Tin Tức
Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.
Một số người cho rằng không nên mất thời gian tranh luận về “Tiên học lễ...”, nhưng tôi lại thấy diễn đàn này rất quan trọng. Bởi, vấn đề không đơn giản chỉ dừng lại ở nội hàm chữ "Lễ", mà chúng ta đang dần đụng đến một thói quen tư duy, một tập tính của một dân tộc, đến đường lăn của cỗ máy giáo dục với một quá khứ mang nặng ảnh hưởng Nho giáo, mà quán tính của nó đang tác động đến hiện tại và tương lai của xã hội Việt Nam. Từ Pháp độc giả Nguyễn Khánh Trung gửi tham luận.
Ảnh minh họa |
Giáo dục Việt hiện là hình thức “giáo dục cổ”
John Dewey (1859 – 1952), nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ, trong tác phẩm “Kinh nghiệm và giáo dục” đã gọi giáo dục của Mỹ hồi thế kỷ 19 về trước là giáo dục cổ truyền. Đó là một kiểu giáo dục hướng về quá khứ, hành động giáo dục là việc thực hiện sự áp đặt những kinh nghiệm, những kiến thức của người lớn, những “chân lý vĩnh cửu” và những “giá trị vĩnh hằng” lên trẻ nhỏ.
Chương trình giáo dục được cố định, hàm chứa các kiến thức được áp đặt từ bên ngoài và bên trên lên học sinh, nó tựa như một cái kho chứa đồ cũ với những ngăn - kéo theo liều lượng dựa trên kinh nghiệm của người lớn. Người thầy chỉ việc lôi từng ngăn, và truyền lại cho học sinh một cách đồng loạt theo yêu cầu từ phía trên.
Đó cũng là hình ảnh của giáo dục Việt Nam hiện tại. Nội dung giáo dục đã được thiết kế trong sách giáo khoa (SGK) thường là những kiến thức, những giá trị đạo đức và văn hoá đã thuộc về quá khứ - mà có khi là quá khứ đã rất lâu, với quan niệm kiểu “vĩnh cửu” được áp đặt từ người lớn bên ngoài nhà trường lên học sinh.
Sự áp đặt của giáo dục Việt là đồng loạt - đó là chuyện chúng ta chỉ sử dụng một bộ SGK cho tất cả các trường trong hệ thống. Vai trò của giáo viên tựa như những “phát ngôn viên”, như những người thừa hành, những người được giao khoán từ trên. Nhiệm vụ của họ là chuyển tải cho học sinh những thứ có sẵn, đã được thiết kế theo ý người lớn, chẳng liên quan gì đến kinh nghiệm của trẻ nhỏ trong hiện tại, mà lắm khi cũng chẳng ăn nhằm gì với tương lai của các em.
Trong mô hình giáo dục này, học sinh đóng vài trò thụ động, thường là trật tự, ngay hàng thẳng lối, ngồi yên để nghe giảng, giáo viên là người trên, đứng trên bủng giảng để “dạy” các em, dạy những thứ của cấp trên của của giáo viên giao phó... Hình ảnh lớp học mà chúng ta thường thấy hằng ngày trong nước.
Giáo dục hiện đại
Ngược lại với mô hình giáo dục cổ truyền, J.Dewey gọi mô hình giáo dục trong phong trào cải cách giáo dục tại Mỹ cuối thế kỷ 19 là “giáo dục hiện đại”, “giáo dục tiến bộ”. Giáo dục hiện đại khởi đi từ kinh nghiệm hiện tại của chính người học, chứ không phải của người lớn, không phải của người thầy.
Kinh nghiệm của học sinh lại phụ thuộc vào lứa tuổi, vào môi trường xung quanh nơi các em sinh sống. Một học sinh ở thành phố sẽ có những kinh nghiệm khác với học sinh ở nông thôn, vì bối cảnh vật chất, xã hội xung quanh, những con người các em thành thị tiếp xúc thường ngày khác với những gì học sinh nông thôn thường gặp...
Nội dung chương trình giảng dạy phải được thiết kế từ những kinh nghiệm này, do vậy, nó phải là mỗi nơi phải mỗi khác, hình thức sư phạm mỗi nơi cũng phải mỗi khác. Hay nói cách khác, không thể áp đặt một chương trình quốc gia chi tiết chung cho tất cả học sinh của tất cả các nơi, không thể áp dụng một hình thức phương pháp sư phạm cho tất cả các học sinh.
Người Phần Lan thành công trong giáo dục hiện nay là nhờ áp dụng nguyên tắc này, nội dung chương trình, phương pháp sư phạm trong nhà trường, nhất là trường tiểu học không những dựa vào từng lứa tuổi, từng vùng địa lý với môi trường văn hoá xã hội khác nhau, mà thậm chí tuỳ vào thể trạng, năng khiếu của từng học sinh. Uỷ Ban Giáo dục Phần Lan có đưa ra một chương trình khung quốc gia, nhưng chỉ là những nét rất chung, quy định một cách tổng thể các mục tiêu giáo dục được in trong chưa đến chục trang giấy, còn việc bằng con đường nào để đạt được mục tiêu đó là việc của các trường, là việc của từng giáo viên đứng lớp.
Trách nhiệm người thầy
Làm thầy trong giáo dục hiện đại khó khăn vất vả hơn nhiều so với giáo dục cổ truyền. Trước hết họ phải là những chuyên gia tinh tường về tâm sinh lý tuổi nhỏ, để có thể hiểu, nắm được suy nghĩ, kinh nghiệm của từng học sinh như là chính của học sinh. Từ đó, chính họ là những kiến trúc sư thiết kế nên các nội dung chương trình giảng dạy, lựa chọn các phương pháp sư phạm phù hợp cho từng nhóm, thậm chí là cho từng học sinh trong lớp.
Do đó, ngoài giờ lên lớp, họ phải bỏ thời gian và công sức rất nhiều để nghiên cứu từng nhóm nhỏ, từng học sinh trong lớp và phải soạn thảo nhiều giáo án cho cùng một lớp học. Như vậy, giáo viên trong giáo dục hiện đại không những phải giỏi về sư phạm nhưng còn phải nắm vững và cập nhật thường xuyên chuyên môn của môn học, vì chính họ là tác giả của các chương trình nội dung giảng dạy trong sự tương tác với học sinh.
Người thầy là chìa khoá quyết định trong sự thành bại của giáo dục hiện đại.
Tại Phần Lan, trình độ giáo viên tối thiểu cũng phải thạc sĩ, các cô cậu tú muốn trở thành giáo viên phải qua trường sư phạm mà ở đó cửa vào là rất hẹp. Người trẻ Phần Lan ai cũng mong ước được trở thành “kỹ sư tâm hồn”, một nghề nghiệp cao quý, được cả xã hội trọng vọng, thế nên các trường sư phạm tha hồ chọn lựa nhân tài, trái hẳn với cảnh “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” như ở nước ta hiện nay.
Các tri thức khoa học cũng như các giá trị đạo đức và văn hoá mà nhà trường chuyển tải cho học sinh phát triển như một dòng chảy, không có gì là cố định bất biến kiểu như “lời thánh hiền”, do vậy, nội dung chương trình giảng dạy cũng phải động và luôn mở. Giáo dục hiện đại không bám chặt trên quá khứ và càng không hướng về quá khứ, nó phải khởi đi từ hiện tại và hướng về tương lai. Nói theo cách của J. Dewey là giáo dục hiện đại phải gắn liền với sự tăng trưởng. Mọi nội dung truyền thụ trong nhà trường nếu không hướng đến làm cho học sinh phát triển, qua đó làm cho xã hội phát triển thì chẳng để làm gì.
Nhà trường có thể chuyển tải cho học sinh ít nhiều những kinh nghiệm và kiến thức của “người xưa”, nhưng mục đích là để làm cho học sinh hiểu hiện tại trong dòng chảy của nó và hướng về tương lai, chứ không phải đóng khung cố định trẻ em trong một điều gì đó đã thuộc về quá khứ kiểu như giáo dục Nho giáo ngày xưa.
Hiệu quả...
Giáo dục hiện đại đề cao dân chủ, vì dân chủ là một đặc tính của thời đại, dân chủ trong nhà trường là việc cả người lớn và trẻ nhỏ. Cả thầy và trò cùng nhau thiết kế nên những mục tiêu của giáo dục dựa trên những kinh nghiệm hiện tại của trò, và cùng nhau hướng về một hướng mà cả thầy và trò là những tác nhân chủ động xây dựng nên, chứ không phải chịu sự áp đặt của những người từ bên trên, bên ngoài nhà trường.
Mục đích của giáo dục là làm cho trẻ nhỏ tự chủ, phát triển tối đa trí thông minh, khả năng phán đoán, khả năng tư duy độc lập và phản biện. Đây là những phương tiện quan trọng để các em tự tạo ra kiến thức cho mình, tạo ra thói quen tự học không phải chỉ trong nhà trường mà suốt đời.
Tự chủ trong việc học tập sẽ tạo thành tập tính nơi học sinh khi trưởng thành. Người công dân tương lai sẽ có đủ khả năng làm chủ chính mình, làm chủ cuộc sống của mình, có khả năng tự thay đổi, biết phát hiện và có khả năng giải quyết, khắc phục những khó khăn - những vấn đề do cuộc sống đặt ra cho cho mình, cũng như cho môi trường sống xung quanh.
TS. Nguyễn Khánh Trung
Nghiên cứu viên Viện IRED
Nguồn: VietNamNet - 27/08/2012