Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

14 tác phẩm đạt “Giải Sách Hay 2012”

Sáng ngày 20.9 tại TP.HCM, lễ công bố và trao giải “Sách hay lần 2 – 2012”, do Viện IRED và Dự án Sách hay tổ chức, đã diễn ra với dự khán của hàng trăm nhân sĩ, trí thức, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, các bậc thức giả, nhà văn, nhà báo, chuyên gia và người yêu sách.

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn (bìa phải) trao giải sách nghiên cứu cho TS. Nguyễn Đức Lộc, (đại diện NXB Tri Thức và dịch giả Nguyễn Văn Trọng)

Giải thưởng năm nay có chủ đề “Sách và Khai minh” nhằm nêu bật ý nghĩa sách như một công cụ khai minh xã hội; gìn giữ, tôn vinh và lan tỏa những giá trị trhi thức và văn hóa tốt đẹp đến cộng đồng. Giải thưởng đặt trên cơ sở các bậc thức giả, giới trí thức và bạn đọc cùng bắt tay “gạn đục khơi trong” tạo ra một “màng lọc tri thức” trong bối cảnh sách hay dở lẫn lộn giữa bể sách mênh mông.

Do vậy, những cuốn sách được trao giải năm nay được yêu cầu phải chứa đựng những tư tưởng, triết lý tiến bộ, đồng thời có tính khai minh/khai sáng cao trong từng hạng mục giải thưởng.

Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang trọng và xúc động, giữa niềm vui của những người nhận giải xen lẫn những khoảng lặng tưởng nhớ đến các tác giả/dịch giả quá cố như GS Hoàng Phê, nhà văn Phùng Quán, nhà văn Nguyễn Mộng Giác và dịch giả Nguyễn Trung Đức.

Vợ nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác (bìa phải) lên nhận giải thưởng sách văn học thay ông

Những người dự khán đã dành tràng pháo tay dài cho cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác (1940 – 2012) khi tên ông và bộ tiểu thuyết 5 tập “Sông Côn mùa lũ” vang lên trong hạng mục giải thưởng sách văn học. Vợ ông là người lên nhận thay bởi cách nay hai tháng, ông đã đi về miền miên viễn.

Nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, thành viên hội đồng xét giải sách văn học, với hơn hai ngàn trang viết trong “Sông Côn mùa lũ” (NXB Văn Học, năm 1998), cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã đưa Nguyễn Huệ (người cùng quê với ông) trở về gần với đời thường, xóa đi khoảng cách sử thi, thường thấy trong thủ pháp xây dựng hình tượng những anh hùng.

Năm nay, “Sách hay” có thêm giải Dấu ấn mới dành cho những tác phẩm ra đời chưa lâu và có tính đột phá, mới mẻ, đại diện cho những xu hướng đọc sách, viết sách và làm sách tiến bộ. Giải thưởng thuộc về nhà văn – nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú và tác phẩm “Có 500 năm như thế” tìm hiểu qua trình Nam tiến của người Việt dẫn tới những giao lưu, tiếp biến văn hóa với người Chămpa.

“Chuyện con mèo dạy hải âu bay” đoạt giải sách dịch dành cho thiếu nhi

Tại buổi lễ, nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá cuốn sách là “một nghiên cứu công phu, và có thể là quan trọng nhất” về một vấn đề lớn đã được đề cập nhiều nhưng vẫn chưa xứng tầm với nó. Tác giả là người có suy nghĩ về lịch sử với cái nhìn lịch sử như một diễn trình tạo nên phẩm chất, cá tính của con người VN, chứ không phải lịch sử ở những biến cố lớn, những con người kiệt xuất…

Riêng mảng sách kinh tế và quản trị, mùa giải năm nay nghiêng về những tác phẩm rọi sáng vào những vấn đề nhức nhối của kinh tế VN hiện nay, từ hệ thống tài chính ngân hàng cho tới con đường công nghiệp hóa VN.

Ở mảng sách thiếu nhi, bên cạnh thông điệp muốn gửi viên ngọc quý “Tuổi thơ dữ dội” đến thế hệ trẻ hôm nay, ban xét giải chọn tác phẩm trong trẻo “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”. Thông qua câu chuyện về một chị mèo mun nhận lời trăng trối nuôi dạy đứa con của một chị hải âu gặp nạn vì tràn dầu, tác phẩm gửi gắm ý nghĩa về lòng tận tâm và phẩm chất biết giữ lời hứa.

Nguồn: VietNamNet - 21/09/2012