Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Hiến kế chấn hưng giáo dục

Mặc dù bị hoãn tới hoãn lui từ tháng 3, song không khí hội thảo “Sách và chấn hưng giáo dục” vẫn “nóng” lên từng ngày, bằng chứng là ngày càng nhiều tham luận của các học giả ngoài nước gửi về cho hội thảo.


Ảnh: Kỳ Anh


Liều thuốc nào là hữu hiệu cho giáo dục Việt Nam?

Ngày 4.5 tại TPHCM, các ý kiến đóng góp tại hội thảo một lần nữa khuấy động giới nghiên cứu giáo dục với vấn đề trọng tâm: Bao giờ nước ta có những nhà quản lý giáo dục có tầm vóc và phát triển những phương pháp giáo dục ưu việt?

Giáo sư Huỳnh Như Phương - trường ĐH KHXH&NV - nêu rõ việc cần thiết kiểm định và kiểm thảo một nền giáo dục lạc hậu, tức chạm đến tinh thần của giáo dục, bởi nếu không giải quyết được chất lượng giáo dục thì không thể có một thành tựu nào bền vững. Theo ông, một triết lý giáo dục toàn diện có tính chất dân tộc, nhân bản và khai phóng sẽ có tác dụng chỉ đạo và soi sáng những phương diện của việc dạy và học đang gây bối rối trong nhà trường hiện nay. Ông nhấn mạnh nên tiếp tục gieo những hạt giống đổi mới để khi có vận hội, chúng ta sẽ không bị lỡ tàu lần nữa.

Hai GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) và TS Nguyễn Xuân Sanh đưa ra những ví dụ về công cuộc phát triển văn hóa đọc mạnh mẽ ở Nhật Bản từ thời Minh Trị, nhằm tiến hành công cuộc cận đại hóa để theo kịp các nước phương Tây thông qua việc dịch và phổ biến các sách kinh điển, xây dựng chế độ pháp quyền, chế độ kinh tế tiên tiến và lối sống văn minh.

TS Vũ Minh Khương - ĐH Quốc gia Singapore - nhấn mạnh hai vấn đề: Một là trong gia đình cũng như xã hội phải đề cao nhân cách quan trọng không kém gì sức khỏe, lòng ham hiểu biết quan trọng không kém bằng cấp và ý thức học hỏi, vươn lên chân chính quan trọng không kém sắc đẹp hay chiều cao. Cốt lõi của chấn hưng giáo dục VN vẫn là cải cách giáo dục đại học - đó là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Thiện Tống. “Đại học của chúng ta mới chỉ là trường dạy nghề cao cấp, coi nhẹ những kiến thức cơ bản. Chính vì thế, một hệ thống giáo dục đại học cần đạt những mục tiêu khác nhau, chuyển chủ yếu từ đào tạo về kiến thức và kỹ năng sang đào tạo năng lực tự phát triển kiến thức.

Đổi mới sách giáo khoa và sách phổ cập kiến thức cũng là nội dung được nhiều học giả phân tích ở các góc độ khác nhau. Theo TS Hồ Thiệu Hùng, bộ SGK hiện dùng trong nhà trường quá ôm đồm, chưa thiết thực, học xong không đọng lại gì và có xu hướng độc tôn suốt mọi bậc học.

Ông đề xuất mua luôn chương trình một số môn khoa học tự nhiên của các nước, tổ chức viết SGK không chậm trễ và viết nhiều bộ để lựa chọn. Cứ cho là viết SGK cho học sinh từng bậc tốn kém, nhưng chi phí viết SGK cho 25 môn học từ tiểu học lên trung học sẽ là 7.500 tỉ đồng. Số tiền này không vượt chi phí làm một con đường cao tốc dài... 30km, vì đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km tính ra mỗi kilômét cần đến 12,7 triệu USD - tương đương 254 tỉ!

Theo ông Giản Tư Trung - Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED - sách giáo dục là “tướng tiên phong” trong công cuộc chấn hưng giáo dục. Khi đưa về VN những cuốn sách giáo dục có giá trị, tức là ta đã “mời” được những tư tưởng giáo dục cách mạng nhất, tiến bộ nhất đến tận mọi nhà. Tủ sách phát triển giáo dục của IRED và DT Book đang làm điều đó.

Song nói gì thì nói, điều cốt yếu, như TS Nguyễn Thị Từ Huy nhìn nhận, vẫn chính là ngành giáo dục cần những người lãnh đạo có dân trí cao, chịu học hỏi, chịu đọc sách. “Giáo dục VN cần có những nhà lãnh đạo dám thừa nhận và đối diện với thực trạng, dám nhìn nhận việc thành tích bị đồng nhất với danh hiệu và điểm số thực chất là căn bệnh hiểm nghèo cần chữa trị trước khi nó trở thành khối u ác tính và di căn cho tất cả các thế hệ. Ở tình thế hiện tại, muốn cải cách hay tạo bước đột phá cho giáo dục, thì không còn có thể lãnh đạo theo quán tính, theo định kiến, theo kinh nghiệm đã lỗi thời hay thậm chí mang tính chất kìm hãm, mà cần có phương pháp khoa học và hiệu quả trong quản trị giáo dục”.     

 

Minh Thi
Nguồn: Báo Lao Động - 7/05/2012