Tin Tức
Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.
Không biết đã có nhà nghiên cứu nào so sánh chi tiết cử chỉ hành động, cách sống của các tú tài Việt Nam và Pháp chưa? Nhưng bằng kinh nghiệm thường, ai cũng thấy phần lớn các cô cậu tú Việt Nam “ngoan ngoãn” và cả “thụ động” hơn phần lớn các bạn đồng trang lứa người Pháp.
Có lẽ đây là một hiện tượng tập thể, một hiện tượng xã hội diễn tả hai thói quen, hai tập tính, hai nền văn hóa Âu – Á khác nhau chứ không phải là chuyện cá nhân. Chúng ta có thể phân tích vấn đề từ nhiều cách nhìn, nhưng ở đây tôi xin nói về hai khía cạnh đó là giáo dục và truyền thông.
Người Việt Nam nói: “trẻ em như tờ giấy trắng”, nghĩa là hai đứa trẻ sơ sinh, Tây hay Ta thì cũng giống nhau, những rồi người lớn chúng ta sẽ làm cho một bé trở thành một người Pháp và một bé khác trở thành một người Việt, khác nhau về đủ thứ, trong đó có những biểu hiện như đã nói ở trên. Người lớn làm điều đó bằng con đường nào nhỉ?
Giáo dục
Trước tiên là giáo dục, những khẩu hiệu thường thấy trong nhà trường Việt Nam là “con ngoan trò giỏi” là “tiên học lễ, hậu học văn”. Nghĩa là, trước khi giỏi, trước khi học chuyên môn thì phải ngoan đã, phải học lễ nghĩa phép tắc trong ứng xử với người lớn. Theo cách nào đó sự ngoan ngoãn được định nghĩa như sự vâng lời người lớn. Người lớn, thầy cô dạy sao phải nghe vậy, phận làm trò, làm con không được đặt vấn đề cãi cọ... Nghĩa là người lớn nắm chân lý, nói đúng là đúng, nói sai là sai. Lên tiếng, lý lắc với người lớn nhiều khi học sinh bị cho là hỗn với thầy, là mang tội cãi cha cãi mẹ, một trong những biểu hiện của tội bất hiếu, được xem là rất nặng trong văn hóa Việt Nam. Những khẩu hiệu như thế không chỉ thấy ở các lớp mẫu giáo, các trường tiểu học, mà theo người học sinh tới tận đại học. Trở thành những chuẩn mực chung cho toàn xã hội. Người lớn căn cứ vào đó mà đánh giá học sinh tốt hay xấu, trẻ nhỏ căn cứ vào đó để soi mình, và để hành động cho phù hợp để khỏi bị la rầy. Phải chăng bằng cách đó người Việt Nam đã thiết kế nên tính thụ động nơi nhân cách của con em mình? Phải chăng đây là nguyên nhân của hiện tượng mà có người đã miêu tả: Một đứa bé Việt lúc bắt đầu biết nói rất thông minh, bé hỏi người lớn đủ thứ một cách rất tự nhiên, nhưng rồi số lượng các câu hỏi giảm dần với tuổi tác, với trường lớp, để rồi ở đại học, các sinh viên từa tựa nhau về mặt tư tưởng, rất ít tranh luận, phản biện, đặt lại các vấn đề, những việc mà đáng lý ra sinh viên phải nên làm.
Ở Pháp thì khác, ngay khi lọt lòng mẹ, đứa bé đã được giáo dục tính tự lập bằng cách cho ngủ riêng, lên mẫu giáo thì phải biết tự làm nhiều thứ, như tự sắp xếp đồ đạc trò chơi sau khi chơi vv. Nghĩa là người lớn chủ trương không làm thay, nhưng giáo dục tính tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm cho trẻ. Như đã nói đứa bé Pháp khi còn nhỏ cũng như đưa trẻ Việt thôi, đến cái tuổi nói, tuổi khám phá thế giới xung quanh là chúng đặt đủ thứ câu hỏi, nhưng người lớn Pháp thì đối xử khác xa so với người lớn Việt, phần lớn người Pháp kiên trì trả lời các câu hỏi của trẻ, ngoan ngoãn vâng lời có lẽ cũng được định nghĩa khác. Vì cuộc sống chung, trẻ phải được trang bị một số chuẩn mực xã hội trong cách sống, cách ứng xử với mọi người xung quanh, nhưng người lớn sẵn sàng giải thích cho trẻ hiểu tại sao lại phải tuân thủ như vậy, thầy cô ở trường không khuyến khích trẻ ngoan ngoãn bằng cách bảo sao nghe vậy, nhưng khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, chủ động chứng tỏ bản thân, năng khiếu của mình. Lớn lên thì khuyến khích học sinh, sinh viên đặt lại vấn đề, ngay cả đối với những chuẩn mực, những luật lệ mà các em đang buộc phải tuân thủ. Ðiều này bắt nguồn từ quan niệm triết lý giáo dục Châu Âu từ nhiều thế kỷ nay.
Truyền thông
Một đứa trẻ Việt phải học hỏi vô số những quan hệ xã hội chằng chịt từ trong gia đình và ra ngoài xã hội. Ðứa trẻ không những chỉ học phát âm, mà còn học phép tắc lễ nghĩa gắn liền. Ðối diện với ông bà, cậu dì, chú bác thì phải tự xưng mình là cháu, với cha mẹ thì là con, với anh chị là em... Khi đặt mình vào từng vị trí, bé phải học các thái độ, cách ứng xử đi kèm cho phù hợp để được khen là ngoan. Cách thức xưng hô trong gia đình được mở rộng ra ngoài xã hội. Ví dụ, đối diện với người có tuổi bằng cha chú mình thì phải gọi là bác hoặc chú, và đương nhiên trẻ phải dạ thưa tử tế cho hợp với vai trò phận cháu chắt. Cách xưng hô trong giao tiếp phải cụ thể trong từng trường hợp, văn hóa Việt không khuyến khích chữ chử “tôi”, không “cá đối bằng đầu” trong cách xưng hô. Trật tự xã hội trên dưới đã được thiết lập ngay trong cách truyền thông hằng ngày. Tất cả những điều này trở thành những đường nét trong nhân cách, trong tập tính chung của người Việt, mà có lẽ cũng là một trong các lý do làm nên tính thụ động, bởi rất khó cho một học sinh phải tranh luận một cách công bằng sòng phẳng trước mặt thầy cô, trước mặt những người lớn mà mình chỉ là phận cháu chắt, em út.
Ở Pháp lại khác, cũng có đầy đủ các danh từ như ông bà cha mẹ cô dì chú bác..., nhưng trong truyền thông trực tiếp, đứa bé không buộc phải đóng vai kẻ trên người dưới. Ðối diện với bất kỳ ai trước mặt thì trẻ cũng xưng “tôi”, và người kia là “toi” hoặc “vous” tùy theo mức độ thân mật, và người kia cũng sử dụng cùng những danh từ này để gọi lại. Nghĩa là trong cách xưng hô nói năng hằng ngày đã có sự công bằng, không phân biệt trên dưới, đứa trẻ không phải đổi vai liên tục và cũng không cần phải lễ phép dạ thưa cho dẫu người đối diện là ai. Với ai thì người Pháp cũng chỉ sử dụng “oui” và “non”, chứ không phân biệt như người Việt với dạ, vâng, ừ, hữ... theo thứ bậc. Cứ logic này thì một học sinh Pháp sẽ dễ dàng tranh luận một cách công bằng sòng phẳng với người lớn từ những chuyện ngoài đời cho đến những chuyện học thuật trong trường học, và điều này rất có lợi cho sự phát triển xã hội nói chung và phát triển khoa học nói riêng.
Như nhà sáng lập xã hội học Pháp, E. Durkheim đã nói: chẳng phải giáo dục (giáo dục gia đình, giáo dục trường học) là con đường dẫn trẻ vào xã hội đó sao? Ðúng vậy, nhân cách một con người, tập tính của một dân tộc, phần lớn tùy thuộc vào giáo dục, mà nhân cách, thói quen một con người lại quyết định số phận của người đó, cũng vậy, tập tính chung của một dân tộc cũng quyết định số phận của dân tộc đó. Nghĩa là, muốn thay đổi số phận của một đất nước, phải thay đổi con đường giáo dục.
TS. Nguyễn Khánh Trung
Nghiên cứu viên Viện IRED
(Nguồn: Tia Sáng - 19/12/2011)
SGTT.VN - Sau nhiều lần bị trì hoãn, hội thảo chủ đề Sách và chấn hưng giáo dục do viện Nghiên cứu phát triển Giáo dục (IRED), bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, hội Thư viện Việt Nam v&ag
Để “đổi mới” hay “thay đổi” giáo dục đại học thì việc tiên quyết nhất là phải có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về đại học và nền đại học. Nếu nhận thức sai lệch và ấu