lần đầu, giáo viên sẽ mời sinh viên lên gặp giám đốc trung tâm, đến lần thứ ba sẽ bị đuổi ra khỏi trường”.

Trước thực trạng này mà tại hội thảo “Đạo đức trong nghiên cứu khoa học” do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) tổ chức vào tháng 5 vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng vi phạm đạo đức khoa học đang phổ biến ở Việt Nam. Để ngăn ngừa tình trạng này, GS Nguyễn Văn Tuấn đề nghị cần dạy cho học sinh -sinh viên về chuẩn mực đạo đức khoa học. 

Thùy Ngân

 

Các Tin Tức Khác

Bắt đầu từ việc cải cách tư duy và tầm nhìn lãnh đạo

Tôi viết những dòng này sau khi đã dự Hội thảo “Khởi nghiệp - kiến quốc, công thức thành công từ các cường quốc và bài học cho Việt Nam” tại Dinh Thống Nhất ngày 23/11/2

Công dân toàn cầu và tâm hồn bộ lạc

Khởi đầu năm mới 2015, cả thế giới bàng hoàng về vụ khủng bố giết chết 12 người tại toà báo châm biếm Charlie Hebdo, Paris, Pháp...