Tin Tức
Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.
Quá trình học tại đây cũng có tiếng là áp lực và vất vả, nhưng các học viên lại nhắc đến như một trải nghiệm đầy tự hào. Đó chính là IPL - chương trình học bổng toàn phần về "lãnh đạo khai phóng" độc đáo và công phu bậc nhất tại Việt Nam hiện nay. Đây cũng là ngôi trường khai phóng dành cho lãnh đạo trẻ tuổi từ 20-29 (thuộc thế hệ U30) trong mọi lĩnh vực.
Hầu hết học viên các khóa đều công nhận IPL là chương trình "khổ học" ngay từ vòng tuyển sinh. Vũ Đức Trí Thể, giảng viên về quản trị doanh nghiệp, học viên IPL khóa 3 cho biết: "Hơn 30 người được chọn phải vượt qua hơn 1.200 ứng viên, qua 5 vòng thi trong 8 tháng, còn vất vả hơn mọi kỳ thi mà tôi đã trải qua.
Khi giành được học bổng còn khổ hơn, học viên phải vừa học vừa làm trong khi các buổi học ở IPL lại kéo dài đến 23h, 0h, có buổi đến sáng hôm sau là bình thường, chưa kể hơn 40 cuốn sách phải đọc trong một năm học. Tính nghiêm túc và kỷ luật của IPL đôi khi trở thành nỗi ám ảnh, vì thời gian gửi bài, đến lớp được tính bằng phút. Sau quá trình đào luyện ‘gian khổ’ nhưng đầy hứng thú, chúng tôi thực sự trở thành những con người khác".
Tuy nhiên, cái khổ đó còn dễ chịu hơn cái khổ khi trăn trở về lẽ sống của mình. "Người học bắt đầu hành trình đi tìm chính mình, sống với chính mình và cố gắng giữ được chính mình. Nhiều năm sau khi rời IPL, tôi vẫn thường xuyên đặt ra những câu hỏi nhân sinh và liên tục tra vấn bản thân, thậm chí phủ định những suy nghĩ, quan điểm mà mình từng xác tín về thành công, hạnh phúc và thời cuộc", Trí Thể chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, Nguyễn Thanh Ngữ, học viên IPL khóa 1, CEO TTC Sugar, cho rằng đó là quá trình "khổ trong sung sướng", bởi khi được đào luyện trong cái khổ, học viên sẽ có cái đầu sáng và trái tim nóng. Cái đầu sáng để minh định đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà... Trái tim nóng đầy lòng trắc ẩn, biết rung cảm trước cái đẹp, thổn thức trước nỗi đau và phẫn nộ trước cái ác.
Giáo dục khai phóng mà IPL hướng đến, hiểu một cách đơn giản, là khai minh và giải phóng bản thân để trở thành con người tự do, tránh trở thành con người phận vị, công cụ, hoang dã hay nô lệ. Thang đo thành công và hạnh phúc thường thấy trong xã hội là "to have" - có được tiền tài, địa vị, danh vọng…; hoặc "to give" - cống hiến và được công nhận, khen ngợi. Con người thường sẽ chọn một trong hai cách sống này. IPL hướng học viên đến thang đo thành công và hạnh phúc là "to be" - sống với chính mình, được là chính mình. Vì thành công bền vững và hạnh phúc đích thực là hệ quả tất yếu khi những người trẻ dấn thân, sống đúng phẩm giá của mình.
Giáo dục ở IPL cổ vũ 3 tinh thần "Thực học, Khai phóng và Chuyên sâu" nhằm giúp mỗi học viên tự đào luyện mình trở thành: Con người tự do, Công dân trách nhiệm và Chuyên gia ưu tú. Nếu khai phóng giúp người học có văn hóa để làm người thì chuyên sâu giúp các bạn có chuyên môn để làm nghề ưu tú. Vì vậy, IPL không chỉ là chương trình đào tạo, mô hình giáo dục, mà còn là “nền văn hóa” rất riêng.
"Tôi từng băn khoăn nghề nhân sự có phù hợp với mình không. Từ tinh thần chuyên sâu trong văn hóa IPL, điều quan trọng nhất vẫn là sống đúng với giá trị cá nhân, dấn thân và nỗ lực làm tốt nhất trong bất kỳ nghề nghiệp nào mình lựa chọn", Trần Thị Hương Thư, học viên IPL khóa 1, Giám đốc nhân sự khu vực Đông Nam Á Tập đoàn AB InBev SEA cho biết.
Văn hóa IPL giúp các hạt giống lãnh đạo khai phóng của nhiều lĩnh vực được trưởng thành, góp phần gây dựng một thế hệ biết tự lực tạo ra giá trị tốt đẹp cho bản thân và xã hội.
Đoàn Trần Anh Tuấn, học viên IPL khóa 3, CEO Colory Animation, kể ý kiến của anh luôn bị các bạn trong lớp "vùi dập" không thương tiếc. Anh gọi đó là trải nghiệm "sung sướng trong đau khổ", vì nhờ những phản biện trên tinh thần hỗ trợ, đóng góp mà anh rèn luyện khả năng giao tiếp, trình bày vấn đề và bảo vệ chính kiến.
Dù nợ 2 bằng đại học, Đoàn Trần Anh Tuấn vẫn giành được học bổng IPL khóa 3. Còn Lê Quang Minh, Phó trưởng ban CLB Hùng biện Mầm sống, trở thành học viên IPL khóa 5 khi đang là sinh viên năm cuối đại học. Điều đó cho thấy, không chỉ có những người trẻ đã thành đạt hay tốt nghiệp từ trường đại học uy tín ở nước ngoài mới có thể giành học bổng IPL.
Cơ hội nhận học bổng IPL rộng mở cho các bạn trẻ 20-29 tuổi, với điều kiện xét tuyển "khác thường" là “anh hùng không hỏi xuất thân”, chỉ cần sự tự tin, trở thành nhân tố góp phần tạo ra thay đổi tích cực cho cộng đồng, khát khao tìm ra chính mình, trở thành con người tự do, trách nhiệm và ưu tú. Khi tốt nghiệp, học viên chỉ có giấy chứng nhận và không có bằng cấp.
Trong thời kỳ mà xã hội đặt nặng bằng cấp hơn thực tài thì sự ra đời của mô hình giáo dục không bằng cấp của IPL gặp không ít thách thức, vì nó đi ngược số đông. Nhưng khi mà “chân tài thực học” ngày càng được coi trọng trong xã hội thì “tinh thần thực học” mà IPL cổ vũ ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ.
Với những người sáng lập IPL, bằng cấp cũng quan trọng, nhưng thực tài còn quan trọng hơn nhiều và chỉ có thực học mới tạo ra thế hệ ưu tú biết làm người, làm nghề, làm dân. Trên thế giới, không thiếu những người thành công vang dội mà không có bằng đại học như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs... Tuy nhiên, Bill Gates nói rằng: "Tôi rời trường đại học chứ chưa bao giờ bỏ học". Như vậy, chính thực học mới tạo nên thực tài và quyết định cuộc đời, điều này lớn hơn đại học và rất khác với hư học.
Ở IPL, học viên được tiếp cận những môn học khác lạ như: Bàn về sự học, bàn về sự đời, bàn về triết học, bàn về văn hóa, bàn về lịch sử, bàn về khoa học, bàn về nghệ thuật, bàn về văn chương, bàn về âm nhạc, bàn về hội họa, bàn về điện ảnh, bàn về pháp luật, bàn về công dân, bàn về lãnh đạo, bàn về quản trị, bàn về khởi nghiệp…
"Môn học nào với tôi cũng mới lạ còn giảng viên thì ấn tượng. Triết học là một môn sinh viên nào cũng ‘ngán’, vậy mà bài giảng của học giả Bùi Văn Nam Sơn ở IPL lại khiến nhiều người rơi nước mắt....", Lê Quang Minh kể.
Tạ Thái Minh Phúc, học viên IPL khóa 4 tự hào: “Trong cấu phần ‘Phát triển lãnh đạo’ của IPL, chúng tôi được học những chương trình đào tạo toàn cầu của FranklinCovey mà thường chỉ dành cho lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn lớn”.
Hay về khởi nghiệp, học viên IPL được học chương trình nổi tiếng thế giới The Lean Start-up, còn quản trị chiến lược là Strategy Map của Balanced Scorecard Institute (Hoa Kỳ)…
“Tôi chưa thấy nơi nào, chương trình nào ở Việt Nam có sự kết hợp tuyệt vời giữa ‘giáo dục khai phóng’ và ‘phát triển lãnh đạo’, giữa ‘đẳng cấp thế giới’ và ‘thực tiễn Việt Nam’ như vậy”, chuyên gia Đinh Ngọc Hân, giảng viên của FranklinCovey chia sẻ.
Cũng như các học viên khác, Nguyễn Thanh Ngữ có ấn tượng sâu sắc đối với đội ngũ giảng viên của IPL. Anh cho biết: "Họ là những người thầy lớn, không chỉ mang lại cho học viên kiến thức và phương pháp học, mà truyền cả năng lượng tích cực và sự khao khát tri thức. Một số người thầy tại IPL còn cho học viên cảm giác tổn thương khi chỉ ra sự tăm tối, để họ vỡ òa và nhận ra con người thật”.
Hai trong những môn học "ám ảnh" học viên lâu nhất trong chương trình là “Bàn về sự học” và "Quản trị cuộc đời" do nhà giáo Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Học viện Quản lý PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED trực tiếp giảng dạy.
Ban giáo vụ, những người theo sát các thế hệ IPL, chia sẻ: "Bài giảng của thầy khiến học viên đôi lúc cười nghiêng ngả, nhưng sau đó lại cảm thấy ‘đau’ và thức tỉnh. Nhiều bạn nói rằng trước khi học thấy mình khá thành công và hạnh phúc, nhưng học xong lại thấy mình bất hạnh. Cảm giác này là hệ quả của quá trình khai minh”.
Học viên IPL đều nói rằng "Quản trị cuộc đời" là một môn học rất “hại não”, nhưng học lại rất “đã”. Vũ Đức Trí Thể cho biết: "Lớp tôi học ‘Quản trị cuộc đời’ từ tối hôm trước đến sáng hôm sau mà ai cũng tỉnh táo và hào hứng. Theo tôi, không có liều caffein nào tốt hơn lòng hiếu tri và năng lượng từ người thầy".
Thành lập từ năm 2007 bởi Học viện Quản lý PACE và những doanh nhân, trí thức tâm huyết như GS Trần Văn Thọ, GS Vũ Minh Khương, TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nhà giáo Giản Tư Trung, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Bá Dương, Đặng Văn Thành, Cao Tiến Vị, Võ Quốc Thắng… IPL được ví như nghĩa thục thời hiện đại. Nguồn cảm hứng để thành lập IPL xuất phát từ tinh thần giáo dục của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ngôi trường vì việc nghĩa nằm ớ phía Đông của Kinh đô) cách đây hơn 100 năm.
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL được thiết kế công phu và độc đáo, kết hợp giữa đẳng cấp thế giới và thực tiễn Việt Nam, giữa giáo dục khai phóng và phát triển lãnh đạo, nhưng hoạt động không vì lợi nhuận. 100% học viên trúng tuyển sẽ được cấp học bổng toàn phần trị giá 200 triệu đồng/học viên để theo học chương trình IPL.
Những người trẻ trong mọi lĩnh vực mà IPL lựa chọn là những người có tố chất, tiềm năng và dám dấn thân trên hành trình khai phóng bản thân, sẵn sàng tiên phong và chuyên sâu trong lĩnh vực của mình để trở thành những chuyên gia ưu tú. Như câu nói đầy cảm hứng từ bộ phim Ba chàng ngốc (Ấn Độ): “Đừng theo đuổi sự thành công, hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ theo đuổi bạn”, khi bạn đạt đến sự ưu tú và luôn duy trì nó trong công việc thì thành công sẽ đến như một hệ quả tất yếu.
GS Phan Văn Trường, giảng viên môn "Bàn về lãnh đạo" của chương trình IPL đánh giá: "Trong mắt tôi, hầu hết học viên rất chăm chỉ, giỏi giang và tích cực cống hiến cho xã hội. Tôi tin rằng các bạn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế mai sau".
Mỗi học viên IPL cống hiến cho xã hội và phát triển cộng đồng ngay khi học tại trường qua đề án tốt nghiệp theo mô hình “Học thông qua phục vụ". Đề án là một dự án, công việc, hay hoạt động cộng đồng... nhằm tiếp tục học hỏi nâng cao và góp phần xây dựng cộng đồng tự lực khai phóng.
Mặt khác, học viên IPL không chỉ nỗ lực học tập cho mình mà còn góp sức cho việc lan tỏa "nền văn hóa 12 chữ" (Thực học, Khai phóng, Chuyên sâu; Tự do, Trách nhiệm, Ưu tú) của IPL đến mọi người. Từ năm 2008, Trần Thị Hương Thư đã xây dựng một "Cộng đồng IPL" trên Internet dành cho những người không có may mắn tiếp cận chương trình. Cộng đồng này có đến mấy nghìn thành viên từ Bắc đến Nam, hoạt động thường xuyên, tích cực. Đến năm 2013, Hương Thư giao lại cho nhóm quản trị khác và "Cộng đồng IPL" đến nay vẫn duy trì trên các diễn đàn và mạng xã hội.
Dù “khổ học” không bằng cấp, học viên IPL vẫn có những bước phát triển mạnh trong sự nghiệp, bất kể họ chọn con đường lãnh đạo, khởi nghiệp, chuyên gia hay nghệ thuật.
Như một học viên trẻ khóa IPL5 chia sẻ, bạn được tuyển dụng vào vị trí chuyên môn của một ngân hàng tiếng tăm dễ dàng hơn nhiều. Một người trong ban lãnh đạo ngân hàng cho biết: "Dòng chữ ‘học viên IPL’ trên lý lịch ứng viên như một bảo chứng vững chắc về ứng viên".
Với nghĩa thục IPL, con đường hiệu quả nhất để lan tỏa tinh thần thực học, tinh thần khai phóng và tinh thần lãnh đạo, cũng như lan tỏa triết lý giáo dục và giá trị văn hóa, đó là điều gì từ trái tim sẽ đến trái tim.
Nguồn: https://news.zing.vn
Singapore là một quốc gia được coi là phát triển hàng đầu ở châu Á và trong khối ASEAN. Singapore hiện thu hút một số lượng khá du học sinh Việt Nam. Dưới đây là sơ lược về hệ thốn