Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Báo cáo và Phản biện Kết quả nghiên cứu đề tài: "Vai trò các chủ thể then chốt trong giáo dục tiểu học công lập hiện nay - Nghiên cứu so sánh hai trường Thanh Hải (Việt Nam) và Oulu (Phần Lan)"

Vào lúc 9g30’, ngày 27/5/2014, tại trụ sở Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) (số 4 Bà Huyện Thanh Quan, Q3, Tp.HCM), Ts. Nguyễn Khánh Trung, Nghiên cứu viên cơ hữu của Viện IRED, Chủ nhiệm đề tài “Vai trò các chủ thể then chốt trong giáo dục tiểu học công lập hiện nay – Nghiên cứu so sánh hai trường Hải Thanh (Việt Nam) và Oulu (Phần Lan)” đã báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng phản biện, các thành viên của Viện và khách mời.

Một trong những chủ trương nghiên cứu quan trọng của Viện IRED ngay từ ngày thành lập là góp phần “định nghĩa lại vai trò của 5 chủ thể then chốt trong hệ thống giáo dục”. Và đây là một trong những đề tài nghiên cứu đã được tiến hành theo chủ trương này của Viện. Đề tài đã bắt đầu từ đầu năm 2012 và hoàn thành dự thảo báo cáo vào đầu năm 2014, bằng nguồn kinh phí do Viện IRED vận động tài trợ.

Phương pháp nghiên cứu của đề tài là phương pháp định tính. Kỹ thuật nghiên cứu bao gồm quan sát trực tiếp, phỏng vấn sâu và nghiên cứu tài liệu. Đề tài đã mô tả so sánh 5 chủ thể (actors) trong chương trình giáo dục tiểu học và mô thức tương tác giữa các chủ thể này thông qua nhiều chiều kích khác nhau như mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục phổ thông, nội dung chương trình giáo dục tiểu học, phương thức tổ chức giảng dạy, phương pháp sư phạm, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Kết quả đề tài đã chứng minh giả thuyết được đặt ra khi tiến hành nghiên cứu đề tài một nền giáo dục chất lượng là nền giáo dục trong đó các chủ thể không lấn át lẫn nhau, nhưng phối hợp hài hoà với nhau trong một cơ chế thương lượng dân chủ, đặt người học làm trung tâm trong mọi khâu tổ chức hành chánh và sư phạm, thống nhất với môi trường chính trị, kinh tế và xã hội bên ngoài”. Kết quả so sánh đã cho thấy “hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung đang có sự rối loạn chức năng (tức các actor không làm đúng vai trò, đang chồng lấn và mâu thuẫn lẫn nhau quá lớn)...”.

Các thành viên của Hội đồng Khoa học phản biện đề tài bao gồm PGS.TS Trần Hữu Quang và Ts.Nguyễn Xuân Nghĩa đã đánh giá cao mục tiêu, phương pháp và kết quả nghiên cứu cũa đề tài. Đồng thời, đã thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến quý báu để bổ sung và hoàn thiện đề tài.

Sau khi Chủ nhiệm đề tài hoàn chỉnh báo cáo đề tài, Viện IRED sẽ tổ chức buổi Tọa đàm để Chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Khánh Trung, chia sẻ kết quả nghiên cứu. Đồng thời, sẽ giới thiệu sách có nội dung liên quan đến đề tài. Dự kiến, các sự kiện này sẽ tổ chức vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015.

Viện IRED lược ghi