Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Một cái nhìn về giáo dục đại học Hà Lan và Việt Nam

Hoàng Trung Nghĩa tại ĐH Erasmus Rotterdam, Hà Lan

Cuộc thi viết "Tôi mong đợi gì ở các trường đại học?" do trường Đại học Hoa Sen tổ chức nhân kỷ niệm Đại học Humboldt 200 tuổi hướng đến mục tiêu lắng nghe nguyện vọng của sinh viên và công chúng. Bài viết được trích đăng sau đây là của thí sinh đoạt giải  nhì Hoàng Trung Nghĩa, người chia sẻ những khác biệt giữa hai môi trường học tập Việt Nam và Hà Lan và đưa ra những gợi ý thu ngắn khoảng cách.

...Với tư cách là một sinh viên đã hoàn thành chương trình đại học cả ở Việt Nam lẫn Hà Lan, tôi xin trình bày một cách ngắn gọn nhất những ưu điểm của hệ thống giáo dục Hà Lan, qua đó nêu ra một số điểm hệ thống giáo dục Việt Nam cần khắc phục...

Giáo dục đại học Hà Lan chú trọng vào phát triển khả năng tự học, sự tự tìm tòi, khám phá của sinh viên. Mỗi năm học được chia thành 5 “block” – mỗi block gồm 7 tuần học và 1 tuần thi. Trong 7 tuần ngắn ngủi đó, sinh viên phải biết cách tự quản lý quỹ thời gian của mình sao cho hợp lý. Bài giảng của giáo viên chỉ là sự giới thiệu môn học một cách cơ bản và tổng quát nhất, thông thường chỉ khoảng 2 tiết một tuần. Những bài giảng này được đưa lên trang web của trường một hai ngày trước buổi học để sinh viên có thể soạn bài trước ở nhà. Sau mỗi bài giảng, thường có một số lượng rất đông sinh viên xếp hàng để giáo viên giải đáp các thắc mắc. Nhiệm vụ của sinh viên là dựa vào bài giảng, đọc giáo trình và hệ thống hóa kiến thức cho riêng mình.

Khi tôi còn là sinh viên của trường Đại học Ngoại thương TP.HCM, chúng tôi được học lập trình FoxPro của những năm 80– vừa khó lại vừa lạc hậu và chẳng còn ai sử dụng. Giáo viên dạy môn đó nói với chúng tôi rằng anh không được đổi sang một lập trình khác do quy định của trường là vậy.

Các trường đại học Hà Lan luôn chọn lựa những giáo trình hay nhất, cập nhật nhất, thường là từ các nhà xuất bản như Oxford, Harvard hay Routledge. Ngoài những môn bắt buộc, sinh viên được quyền chọn những môn mình yêu thích. Những môn học này luôn bám sát thực tế và có khả năng ứng dụng cao. Lấy ví dụ môn thống kê: giáo viên không bao giờ yêu cầu sinh viên học từng công thức một vì họ biết bất kỳ một phần mềm thống kê nào cũng đã tích hợp những công thức đó. Trái lại, họ đòi hỏi sinh viên phải hiểu công thức đó được dùng trong những trường hợp nào, kết quả đầu ra từ phần mềm mang ý nghĩa gì và có hợp lý hay không. Sinh viên được cung cấp dữ liệu thực tế, khi là tình hình kinh doanh của các công ty, khi thì chỉ số cổ phiếu của một sàn giao dịch nào đó. Vì vậy, hầu hết sinh viên rất hào hứng với môn học của mình vì họ biết những kiến thức này là cần thiết cho nghề nghiệp tương lai của họ.

Trong năm cuối đại học, các sinh viên phải chọn một “seminar” – được tổ chức như một hội thảo thực sự. Sinh viên được cung cấp tài liệu cần thiết, thông thường là các bài viết trên các tạp chí khoa học có uy tín. Tôi còn nhớ một trong những bài viết tôi được cung cấp là bài viết về cấu trúc của Modigliani (Nobel Kinh tế năm 1985) và Miller. Chúng tôi được yêu cầu đưa ra nhận định của mình về tính ứng dụng của lý thuyết trong thời điểm hiện tại, về những điểm chưa hợp lý trong bài viết. Mỗi tiết học, một sinh viên sẽ phải đóng vai “Chủ tịch hội nghị”– là người điều hành buổi hội thảo và cũng là người lắng nghe, phân tích và tổng hợp ý kiến của các thành viên tham dự. Đóng góp, phát biểu trong hội thảo là những chỉ tiêu quan trọng để giáo viên cho điểm các sinh viên.

Để có đủ kiến thức, sinh viên phải tìm tòi và đọc rất nhiều. So với sinh viên châu Âu, sinh viên châu Á thường rất nhút nhát trong việc đưa ra ý kiến của mình, nhưng giáo viên luôn tìm cách khuyến khích để các sinh viên thụ động trở nên bạo dạn hơn. Mỗi tháng một lần, giáo viên sẽ gặp riêng từng sinh viên để trao đổi ý kiến về khóa học, đưa ra nhận xét về tình hình học tập của sinh viên đó và góp ý để sinh viên tham gia hội thảo tốt hơn. Do đó, hình thức học theo kiểu hội thảo này rất hiệu quả trong việc giúp sinh viên phát triển tư duy, nhận định, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và sự tự tin.

Những bài giảng này được đưa lên trang web của trường một hai ngày trước buổi học để sinh viên có thể soạn bài trước ở nhà. Sau mỗi bài giảng, thường có một số lượng rất đông sinh viên xếp hàng để giáo viên giải đáp các thắc mắc.

Hầu như tất cả các khóa học đều có bài tập nhóm. Điểm được chấm cho toàn bài và cũng cho từng cá nhân. Vì vậy, sinh viên vừa phải nỗ lực cho phần bài viết của mình, vừa phải đóng góp để cho bài viết của đội mình tốt hơn. Bài tập nhóm thường rất thú vị và hấp dẫn. Chẳng hạn nhóm chúng tôi được yêu cầu thiết lập các mô hình kinh tế để định giá tài sản của Công ty Bưu chính TNT. Giáo viên hướng dẫn của chúng tôi – cũng như hầu hết các giáo viên khác của trường là giáo viên kiểu 4/1, nghĩa là 4 buổi trong tuần họ là nhân viên của một công ty nào đó và 1 buổi là giáo viên của trường. Chính giáo viên này cũng đang cùng các đồng nghiệp của mình thực hiện dự án định giá tài sản của TNT. Mỗi khi bế tắc, chúng tôi có thể viết email cho giáo viên và họ trả lời rất nhiệt tình. Cuối khóa học, chúng tôi phải trình bày kết quả định giá của mình trước đại diện của công ty TNT. Vì thế, tôi và các bạn tôi đều rất hào hứng và luôn cố gắng để hoàn thành bài tập của mình một cách tốt nhất.

Một trong những bài tập khác mà tôi còn nhớ, đó là trò chơi giả lập đầu tư chứng khoán. Mỗi nhóm sẽ được cung cấp một số vốn nhất định để đầu tư sao cho rủi ro là thấp nhất và lợi nhuận là cao nhất. Bài tập này buộc chúng tôi phải biết cách phân tích rủi ro, cách tính lợi nhuận và dự đoán biến động của danh mục đầu tư của mình. Đó là một sự tìm tòi, khám phá đầy khó khăn nhưng bổ ích và thú vị.

Để tốt nghiệp, chúng tôi phải hoàn thành khóa luận tốt nghiệp– được bắt đầu bằng việc trình bày bằng văn bản ý tưởng của mình với giáo viên. Chỉ khi nào ý tưởng được kiểm chứng là khả thi và hữu dụng thì đề tài mới được thông qua. Mỗi sinh viên đều được cung cấp mật mã để tải số liệu và dữ liệu từ những nguồn phổ biến nhất trên thế giới như Thomson One Banker, Bloomberg, Zephyr… Sách trong thư viện vô cùng phong phú, thủ tục mượn sách rất đơn giản và dễ dàng. Mọi thông tin cần thiết về tài liệu đều được lưu trong cơ sở dữ liệu. Trong trường hợp tài liệu cần mượn không có trong trường, quản lý thư viện sẽ liên lạc với các trường khác để sinh viên có được tài liệu trong thời gian nhanh nhất. Sinh viên phải trình bày kế hoạch thực hiện đề tài của mình và giáo viên hướng dẫn có trách nhiệm giúp đỡ sinh viên bằng mọi cách để hoàn thành khóa luận của mình. Tất cả các bài tập hay luận văn của sinh viên đều được kiểm tra rất kỹ bằng phần mềm chống đạo văn của trường. Vì thế, không có chuyện sinh viên làm luận văn bằng cách xào lại hay cắt dán từ những những tài liệu có sẵn... Sau khi nộp luận văn, giáo viên hướng dẫn sẽ tự tìm một giáo viên khác để đọc và phản biện, sinh viên không được biết trước tên của giáo viên này. Do đó, việc sinh viên tặng quà hay đút tiền cho giáo viên là chuyện không bao giờ có.

Tất cả các bài tập hay luận văn của sinh viên đều được kiểm tra rất kỹ bằng phần mềm chống đạo văn của trường. Vì thế, không có chuyện sinh viên làm luận văn bằng cách xào lại hay cắt dán từ những những tài liệu có sẵn...

Sau mỗi khóa học, sinh viên được yêu cầu đánh giá khóa học của mình, bao gồm cả việc đánh giá giáo viên. Thông tin về sinh viên đánh giá hoàn toàn được bảo mật. Các chỉ tiêu đánh giá thường là: Bạn có hài lòng về khóa học của mình? Khóa học này có thiết thực đối với bạn? Bạn đánh giá thế nào về giáo trình môn học? Bạn đánh giá thế nào về giáo viên?... Kết quả đánh giá của sinh viên sẽ được tổng hợp và công bố cho toàn thể sinh viên. Giáo viên nhận được nhiều đánh giá khả quan nhất của sinh viên sẽ được chọn là “Giáo viên của năm”. Việc này buộc các giáo viên luôn phải nỗ lực để khóa học của mình tốt hơn. Bên cạnh đó, điểm số của sinh viên được thông báo qua trang web của trường. Sinh viên có thể biết được tỉ lệ đậu hay trượt là bao nhiêu và mình đứng thứ mấy trong khóa học.  

Trong khi đó, nhìn về giáo dục đại học Việt Nam, không khó để chúng ta trả lời vì sao chất lượng đầu ra của sinh viên nước ta còn thấp. Thứ nhất, giáo dục đại học Việt Nam không quá khác biệt với giáo dục phổ thông, nghĩa là còn nặng về việc dạy và học theo hình thức đọc, chép và học thuộc lòng. Thực trạng này dẫn đến việc học thụ động, không khuyến khích được sự tự tìm tòi, khám phá của sinh viên. Chính vì nặng về dạy học theo kiểu đọc – chép nên giáo dục đại học Việt Nam không có thời gian cho việc rèn luyện các kỹ năng khác của sinh viên. Sinh viên Việt Nam, dù đã tốt nghiệp, ra trường và đi làm, vẫn không đủ tự tin để phát biểu trước đám đông. Bên cạnh đó, giáo dục đại học Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến việc phát triển khả năng làm việc tập thể của sinh viên. Việc này giải thích tại sao sinh viên Việt Nam thường gặp khó khăn khi phải làm việc theo đội nhóm. 

Thứ hai, cơ sở hạ tầng giáo dục của Việt Nam còn yếu kém và giáo viên bị gò bó về nhiều mặt. Điển hình, khi tôi còn là sinh viên của trường Đại học Ngoại thương TP.HCM, chúng tôi được học lập trình FoxPro của những năm 80 – vừa khó lại vừa lạc hậu và chẳng còn ai sử dụng. Giáo viên dạy môn đó nói với chúng tôi rằng anh không được đổi sang một lập trình khác do quy định của trường là vậy. Chúng tôi cảm thấy thời gian chúng tôi bỏ ra cho môn này là một sự lãng phí lớn. Hơn nữa, chúng tôi không khỏi ngán ngẩm khi biết đến kỳ thi, chúng tôi phải viết lập trình trên giấy.

Thứ ba, chất lượng giảng viên đại học Việt Nam không cao, vẫn còn tình trạng “cử nhân đào tạo cử nhân”. Có thể vì văn hóa, chúng ta ngại chuyện sinh viên đánh giá giáo viên, nhưng việc này rất bình thường ở những quốc gia khác. Có đánh giá, giáo viên mới biết chất lượng giảng dạy của mình thế nào và cố gắng hơn để đáp ứng yêu cầu của sinh viên.

Thứ tư, chuyện “xào” lại luận văn của sinh viên vẫn là căn bệnh nan y. Một khi không có cách ngăn chặn hiệu quả, chúng ta không thể nâng cao khả năng tư duy và nghiên cứu khoa học của sinh viên – và vì thế mục tiêu giáo dục của chúng ta bị thất bại. Trong khi đó, các phần mềm kiểm tra đạo văn đã được hầu hết các nước châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản ứng dụng.

Thứ năm, ngăn chặn việc “đi cửa sau” của sinh viên không phải là một việc khó. Chỉ cần chúng ta áp dụng mô hình của Hà Lan: sinh viên không được biết tên của giáo viên phản biện và giáo viên phản biện nắm vai trò quyết định trong việc đánh giá kết quả của sinh viên. Chỉ khi nào chúng ta có một hệ thống giáo dục công bằng, minh bạch thì chất lượng giáo dục của chúng ta mới được cải thiện.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời của Sherwood Anderson – nhà văn người Mỹ: “Toàn bộ mục tiêu của giáo dục là để phát triển tư duy. Tư duy sẽ là thứ duy nhất phát huy hiệu quả”1. Rõ ràng, giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn quá nhiều việc phải làm để mục tiêu này thành hiện thực.
--------
* Ths.- Đại học Erasmus Rotterdam– Hà Lan
---------------------
1 “The whole object of education is to develop the mind. The mind should be a thing that works.” -  Sherwood Anderson (1876–1941)

Hoàng Trung Nghĩa *

Nguồn: Tia Sáng - 21/02/2011

Các Tin Tức Khác

Tổ chức phản biện Kết quả nghiên cứu đề tài: "Tìm hiểu hệ thống giá trị được chuyển tải qua sách giáo khoa (SGK)"

Ngày 25/11/2014, tại trụ sở Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) đã diễn ra Buổi Báo cáo và Phản biện Kết quả Nghiên cứu của đề tài “Tìm hiểu hệ thống giá trị