Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Kỷ luật kiểu... Phần Lan

TTCT - LTS: Tiếp tục tuyến khảo sát kinh nghiệm giáo dục ở Phần Lan, quốc gia đứng đầu trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment - PISA)*, các chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) giới thiệu cách kỷ luật học sinh ở Phần Lan.

Giáo viên Phần Lan không dạy trẻ nhỏ kiểu “thương cho roi cho vọt”, cũng không phạt học sinh vi phạm kiểu bắt lên đứng trên bục giảng trước lớp hay đứng dưới cờ trước toàn trường như thường thấy ở ta. Chúng tôi xin kể vài chuyện mắt thấy tai nghe trong chuyến thực địa tại trường tiểu học ở vùng Mohos (cách TP Oulu ở phía bắc Phần Lan khoảng 35km) trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu do IRED tổ chức.

1. Hôm ấy, như mọi hôm, chúng tôi đến trường lúc sáng sớm, nhưng khác mọi ngày chúng tôi nhận thấy tất cả giáo viên tập trung ngoài sân trường, tay cầm sổ và bút. Các thầy cô gọi những học sinh đi xe đạp có đội mũ bảo hiểm lại hỏi tên, lớp và ghi lại mà không giải thích cho học sinh biết. Hỏi ra mới hay trong những tuần trước, thầy hiệu trưởng đã yêu cầu học sinh toàn trường phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp đến trường. Và hôm đó các thầy cô trong trường cùng lên kế hoạch quan sát không báo trước, ghi lại tên những học sinh có đội mũ.

Trưa ngày hôm đó, tất cả học sinh toàn trường tập trung tại hội trường cùng với một số đại diện cha mẹ học sinh. Đầu tiên, các thầy cô đọc tên những em có đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp đến trường sáng nay, mời các em lên, thầy hiệu trưởng tặng mỗi em một thanh kẹo. Trao đổi với chúng tôi, thầy cho biết trường không áp dụng hình thức phạt hay cảnh cáo những em không thực hiện tốt, mà thường khen thưởng hay ghi nhận những em đã làm tốt để từ đó các em khác sẽ tự biết điều chỉnh.

Vị hiệu trưởng từng gắn bó với trường học 38 năm nay chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ la lối trong nghề nghiệp của mình. Nói cho đúng, tôi chỉ hét lên đúng một lần vào năm 1983 ở đây. Khi đó, thiết bị của một nhân viên vệ sinh bị hư. Tôi đang giúp sửa chữa thì hai em học sinh đang vừa đợi taxi vừa chơi bóng rổ ném bóng trúng đầu tôi. Tôi đã hét lên: “Này, các em làm gì vậy?”. Đó là hai học sinh lớp 4 và lớp 6. Tôi thấy chúng rất sợ hãi. Từ đó tôi tự nhủ mình sẽ không la lối trẻ em nữa. Tôi nghĩ không tốt chút nào khi cha mẹ hay giáo viên quát một đứa trẻ, bạn sẽ mất rất nhiều thứ mà bạn không bao giờ lấy lại được”.

2. Không đánh đập, la lối, nhưng các giáo viên Phần Lan vẫn có những hình thức kỷ luật học sinh. Ví dụ, theo quy định, cứ sau mỗi giờ học 45 phút, học sinh tiểu học buộc phải ra khỏi lớp, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có những học sinh không muốn ra sân chơi, trốn trong lớp. Khi phát hiện, giáo viên sẽ nhắc nhở, nếu học sinh vẫn không nghe thì giáo viên có thể cảnh cáo đến ba lần, sau đó mới phạt. Hình phạt là học sinh phải ở lại lớp khi tan trường để giải thích cho giáo viên tại sao em lại hành xử như thế.

Trong một lớp học, nếu có một học sinh vi phạm kỷ luật ở mức độ nặng mà giáo viên đứng lớp thấy cần phải phối hợp với người khác để giải quyết, giáo viên sẽ thông báo với hiệu trưởng. Lúc đó hiệu trưởng sẽ triệu tập cuộc họp nhiều thành phần trong đó có giáo viên đứng lớp, giáo viên giáo dục đặc biệt, chuyên gia truyền thông với gia đình (là người được đào tạo, phụ trách nói chuyện với gia đình học sinh trong những trường hợp khó), y tá nhà trường và hiệu trưởng. Nhóm này sẽ cùng phối hợp để giải quyết vấn đề theo hướng giúp học sinh phát triển.

3. Người Phần Lan cho rằng bạo lực sẽ tái tạo bạo lực, những trẻ nhỏ lớn lên trong một môi trường bạo lực, trong kiểu dạy dỗ cho roi cho vọt, khi trở thành người lớn thường sẽ lặp lại các hành vi bạo lực này với thế hệ kế tiếp. Nghĩa là nếu cha mẹ dạy con cái, thầy cô giáo dạy học sinh bằng đòn roi hay bằng những ngôn từ bạo lực... thì những điều này được học sinh nội tâm hóa, trở thành những chuẩn tham chiếu, những đường nét nơi nhân cách của học sinh sau khi đã trưởng thành.

Và đến lượt mình, những công dân tương lai lại hành xử với nhau và với thế hệ kế tiếp cùng một cách như mình đã nhận được trong quá trình hình thành nhân cách. Bạo lực do đó sẽ tái tạo, kéo dài không những trong gia đình mà còn mở rộng ra toàn xã hội.

Như vậy sẽ có những tương quan giữa vấn đề bạo lực đang xảy ra nhan nhản trong xã hội với môi trường, cách thức giáo dục gia đình và học đường. Do đó, không phải vô cớ mà nhiều nước châu Âu đã ban hành luật cấm tất cả mọi hành vi bạo lực đối với trẻ em, ngay cả một cái đánh đít. Với họ, đó là cách tốt nhất để hạn chế bạo lực ngoài xã hội, là cách thức đào tạo những công dân biết tôn trọng người khác, xem tất cả hành vi đánh người là chuyện đáng xấu hổ và đáng lên án.

TS. Nguyễn Khánh Trung - Lê Thị Minh Hiếu
Nghiên cứu viên Viện IRED

Nguồn: Tuổi trẻ - 28/01/2013

Các Tin Tức Khác

Tác giả Giản Tư Trung nói về cuốn sách “cách mạng bản thân”

Tác phẩm Đúng việc của nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung (Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Giáo dục, Phó chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh) xuất bản lần đầu vào năm 2015.

Môn triết học và mục tiêu đào tạo con người độc lập

Ngày 16/6 vừa qua, học sinh lớp 12 ở Pháp đã thi môn triết trong kỳ thi tú tài. Đọc các đề thi môn học này, chúng ta có thể thấy phần nào mục tiêu đào tạo con n